Cố đô Hoa Lư: Giang sơn cẩm tú vẫn còn đây
(Petrotimes) - Nếu như kinh thành Thăng Long xưa, nay là Hà Nội đẹp như một bức tranh huyền ảo với “sương khói mờ nhân ảnh” thì cố đô Hoa Lư lại trùng trùng điệp với núi non kỳ vĩ, mây đùa gió, gió đùa mây thật nên thơ.
Trải dài hơn 4.000 năm lịch sử, tùy theo cách gọi khác nhau, do bối cảnh đất nước khác nhau, nhưng dẫu ở giai đoạn nào thì trung tâm hành chính quốc gia của Việt Nam bao giờ cũng được chọn ở vị trí “đắc địa” không những mang tầm chiến lược về quân sự, chính trị, xã hội... mà còn mang vẻ đẹp điển hình của một “giang sơn cẩm tú”. Nếu như kinh thành Thăng Long xưa, nay là Hà Nội đẹp như một bức tranh huyền ảo với “sương khói mờ nhân ảnh” thì cố đô Hoa Lư lại trùng trùng điệp với núi non kỳ vĩ, mây đùa gió, gió đùa mây thật nên thơ. Trong tâm thức mỗi người dân Việt cho tới tận bây giờ, mỗi khi đứng trước cố đô Hoa Lư, dấu ấn lịch sử không thể nào quên: thống nhất giang sơn, đánh Tống, dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô tại Hà Nội vừa là nơi gắn kết 3 triều đại phong kiến: Đinh, Tiền Lê và Lý, tạo nên một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của dân tộc.
Chùa Nhất Trụ
Nằm trên địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và TP Ninh Bình, cố đô Hoa Lư rộng hơn 300ha, được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, đầm hồ... Sở dĩ lựa chọn nơi đây để đóng đô là do sau nhiều năm loạn lạc, bị nhà Tống thống trị lâu dài, Vua Đinh Tiên Hoàng cũng như 6 vị vua khác gồm: Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ... từng đóng đô ở Hoa Lư đều thấy địa thế vừa hùng vừa hiểm của mảnh đất này có thể khống chế được cả khu vực sơn cước từ Thanh Hóa đổ ra, sông Đà đổ xuống. Trong sách “Hà Nội thời tiền Thăng Long” đã viết: “Tính hiểm yếu của Hoa Lư không chỉ nhờ phần thành lũy, nền điện mà chính bởi hệ thống các thung lũng núi sâu hơn ở bên trong, có thể liên thông với nhau bởi các khe ngạch mà ngày nay do nước biển dâng cao đã biến thành những lạch nước ngầm”.
Không chỉ trở thành “thành trì” vững chắc về mặt quân sự mà chính những khe ngạch nhiều vô số ở Hoa Lư còn tạo nên cho cố đô một vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng nhưng đầy kỳ bí mà hiếm nơi nào có được. Người ta đã thống kê có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông nhau bởi 48 hang động ở đây, mỗi hang động một vẻ đặc trưng, huyền bí riêng. Tam Cốc - Bích Động, hang động được du khách ưu ái đặt tên “Nam thiên đệ nhị động” với hệ thống hang Cả, hang Hai, hang Ba, động Thung Nắng, Hang Bụt, động Vân Trình, Thiên Hà... Trong hang, trải qua bao thời gian, nhũ đá tạo thành hình vạn vật thật phong phú, kỳ lạ. Tuy nhiên, nói đến cố đô Hoa Lư, đáng nhớ nhất, đặc trưng nhất làm nên sự hấp dẫn riêng biệt lại chính là cụm di tích gồm đền Đinh (thờ Vua Đinh Tiên Hoàng), đền Lê (thờ Vua Lê Đại Hành) cùng một số đình, chùa cổ có “tuổi thọ” hàng nghìn năm, nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt có diện tích rộng 3km2.
Được xây dựng từ thời nhà Lý, sau đó được xây lại vào thời Hậu Lê, đền Đinh và đền Lê mô phỏng kiến trúc của kinh đô xưa - sau mỗi lần cửa lại mở ra một không gian riêng biệt và trong cùng là cung cấm, nơi đặt bài vị thờ vua. Mỗi ngôi đền là một giá trị văn hóa, nghệ thuật... rất đặc sắc. Đền Đinh Tiên Hoàng thể hiện rõ nền độc lập, tự chủ của một quốc gia sau nhiều năm phải “chinh chiến” để dẹp loạn 12 sứ quân vì trên từng viên gạch xây cung điện đều khắc chữ: “Đại Việt quốc Quân thành chuyên” (gạch chuyên để xây thành nước Đại Việt), cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký...
Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng
Bên cạnh đó, đền còn mang kiến trúc điển hình của thế kỷ XVII khi trên hệ rường, cột gỗ dùng để xây dựng đền được chạm bong một cách tinh tế đến tuyệt mỹ, cho thấy thời kỳ phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc ở Việt Nam mà đến nay đã bị mai một đi ít nhiều do các vật liệu xây dựng hiện đại. Cách đền Đinh Tiên Hoàng khoảng 300m là đền Vua Lê Đại Hành, có quy mô nhỏ hơn nhưng không gian trong đền lại tạo cảm giác gần gũi song vẫn không mất đi sự huyền ảo, tôn nghiêm của một nơi thờ cúng.
Nét độc đáo ở ngôi đền này là nghệ thuật chạm gỗ đã đạt đến độ điêu luyện, không thể... tinh xảo hơn của các nghệ nhân thế kỷ XVII. Tương truyền, thân mẫu của Vua Lê Đại Hành mơ thấy hoa sen mà sinh ra ngài khi đi cấy ở ao sen. Cho nên trong khuôn viên của đền thờ hiện vẫn có một ao sen nhỏ với giống sen thân cao, cánh lớn, tỏa mùi thơm ngào ngạt mỗi khi vào mùa. Trên hệ rường, cột dùng để xây dựng đền, tiền nhân cũng lưu lại truyền thuyết ấy cho đời sau cùng với những giai thoại xung quanh vị vua tài năng, đức độ bằng đường nét chạm trổ tinh xảo. Những đường nét chạm trổ đó, trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, thời gian vẫn rõ nét, sinh động như một “nhân chứng” lịch sử còn sống mãi.
Bên cạnh hai ngôi đền đáng chú ý nhất, hệ thống đình, chùa gồm chùa Bà Ngô, Cổ Am, Am Tiên, Bàn Long, đình Yên Thành... cũng được xem là điểm hấp dẫn riêng biệt của cố đô Hoa Lư. Dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng những gì còn lại ở những đình, chùa cổ cùng với số lượng của chùa cho thấy đây là giai đoạn phát triển của Phật giáo. Bởi thế kỷ thứ X, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống Phật giáo trong lịch sử với quốc sư đầu tiên là Khuông Việt. Hay chùa Nhất Trụ gần đền Vua Lê Đại Hành, một cột kinh Phật được dựng trước sân chùa nhằm mở mang rộng rãi Phật giáo. Hiện cột kinh vẫn nguyên vẹn và theo đánh giá của các nhà khảo cổ và giới Phật học trong nước, đây được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam.
Cột kính đá
Đặc biệt nhất đối với các chùa, đình cổ ở Hoa Lư là phần lớn các ngôi chùa được xây dựng ngay trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa, điển hình như các chùa Bái Đính, Bích Động, Thiên Tôn, Hoa Sơn... Cụ thể, chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới với đền thờ đức Thánh Nguyễn, hang động sáng thờ Phật, hang động tối thờ Tiên và đền thờ thần Cao Sơn. Quần thể chùa Bái Đính nằm ở vùng đất theo quan niệm dân gian của Việt Nam hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt ấy là đất sinh vua, sinh thánh, sinh thần. Hiện chùa Bái Đính được tôn vinh là khu chùa lớn nhất Đông Nam Á.
Nói đến cố đô Hoa Lư cũng không thể không kể đến dãy núi Mã Yên bao bọc phía trước kinh thành. Đứng trên núi có thể nhìn rõ toàn cảnh cố đô với từng dãy núi, rặng cây, đến những dòng nước trong xanh uốn lượn qua khe đá... Tương truyền, do vị thế ấy mà khi dựng kinh đô, vua Đinh Tiên Hoàng đã lấy đỉnh núi làm án và ngay khi ông mất đi, người dân cũng đã an táng vua đúng chỗ võng của “yên ngựa” để đề cao tinh thần thượng võ - dù mất vẫn còn trên yên ngựa. Để thăm lăng mộ của Đinh Tiên Hoàng hiện nay, khách tham quan phải leo 150 bậc đá của núi Mã Yên mới lên đến nơi.
Cố đô Hoa Lư hiện đã trở thành địa danh hấp dẫn với cả du khách trong nước và quốc tế. Mỗi lần đặt chân lên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này, lòng tự hào về một thời kỳ lịch sự hào hùng của dân tộc, về một nền độc lập tự chủ huy hoàng như được khơi dậy trong mỗi người dân Việt bên cạnh niềm tôn kính, tình cảm sâu sắc vô bờ bến đối với bậc tiền nhân mà chỉ có được trong tâm thế của người hành hương về nơi được coi là cội nguồn, “quê cha đất tổ”.
Nguyễn Bách