Cổ phiếu ngành dầu khí hút dòng vốn ngoại
(Petrotimes) - Theo CTCP Chứng khoán Dầu khí, 2 tháng đầu năm 2013, khối ngoại mua ròng tới 2.520 tỉ đồng trên sàn HOSE, 382,3 tỉ đồng trên HNX. Điều đáng chú ý là 27,8% tổng giá trị mua ròng của họ tập trung vào nhóm cổ phiếu trong rổ PVN10, cho thấy xu hướng đầu tư có chọn lọc của NĐT nước ngoài.
Diễn biến các chỉ số chính 1 năm qua.
Khối ngoại mua nhiều cổ phiếu dầu khí
Năm 2012, dòng vốn vào thuần của khối ngoại trên TTCK là xấp xỉ 300 triệu USD, tập trung chủ yếu ở 3 tháng cuối năm. Trong số này, giao dịch của các quỹ ETF ngoại đóng vai trò khá quan trọng, không chỉ xét ở lượng mua ròng, mà còn cả tác động mang tính dẫn dắt thị trường về giá, khối lượng giao dịch.
Chỉ tính từ đầu tháng 12/2012 đến giữa tháng 1/2013, khoảng thời gian cao điểm của giao dịch khối ngoại, các NĐT nước ngoài đã mua ròng 105,3 triệu đơn vị chứng khoán, đạt 2.912 tỉ đồng trên HOSE. Trong số này, gần 25% dòng tiền chảy vào 5 cổ phiếu thuộc nhóm PVN 10, gồm DPM (306,2 tỉ đồng), PVS (163,4 tỉ đồng), PVF (104,8 tỉ đồng), GAS (96,2 tỉ đồng), PVD (60,1 tỉ đồng).
Trong 2 tháng đầu năm nay, mua ròng của NĐT nước ngoài trên HOSE là 125,75 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 2.520 tỉ đồng; trên HNX là 28,3 triệu cổ phiếu, tương đương 382,3 tỉ đồng. So với toàn thị trường, nhóm cổ phiếu thuộc PVN10 được mua ròng cũng chiếm tới 24,5% về khối lượng, 27,8% về giá trị. Điều này cho thấy, các cổ phiếu thuộc họ dầu khí (chủ yếu là các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí - PVN) có sức hấp dẫn lớn với các NĐT ngoại.
Vì sao?
Trao đổi với P.V, một nhà đầu tư lớn cho biết, gần 3 năm qua, ông đã đầu tư tập trung vào nhóm DN ngành nghề kinh doanh cốt lõi của PVN, với tiêu chí lựa chọn đơn giản là: định giá không cao so với mặt bằng chung, chia cổ tức bằng tiền lớn. Chẳng hạn, DPM chi trả cổ tức tỷ lệ 25% vốn điều lệ; PVD trả 15% năm 2011, 20% năm 2010; PVS tạm ứng 10% năm 2012, 20% năm 2011; CNG đã tạm ứng 30% năm 2012; 60% bằng tiền mặt, 10% bằng cổ phiếu năm 2011… Dòng tiền cổ tức ổn định trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn có lẽ cũng là lý do khiến nhóm cổ phiếu họ dầu khí được quan tâm nhiều hơn trong mấy năm gần đây.
Ngoài các DN thuộc ngành nghề cốt lõi của PVN, một DN niêm yết thuộc họ PVN cũng được khối ngoại giao dịch mạnh, dù kết quả kinh doanh thấp là cổ phiếu PVF của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC). Từ khi những thông tin liên quan đến kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động của PVFC được nhắc đến rộng rãi, với nhiều động thái rõ ràng hơn, khối ngoại đã liên tục mua ròng khối lượng lớn. Đây có thể là việc mua vào trước để đón chờ kết quả tái cấu trúc (chuyển đổi sang mô hình NHTM), trong khi NĐT trong nước không mấy mặn mà, vì PVFC có thể sẽ đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết.
Thống kê diễn biến của các DN thuộc họ dầu khí cũng cho thấy một thông số ấn tượng: dù diễn biến gần tương đồng với thị trường, nhưng 1 năm qua (tính đến 28/2/2013), chỉ số PVNallshare (chỉ số giá toàn bộ 32 DN thuộc họ dầu khí đang niêm yết) đã tăng 44,42%, trong khi VN-Index tăng 35,59%, HNX-Index tăng 10,16%.
Ngoài tăng về giá, nhiều DN trong họ dầu khí có vốn hóa lớn và thanh khoản bình quân cao, cũng là những tiêu chí được NĐT tổ chức quan tâm.
Dù chỉ chiếm chưa đến 5% số mã đang niêm yết trên TTCK, nhưng tổng giá trị vốn hóa 32 DN thuộc PVNallshare cuối năm 2012 chiếm tới 16,14% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cuối năm 2012, đạt 117.419,54 tỉ đồng. Vốn hóa nhóm 10 cổ phiếu thuộc chỉ số PVN10 đạt 110.897,77 tỉ đồng, chiếm 15,25% tổng giá trị vốn hóa toàn TTCK. Tổng mức khớp lệnh các cổ phiếu thuộc PVNallshare cũng chiếm tới xấp xỉ 13% tổng mức khớp lệnh toàn thị trường.
Cơ hội đầu tư theo chỉ số
Tăng trưởng tới 44,42% trong vòng một năm thực sự là con số mơ ước đối với các quỹ đầu tư. Không đảm bảo một chỉ số tăng trưởng mạnh trong quá khứ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhưng đầu tư theo chỉ số có thể là một lựa chọn hợp lý, khi nền kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn. Đây cũng đồng thời là một hướng đi cho ngành quản lý quỹ, khi lựa chọn đầu tư theo ngành trong từng thời kỳ, thay vì đầu tư một chỉ số đại diện có tính đại diện cho toàn thị trường.
Pháp lý cho loại hình quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) vừa được Bộ Tài chính ban hành. Vấn đề lúc này là ai sẵn sàng lập quỹ ETF tại Việt Nam và cơ chế nào để một chỉ số được xây dựng trước đó được chấp thuận làm chỉ số cơ sở cho quỹ ETF, khi quy định hiện nay chỉ cho phép Sở GDCK được phép xây dựng và vận hành chỉ số cơ sở.
Ngọc Hải