Mua đồ điện cũ: “Tiền mất tật mang”
Thiết bị điện tử càng cũ thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng điện và không có lợi cho sức khỏe...
Chị Ong Thị Lý, xã An Lạc, huyện Sơn Ðộng, tỉnh Bắc Giang, bức xúc: “Hồi đầu năm, tôi mua một chiếc tivi cũ của hãng Toshiba 21 inch với giá 400.000 đồng tại một cửa hàng đồ điện cũ trên đường Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, tivi mới xem được 3 ngày thì tắt nguồn, mang ra cửa hàng sửa thì mất gần 200.000 đồng...
Không thể kiểm soát chất lượng
“Nỗi lòng” trên không phải của mình chị Lý. Đối với những gia đình không dư dả về tiền bạc thì việc lựa chọn mua đồ điện cũ cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kinh nghiệm trong việc chọn mua mặt hàng này và chuyện “tiền mất tật mang” là khó tránh khỏi.
Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua đồ điện, điện tử đã qua sử dụng
Hiện nay, khi công nghệ phát triển, chỉ cần một cái click chuột, hàng trăm trang web về mua bán với hàng nghìn món đồ cũ mới được giới thiệu. Một chiếc máy giặt giá 1 triệu đồng, một chiếc điều hòa hai chiều chừng 2,5 triệu đồng, hay một chiếc quạt chỉ 100.000 đồng.... Và các mặt hàng khác như: Tivi, thiết bị âm thanh, lioa, điều hòa, máy giặt, tủ lạnh.... đều có thể giao dịch với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng thì khó mà kiểm soát nổi.
Theo Thông tư 11/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1/9/2012, một số sản phẩm công nghệ đã qua sử dụng cấm nhập khẩu vào Việt Nam, gồm: Điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy in, máy ảnh, ổ cứng, đĩa mềm, micro, loa, dây, cáp điện, dây dẫn cách điện, màn hình và máy chiếu... Những sản phẩm tân trang, làm mới phải có dấu hiệu, nhãn hiệu bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh trên bao bì. |
Trao đổi với PV, anh Ninh Anh Thuận, từng là chủ cửa hàng đồ cũ (Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Đồ điện cũ không đơn thuần chỉ là đồ bỏ đi, hết thời gian sử dụng. Nếu khách hàng tinh tường, có kinh nghiệm, vẫn có thể chọn được sản phẩm tốt. Nhưng đó chỉ là số ít may mắn, còn nói chung, đồ điện cũ hầu hết là kém chất lượng, “chơi” mặt hàng này khách hàng cầm chắc là mua phải đồ đã bị “mông” hoặc chất lượng tồi.
Tiền nào của nấy
Theo PGS.TS Phạm Văn Hòa – Trưởng khoa Hệ thống điện – Trường Đại học Điện lực, thiết bị điện tử càng cũ thì càng tiêu tốn nhiều năng lượng điện và không có lợi cho sức khỏe. Ví dụ, một chiếc tivi hàng thùng thế hệ cũ, công nghệ cao nhất là bóng hình. Bóng hình công nghệ cũ này sẽ tạo ra phản xạ màu rất lớn, gây hại cho mắt, đặc biệt là với trẻ em khi xem ở khoảng cách gần.
Trong khi đó, mẫu tivi mới hiện nay với công nghệ màn hình LCD, LED... tích hợp nhiều tính năng như tiết kiệm năng lượng, độ bền cao… đã khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm trên. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất thông minh hơn cũng đòi hỏi đầu tư công nghệ và nghiên cứu nhiều hơn, đương nhiên giá thành sẽ cao hơn. Đây là trở ngại chính trong việc mua sắm các thiết bị điện tử mới của những gia đình có mức thu nhập trung bình.
Song, để có thể chọn mua được một thiết bị điện cũ với mức giá vừa phải mà vẫn hoạt động tốt là chuyện hiếm hoi. Đặc biệt, với thói quen sử dụng và năng lực kinh tế của phần lớn người Việt Nam là thiết bị phải hỏng đến mức không thể sửa chữa được nữa mới bỏ đi, thì những đồ điện thải ra đều đã phải xếp vào hàng “phế liệu”. Vì vậy, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, người tiêu dùng nên cân nhắc thật kỹ khi mua đồ điện cũ kẻo lại “tiền mất tật mang”.
Một số lưu ý khi mua đồ điện cũ: - Chọn mua ở cửa hàng hoặc website có uy tín. - Kiểm tra những thông số liên quan đến thời gian đã qua sử dụng của sản phẩm. - Đối với laptop: Chọn mua máy có vỏ vẫn còn mới, chất lượng màn hình tốt và các linh kiện thông dụng, dễ thay thế. - Với các loại tivi LCD, plasma: Nếu bật vẫn lên màn hình và cho hình ảnh tốt thì có thể dùng thêm vài năm. - Không nên mua các loại đầu VCD, DVD... nếu có quá nhiều vết trày, xước. - Không nên mua sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ hoặc mất toàn bộ các thông số. |
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện