Đằng sau câu chuyện “lãi - lỗ” của EVN!
(Petrotimes) - Sau khi Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Hoàng Quốc Vượng công khai “doanh số” cũng như mức lãi ròng của ngành điện trong năm 2012, đã xuất hiện rất nhiều luồng dư luận xung đột quanh những con số trên...
Vì sao vẫn “xin” tăng giá?
Bề nổi, đúng là EVN đã có lãi, chính xác là gần 6.000 tỉ đồng như Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng công khai tại Hội nghị tổng kết công tác 2012, trên tổng doanh thu 143 nghìn tỉ đồng từ bán điện. Xung quanh con số trên, EVN lý giải tập đoàn huy động được nhiều thủy điện do thời tiết thuận lợi hơn hẳn những năm trước. Sản lượng điện vượt mức là 5,5 tỉ kWh so với kế hoạch, đi kèm đó sản lượng phát điện bằng dầu cũng giảm tới 125 triệu kWh.
Ngoài ra, năm 2012 EVN đã được tăng giá điện hai lần và mỗi lần EVN đều thừa nhận việc tăng giá giúp thu thêm được trên 1.000 tỉ đồng. Đó là những lý do chính dẫn đến con số lãi được cho là “khủng” của ngành điện trên. Tuy vậy, một sự thật không thể chối cãi: nếu không tăng giá điện thương phẩm, ngành điện chắc chắn phá sản với tốc độ hiện tại!?
Đơn cử như trong nhiệm vụ công ích bán điện cho vùng hải đảo, tại huyện đảo Phú Quốc, giá thành điện EVN mua lại của các nhà đầu tư là 7.249đ/kWh, huyện đảo Lý Sơn là 8.482đ/kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân tại các huyện đảo là 3.589đ/kWh và 747đ/kWh tương ứng. So sánh chênh lệch cho thấy, giá bán điện bình quân tại các huyện đảo chỉ bằng 50%, 31% và 9% giá thành điện thực tế.
Trung tâm Điều độ điện cao thế khu vực miền Bắc
Hiện nay, các tổng công ty điện lực bán điện tại huyện đảo Phú Quốc đã chịu lỗ 165,8 tỉ đồng, huyện đảo Phú Quý lỗ 37,8 tỉ đồng và huyện đảo Lý Sơn lỗ 15,8 tỉ đồng. Và chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo này hiện vẫn đang được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện toàn quốc của EVN. Đấy là còn chưa kể các xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi - nơi công tác truyền tải và tổn hao điện vô cùng khó khăn và phức tạp.
Thêm vào đó, nguồn vốn để đầu tư xây mới nguồn đều đi vay từ tổ chức tín dụng, mà đã nói đến thanh toán quốc tế thì vay ngoại tệ nào trả ngoại tệ đó và khó khăn từ tỷ giá hối đoái cũng như trượt giá là điều không thể tránh khỏi. Nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách xây dựng cơ bản EVN và nay là Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam ông Trần Viết Ngãi cho hay, EVN chưa bao giờ và không thể có đủ tiền đầu tư 100% một nhà máy, một dự án hoàn chỉnh. Tất cả đều là vốn vay nước ngoài. Ngay cả phần đối ứng 30% của từng dự án EVN cũng phải đi vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong nước.
Lỗ triền miên như vậy EVN không biết lấy đâu ra hàng ngàn tỉ đồng để làm đối ứng chứ chưa nói đến đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống, trạm, nhà máy cho đồng bộ. Rõ nhất là phần nợ các tập đoàn kinh tế bạn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam... đến khi không thể xin lùi, mới vỡ ra. Ông Ngãi cho biết thêm: “Theo cái nhìn khách quan của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khoản lãi gần 6.000 tỉ đồng từ sản xuất kinh doanh của năm 2012 chủ yếu đến từ thủy điện, do thời tiết thuận lợi.
Cứ nhìn vào tuyên bố EVN sẽ dành 3.500-4.000 tỉ đồng trong khoản lãi năm 2012 chỉ để bù một phần lỗ của các năm trước là có thể hiểu tình trạng tài chính căng thẳng hiện tại. Như vậy, nếu giữ nguyên mức lãi hiện tại mà không phải vay tiền đầu tư mới nhà máy, trạm, hệ thống... thì 10 năm nữa EVN mới trả hết nợ cho khoản nợ gần 40 nghìn tỉ đồng đang treo lơ lửng trên đầu!?”.
Từ khi Chính phủ công bố các quy hoạch điện, tốc độ đầu tư của EVN tăng bình quân phải đảm bảo tiến độ tăng trưởng sản lượng điện trên dưới 10% từ 10 năm nay, vừa phục vụ quốc kế dân sinh, vừa đảm bảo an ninh năng lượng. Nói thế để thấy rằng, phần nợ của EVN là lỗ lũy kế từ rất nhiều năm nay. EVN thật sự khó khăn! Vì trăm sự bất lợi như vậy nên nghiễm nhiên giá thành điện… không thể hạ thấp, nói cách khác, lỗ của tất cả mọi năm trước 2012 đều là tất yếu!
Theo phân tích của lãnh đạo EVN, tuy đã có lãi nhưng nếu tình hình khô hạn tại miền Trung tái hiện trong năm 2013, rất có thể tập đoàn này phải phải huy động 1,8-2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam. Điều này cũng đồng nghĩa EVN phải bù vào trên 10 nghìn tỉ đồng, chính vì vậy nguy cơ tiềm ấn của việc tăng giá điện trong thời gian tới vẫn chực chờ. Để EVN tự tin trước năm 2013 - năm tiền đề cho sự thay đổi với sự xuất hiện của thị trường phát điện cạnh tranh, tái cấu trúc tập đoàn cũng như mọi việc hẳn không đơn giản như xã hội đang nhìn nhận. Có thể nhận thấy, sức ép về lợi nhuận của năm 2012 sẽ đè nặng lên vai 10 vạn CBCNV ngành điện lực trong năm 2013. EVN và Bộ Công Thương đều cho biết, chưa có lộ trình cụ thể cho giá điện trong thời gian tới nhưng chắc chắn giá điện chỉ có xu hướng tăng lên.
Nền kinh tế lâm nguy nếu ngành điện... lỗ!
Nếu New York mất điện 15-20 phút, cả thế giới tài chính - ngân hàng sẽ náo loạn, đó là điều quá đơn giản để nhận thức. Trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, số lần thành phố này mất điện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở đâu cũng vậy, nếu mất điện một giờ sản xuất đình trệ, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, cuộc sống người dân bị xáo trộn ngay. Thiệt hại thì không thể tính hết vì khi một hay hai ngành bị đình trệ, nó sẽ gây hiệu ứng domino lên toàn bộ nền kinh tế. Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hiện đang sử dụng điện nhiều nhất, chiếm 47% và đương nhiên các nhà máy này không thể khởi động nếu thiếu điện.
Vậy thì EVN có lãi là điều đáng mừng hay lo? Người viết cho rằng ngành điện mang tính đặc thù cao, là xương sống cho nền kinh tế đất nước. Tập đoàn, ngành nghề nào cũng có giá trị, vị trí riêng của mình. EVN đang đóng một vai trò đặc biệt trong nền kinh tế Việt Nam. Ngành khác có thể thiếu, nhưng ngành điện là không thể biến mất khỏi nền kinh tế đang trong thời kỳ quá độ đi lên cơ bản hiện đại hóa. Nếu kinh doanh sản xuất điện lỗ triền miên, thì ngành điện sẽ không có nội lực cải tạo hệ thống, nâng cấp, mở rộng để đáp ứng yêu cầu của đất nước, của thời đại.
Chúng ta có thể tưởng tượng nếu không có điện, một quốc gia sẽ khó khăn, nguy kịch như thế nào và trên thực tế đó là điều không vui vẻ gì. Có lẽ xã hội phải phấn khởi khi ngành điện đã “biết đến” kinh doanh có lãi, bởi dẫu gì giá điện cũng không thể tăng bừa bãi trong nền kinh tế định hướng xã hội tiến bộ mà chúng ta đang theo đuổi. Đấy là chưa tính đến, một trong những mục tiêu thường trực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng những năm tới là phấn đấu giảm hệ số đàn hồi (tăng trưởng tiêu thụ điện/GDP) từ 2 lần hiện nay xuống 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020. Đây được coi là lối thoát quan trọng cho sự phát triển kinh tế trong điều kiện thiếu điện hiện nay.
Dẫu đã lãi thêm vài nghìn tỉ đồng trong năm 2012, thì cũng không vì thế mà hạ được giá bán, vì đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Một con số âm trong hiệu quả kinh doanh của những ngành độc quyền và thiết yếu có thể được lý giải rằng, hoặc giá bán ấn định thấp hơn giá thành hoặc giá thành bị đẩy quá cao. Nhưng đến nay, các lãnh đạo của Bộ Công Thương hay EVN mới chỉ nhấn mạnh được vế thứ nhất.
Để trả lời câu hỏi vì sao giá thành điện không giảm bị bỏ ngỏ trong nhiều năm, có lẽ điều duy nhất EVN cần làm là công khai hóa công tác sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của mình. Phải chẳng yếu tố truyền thông chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những hiểu nhầm không đáng có trong một thời gian dài?
Hữu Tùng