Cơ hội xuất khẩu rộng mở với doanh nghiệp Việt Nam
(Petrotimes) - Đây là nhận định chung của giới chuyên gia và để có thể tận dụng tốt những cơ hội này, doanh nghiệp trong nước cần nổ lực hơn trong việc chủ động tiếp cận thị trường.
Cái khó ló cái khôn
Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2013 tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp những khó khăn, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tình hình xuất khẩu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn, việc các nước đưa ra những gói giải pháp để kích thích thị trường sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận và nắm lấy cơ hội xuất khẩu.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị xuất khẩu 2013 được tổ chức tại TPHCM thì, năm 2013 phát triển xuất khẩu nước ta sẽ bị cản trở vì hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề nội tại của mình như : dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm, khu vực EU vẫn đang tiếp tục khủng hoảng nợ công… Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thuận lợi và cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam, bởi các nước đã và đang tung ra các gói kích cầu cho tiêu dùng trong nước của họ, gián tiếp tạo thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam.
“Đây sẽ là thời điểm khó khăn của chúng ta khi xuất khẩu sang các nước, nhưng trong cái khó sẽ ló cái khôn, điều quan trọng là doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội của thị trường để tạo bước đột phá cho mình” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần xác lập cung cách làm ăn chuyên nghiệp để nắm bắt các cơ hội
Và theo đánh giá của các chuyên gia, những thị trường thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, các nước trong khu vực ASEAN…
Trong đó, đáng chú ý là tại thị trường Nhật Bản, bắt đầu từ 15/3 các mặt hàng thủy sản, thực phẩm được Nhật chấp nhận kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm ở Việt Nam sẽ mang đến lợi thế cho các doanh nghiệp nước ta xuất khẩu vào nước này.
Bên cạnh đó, hiện nay các nước trong khu vực ASEAN đang tất bật chuẩn bị cho Hiệp định thương mại tự do ASEAN hướng tới thuế suất bằng 0 đối với tất cả hàng hóa vào năm 2015. Vì vậy đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam tăng tốc về xuất khẩu ngay từ bây giờ.
Trong báo cáo mới đây về thị trường xuất khẩu Việt Nam thời gian tới, bà Jasmine Lau, Giám đốc cấp cao bộ phận khách hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam cũng nhận định: Việt Nam có lợi thế về các ngành may mặc, dệt may, sản xuất gỗ và thiết bị viễn thông…đây là những lĩnh vực quan trọng mà các nền kinh tế phát triển cao đều có khuynh hướng cần phải nhập khẩu với số lượng lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp cận các nước mới và củng cố vị thế xuất khẩu của mình ở những thị trường trọng điểm.
Đẩy mạnh tiếp cận thị trường
Theo số liệu của Tổng cục thống kế, ba tháng đầu năm, xuất khẩu đạt kết quả nổi bật với kim ngạch tăng 19,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều tồn tại là tăng trưởng chủ yếu đến từ các mặt hàng công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ít, tăng trưởng thấp, các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh trong xuất khẩu thì bị giảm sút. Theo các chuyên gia, ngoài những khó khăn mà thị trường xuất khẩu gặp phải trong bối cảnh ảm đạm chung của nển kinh tế thế giới thì nguyên nhân không nhỏ đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Trong đó, những vấn đề tồn tại ở các doanh nghiệp Việt được xác định đó là việc chưa năng động trong tiếp cận các thị trường mới. Với các thị trường được xem là trọng điểm thì không có chiến lược giữ chân người tiêu dùng hoặc phát triển mở rộng.
Ví dụ điển hình được các chuyên gia đưa ra đó là Myanmar, đất nước nằm trong khối ASEAN, đang trong thời kỳ mở cửa sau khi bị EU và Mỹ cấm vận. Đây được xem là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường này đã cho rằng đây là thị trường dễ tính nên không hề có sự chuẩn bị và có phần chủ quan.
“Có những doanh nghiệp khi đến với chúng tôi bày tỏ ý định muốn nhờ tìm mối tiêu thụ các mặt hàng tồn kho vì cho rằng Myanmar vừa mới mở cửa nên sẽ cần những sản phẩm này. Đây là cách nhìn nhận thị trường mơ hồ, cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, bởi cho dù thị trường mới nhưng các doanh nghiệp cũng cần nhớ rằng không chỉ có chúng ta đang nhảy vào đó mà còn rất nhiều nước đặt chân vào đất nước đầy tiềm năng xuất khẩu này”- ông Vũ Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar chia sẻ.
Điều này cũng từng xảy ra trong năm 2012, khi các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản, do chủ quan với các yêu cầu khắt khe của thị trường này đã dẫn đến việc nhiều lô hàng bị trả về do vượt quá dư lượng chất chống ôxy hóa phổ biến trong thức ăn chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến uy tín các sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng: Cơ hội xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang rộng mở, nhưng để có thể nắm bắt những thuận lợi trong thời điểm khó khăn thì điều tất yếu các doanh nghiệp trong nước phải xác lập cung cách làm ăn chuyên nghiệp và nắm vững các thông tin về thị trường mà mình hướng đến.
Thùy Trang