Ủy ban Kinh tế: BĐS đe dọa sự an toàn của hệ thống ngân hàng
(Petrotimes) - Cần xét trong khuôn khổ rộng lớn hơn, trong mối liên quan với tăng trưởng kinh tế trong quá trình xử lý nợ xấu!
Bất động sản là "mồ chôn" tiền và cũng là mối họa phá vỡ sự an toàn của hệ thống ngân hàng .
Theo đó, khi nói về xử lý nợ xấu, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Cần phân định rõ vấn đề liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ với những vấn đề mang tính cơ cấu của hệ thống ngân hàng nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ cung cấp thanh khoản dồi dào cho nền kinh tế thì dòng tín dụng “bị kẹt” có nguyên nhân mang tính cơ cấu – đó là do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức cao và có xu hướng gia tăng; do quá trình cắt giảm nợ sau một giai đoạn phát triển nóng đang tiếp tục diễn ra ở cấp doanh nghiệp, hộ gia đình, toàn bộ nền kinh tế và trên toàn cầu;...
Chính vì vậy, xử lý nợ xấu - một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần được xem xét trong khuôn khổ rộng lớn hơn, trong mối liên quan hai chiều với tăng trưởng kinh tế. Cũng giống như lạm phát, tăng trưởng kinh tế cũng biến nội sinh và có quan hệ hai chiều với dòng tín dụng để có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khi tương tác với nhau: Tăng trưởng suy giảm có tác động làm gia tăng nợ xấu và ngược lại, nợ xấu gia tăng sẽ làm tắc nghẽn dòng tín dụng nuôi dưỡng nền kinh tế thực và qua đó sẽ có tác động làm tăng trưởng tiếp tục suy giảm.
Tốc độ tăng trưởng 5,03% năm 2012 - mức thấp nhất trong vòng hơn một thập niên – đã phần nào cho thấy nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn này nếu không nhanh chóng giải quyết nợ xấu.
Về quy mô nợ xấu: Theo một báo cáo giám sát từ xa của Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 30/9/3012 là 200.749 tỉ đồng, chiếm 7,43% tổng dư nợ tín dụng. Nhưng theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu hạch toán nội bảng tại thời điểm trên lại chỉ là 133.060 tỉ đồng, chiếm 4,93% tổng dư nợ. Sự chênh lệch này đã được các chuyên gia kinh tế phân tích, thảo luận rất nhiều tại các diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng xong, đến giờ, cơ số nợ xấu chính sách nhất vẫn chưa thể được xác định.
Không chỉ vậy, trong một nhận định mới đây, Ủy ban Kinh tế còn cho rằng, nợ xấu đang có xu hướng tăng trưởng nhanh, đặc biệt là trong giai đoạn 2008 – 2012 (năm 2008 là 75%, năm 2009 tốc độ giảm xuống còn 27% nhưng rồi lại vọt lên 64% năm 2011 và 66% trong 9 tháng đầu năm 2012). Và theo lý giải của cơ quan này thì, sở dĩ tăng trưởng nợ xấu giảm mạnh trong năm 2009 chủ yếu do mẫu số “quy mô tín dụng tăng vọt” do thực hiện chính sách kích cầu nên tạm thời chê khuất nguy cơ lúc đó về nợ xấu.
Tuy nhiên, về sau nợ xấu bộc lộ mạnh hơn khi tăng trưởng tín dụng giảm tốc gắn với hậu quả của chất lượng tín dụng thấp khi triển khai kích cầu. Trạng thái nợ xấu vì thế có liên quan trực tiếp và chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế, giống như hai mặt của một đồng tiền. Hiện vòng xoáy “tăng trưởng suy giảm - nợ xấu gia tăng” như phân tích ở trên đang trở nên ngày càng hiện hữu với nền kinh tế Việt Nam.
Về cơ cấu nợ xấu, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thì đến ngày 30/9/2012, nợ xấu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (22,5%), bất động sản và hoạt động dịch vụ (khoảng 19,25%), buôn bán - sửa chữa ô tô và xe máy (18,52%), vận tải và kho bãi (khoảng 11%), xây dựng (khoảng 9,5%),...
Liên quan đến câu chuyện nợ xấu và giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Đây là một vấn đề lớn, do dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, như vay kinh doanh bất động sản, vay đầu tư sản xuất kinh doanh và thế chấp bằng bất động sản,... chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ. Hơn nữa, nợ xấu bất động sản kéo theo sự trì trệ của 2 ngành quan trọng đối với việc làm, an sinh xã hội là xây dựng và vật liệu xây dựng.
Quy mô nợ xấu của lĩnh vực bất động sản cũng là vấn đề nếu nhìn vào bảng cân đối tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết với số liệu được cập nhật theo quý thì có thể thấy ở nhiều doanh nghiệp nợ chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng tài sản. Trong bối cảnh thị trường bất động sản được dự báo còn tiếp tục điều chỉnh từ trạng thái giá bong bóng để trở về mức cân bằng dài hạn, giá trị tài sản (bất động sản) sẽ phải co lại đáng kể, trong khi giá trị của các khoản nợ sẽ tiếp tục nở ra (do doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trả lãi đối với các khoản vay trong bố cảnh lãi suất vẫn còn duy trì ở mức cao).
“Sự kéo dài của tình trạng “nợ nở ra, tài sản co lại” sẽ làm không ít doanh nghiệp bị cạn vốn và phá sản, ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của các ngân hàng có liên quan và qua đó đe dọa đến sự an toàn của toàn hệ thống ngân hàng” - Ủy ban Kinh tế đưa ra nhận định.
Thanh Ngọc (lược trích theo Bản tin kinh tế vĩ mô - Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, quý I/2013)