Nhọc nhằn người thợ điện
(Petrotimes) - Câu vè cũ: “Ăn là thợ điện, diện là thợ may” có vẻ không còn chính xác. Đành rằng ngành nào cũng có những đặc thù nghề nghiệp và vất vả, khó khăn riêng nhưng thật hiếm có ngành nào mà cán bộ, công nhân viên hết lòng tận tâm cống hiến nhưng vẫn bị dư luận xã hội nhìn nhận và đánh giá quá nhiều sai lệch. Thợ điện nằm trong diện này.
“Nghề trực”
Tra Google từ “độc quyền” thì liền ngay sau nó là cụm từ “độc quyền điện” với 21 triệu kết quả trong vòng chưa đầy 30 giây. Nhưng nếu đặt câu hỏi ngược lại: Không có điện thì đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội sẽ ra sao? Và làm thế nào mà ngành điện có thể giữ vững được dòng điện an toàn liên tục tỏa sáng đến mọi nhà? Thì lúc đó chúng ta sẽ có cái nhìn công bằng hơn đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của gần 100.000 cán bộ, công nhân viên (CBCNV) ngành điện đang ngày đêm miệt mài duy trì dòng điện với chất lượng ổn định, an toàn, tin cậy tới mọi nhà.
Bảo đảm cung cấp điện chất lượng, an toàn là nhiệm vụ nặng nề của nghành điện
Với CBCNV ngành điện, khái niệm chia ca trực đảm bảo điện đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Trực nắng nóng, trực mưa giông, trực sự cố, trực bão, trực đêm, trực giao thừa, trực đảm bảo điện cho các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng… Nói chung tâm lý của người thợ điện là luôn luôn sẵn sàng và túc trực. Với người dân cả nước, các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm của đất nước, ngày tết cổ truyền của dân tộc là lúc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và sum họp. Nhưng với CBCNV ngành điện đây là những ngày làm việc căng thẳng nhất và trách nhiệm phải đặt lên cao nhất. Họ thường gác bỏ việc riêng tư, tạm quên tổ ấm gia đình để hoàn thành nhiệm vụ tăng cường ứng trực, giải quyết sự cố, nhằm đảm bảo cấp điện an toàn tuyệt đối cho nhân dân.
Còn những lúc trái nắng, trở trời, việc phân chia ca trực lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến do nhà nhà chạy điều hòa đã khiến cho nhân viên các ca trực phải liên tục xử lý sự cố từ nhảy aptomat hòm công tơ của các hộ gia đình, cột điện cháy đến quá tải cục bộ một nhánh ở trạm biến áp. Và rồi trong những cơn mưa giông gió giật, khi mọi người yên vị dưới mái ấm gia đình thì những người công nhân ngành điện lại chạy đua cùng với các cơn bão để khắc phục sự cố. Cây đổ, cột điện gục, chướng ngại vật va vào đường dây… Tất thảy mọi sự cố đều được cung cấp về Trung tâm Điều độ thông tin và xử lý khắc phục trong thời gian nhanh nhất có thể.
Một trong những nỗ lực mới nhất của ngành điện là việc thành lập và duy trì Trung tâm Giải đáp thông tin khách hàng, với Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội là đơn vị đi đầu. Gần 50 nhân viên tổng đài được chia ca trực 24/24 để giải đáp mọi thắc mắc về cung cấp điện, báo sửa chữa điện cho khách hàng. Xung quanh việc giải đáp và cung cấp thông tin cho khách hàng của các nhân viên trực tổng đài cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị mà trong khuôn khổ bài viết này không thể kể hết được nhưng tựu chung lại nghề trực tổng đài điện thoại đã vất vả một thì các ca trực tổng đài điện thoại trả lời những thông tin về điện còn vất vả gấp nhiều lần.
Việc hễ nhấc điện thoại nên là nghe chửi bới, cằn nhằn đã trở thành “cơm bữa”. 10 nhân viên trực tổng đài thì có tới quá nửa bị bệnh dạ dày do thường xuyên đối diện sức ép, ăn uống thất thường (việc ăn uống được tiến hành ngay tại bàn làm việc) và trực đêm thường xuyên. Nhưng với ý thức sâu sắc về nghề nghiệp và đặc biệt là sự tận tâm trong công việc, những nhân viên trực tổng đài thuộc Trung tâm Giải đáp thông tin khách hàng của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội đã và đang hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, đóng góp một phần không nhỏ vào việc tạo sự chuyển biến trong cách nhìn nhận của người dân với ngành điện.
