Việt Nam nên mở thêm các trường đào tạo về điện hạt nhân
Việt Nam nên mở thêm các trường đại học và đào tạo giảng viên chuyên ngành điện hạt nhân. Chia sẻ của ông Sueo Machi – Tư vấn trưởng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản, Cố vấn cấp cao Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Wakasa Wan, Nhật Bản (WERC), trong cuộc trao đổi với phóng viên evn.com.vn.
|
Ông Sueo Machi – Tư vấn trưởng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản |
PV: Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Ông Sueo Machi: Theo tôi, việc đầu tiên Việt Nam cần phải làm là mở thêm các trường đại học và đào tạo thêm các giảng viên chuyên ngành về điện hạt nhân.
Đây sẽ là nguồn nhân lực dồi dào cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án khác của Việt Nam sau này. Việc đào tạo giảng viên, Việt Nam có thể gửi sang các nước các nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Pháp, Mỹ, Nga, Nhật trong thời gian 2 năm.
Thứ hai là đào tạo cán bộ vận hành – những cán bộ làm việc trực tiếp trong nhà máy. Để có nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, Việt Nam có thể thông qua các công ty, đối tác trong chương trình điện hạt nhân.
Về phía Nhật Bản có thể là các công ty Toshiba, Mitsubishi, Hitachi, phía Nga có thể là Rosatom. Những người này sẽ được đào tạo các kĩ năng cơ bản như vật lý hạt nhân, bảo vệ thực thể và các ngành có liên quan đến hạt nhân.
PV: Hiện nay, Việt Nam có 5 trường đại học và 1 trung tâm đào tạo về điện hạt nhân. Tuy nhiên, số lượng sinh viên dự thi và tham gia học tập rất hạn chế. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản?
Ông Sueo Machi: Mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng 15 nhà máy điện hạt nhân. Đây sẽ là lĩnh vực và cơ hội lớn cho sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân sau khi ra trường. Vì vậy, theo như kinh nghiệm của Nhật Bản, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu cho sinh viên nhiều hơn nữa thông tin về điện hạt nhân cùng với các ưu đãi, chính sách cụ thể về lương, phụ cấp….
Cũng giống như Trung Quốc, rất nhiều sinh viên muốn học về điện hạt nhân bởi sau khi ra trường, họ không chỉ có một công việc ổn định mà còn có một mức lương rất cao. Tuy nhiên, cao ở mức nào còn tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia.
Việt Nam cần phải làm là mở thêm các trường đại học và đào tạo thêm các giảng viên chuyên ngành về điện hạt nhân - Ảnh: Vũ Lam |
PV: Hiện nay, Nhật Bản chỉ hợp tác đào tạo về giảng viên, chuyên gia cho Việt Nam và không nhận đào tạo cho sinh viên. Ông có đề xuất gì không?
Ông Sueo Machi: Cuối tháng 1/2013, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng đã đề xuất gửi một số sinh viên sang theo học bằng thạc sĩ ở Nhật bản. Theo tôi, đây là một vấn đề quan trọng và chúng tôi sẽ xem xét để đề xuất với Chính phủ Nhật Bản sớm triển khai và sẽ có câu trả lời chính thức đối với Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Phan Trang/EVN