Nghề nguy hiểm
Bản thân ngành điện đã mang yếu tố công việc đặc thù là nguy hiểm và độc hại. Khi nhắc đến điều đó, người ta chỉ nghĩ những người công nhân làm tại thủy điện, công ty truyền tải hoặc những công nhân trực tiếp làm việc và tiếp xúc với lưới điện nhưng ít ai ngờ rằng, mối nguy hiểm túc trực đối với ngành điện hiện nay lại đến từ khâu thu tiền điện. Theo như ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty Điện lực Cầu Giấy phân tích thì, mỗi thu ngân viên của công ty ông đảm nhận việc thu tiền điện khoảng 2.000 khách hàng. Nếu tính trung bình mỗi hộ dùng từ 250.000 đồng tới 500.000 đồng/tháng thì số tiền mà mỗi thu ngân viên thu được hàng tháng lên tới bạc tỉ, cá biệt có người thu 5 tỉ đồng/tháng.
Nhân viên ngành điện đang phát tờ rơi tuyền truyền về tiết kiệm điện
Thu ngân viên đa phần là nữ, thời điểm thu tiền lại hay vào buổi tối nên thường phải rủ chồng hoặc người quen đi cùng. Những khu phố chính đã đành, các khu vắng hay “xóm liều” thì việc thu tiền điện là rất phức tạp và nguy hiểm. Các hộ gia đình ở đây thường là dân tứ xứ, nay đây mai đó, giờ giấc sinh hoạt khác thường, đi đến đêm khuya mới về. Đó là còn chưa kể đến những hiểm nguy khi ôm cả bọc tiền đi trong xóm vắng, chuyện nghe chửi thường xuyên, đi đêm về hôm... Một trong những câu chuyện có thật đã trở thành giai thoại của ngành điện thủ đô khi có ông lãnh đạo của 1 công ty điện lực quận đi thu tiền cùng vợ ở khu vực bãi Phúc Xá đã bị đầu gấu say rượu nhốt luôn vào nhà, phải cậy nhờ công an phường giải cứu.
Vất vả và hiểm nguy là thế nhưng thu nhập trung bình của các thu ngân viên chỉ là trên dưới 5 triệu đồng/tháng chứ không phải con số khiến thiên hạ sửng sốt và nhìn ngành điện với ánh mắt thiếu thiện cảm: 13 triệu đồng/tháng.
Nghịch lý bán mua
Hiếm có ngành nào độc quyền bản sản phẩm của mình mà lại đi khuyên khách hàng sử dụng sản phẩm của mình một cách tiết kiệm và hạn chế, thậm chí còn đề xuất cả hình thức xử phạt. Cả 5 tổng công ty phân phối điện trên toàn quốc đều đua nhau thực thi công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tới mọi người dân. Nếu như Tổng Công ty Điện lực TP HCM gây ấn tượng với việc bỏ ra trên dưới 50 tỉ đồng mỗi năm cho công tác tiết kiệm điện thì Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội lại ghi điểm bằng hàng loạt các chương trình thiết thực như: “Học sinh tiểu học chung tay tiết kiệm điện”, “Tuyên truyền tiết kiệm điện tổ dân phố”, “Tuyến phố tiết kiệm điện”… Xung quanh công tác tiết kiệm điện của ngành điện cũng có rất nhiều chuyện dở khóc, dở cười.
Người dân không phải ai cũng hiểu hết lợi ích của việc dùng điện tiết kiệm và hiệu quả nên không thiếu những buổi tuyên truyền tiết kiệm điện, các tuyên truyền viên phải muối mặt khi người dân hoạnh họe, cự cãi về chuyện “điện tôi dùng tôi trả tiền, tôi thích dùng bao nhiêu thì mặc, hà cớ gì mà các ông khuyên với cả răn”. Rồi mang tiếng là các buổi tuyên truyền tiết kiệm điện nhưng người dân lại nhanh chóng biến thành nơi để xả mọi bức xúc với ngành điện về các vấn đề nóng như: giá điện, mất điện, chất lượng điện áp…
Trung Dũng