Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
(PetroTimes) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật; đồng thời nhấn mạnh sửa đổi cần theo hướng tinh gọn, rõ phân cấp, phân quyền, chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí cho rằng việc sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Sự thay đổi này nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong luật hiện hành, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới từ thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) |
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) chia sẻ quan điểm rằng, việc sửa đổi cần chú trọng đến các quy định về kiểm tra, giám sát và phòng ngừa, nhằm đảm bảo việc quản lý sử dụng vốn nhà nước hiệu quả và minh bạch. Đại biểu cũng nhấn mạnh cần chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, đồng thời cần xây dựng các quy định linh hoạt, tin tưởng vào đội ngũ doanh nhân và tạo điều kiện cho họ phát triển.
Một điểm nhấn quan trọng trong dự thảo luật là việc chuyển từ quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu. Các đại biểu cho rằng nếu tiếp tục quản lý quá chặt chẽ, chỉ tập trung vào lợi nhuận mà không tính đến sự sáng tạo và đổi mới, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội và phát triển. Doanh nghiệp nhà nước, trong nhiều trường hợp, cần phải đóng vai trò tiên phong trong việc đầu tư vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân chưa sẵn sàng tham gia, như công nghệ số, công nghiệp phụ trợ hoặc thay thế hàng nhập khẩu.
Các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật vẫn thiếu các quy định rõ ràng về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc tiên phong phát triển các ngành, lĩnh vực này. Đại biểu đề xuất cần tách biệt các loại hình doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp chỉ đầu tư để tăng lợi nhuận và doanh nghiệp thực hiện các chính sách nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược quốc gia.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho biết trong luật hiện hành có sự lẫn lộn giữa quyền quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu và đại diện doanh nghiệp, khiến việc xác định trách nhiệm trong trường hợp xảy ra thất thoát là rất khó khăn. Do đó, đại biểu đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, theo đó mở rộng quản lý đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có nguyên tắc quản lý rõ ràng đối với loại hình doanh nghiệp này.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, các quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu cần phải được phân định rõ ràng trong luật. Điều này sẽ giúp xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Các quyết định cụ thể về kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải do doanh nghiệp tự quyết định để đảm bảo tính linh hoạt và sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp/Ảnh minh họa |
Về quyền quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng nhà nước chỉ nên đưa ra các chỉ tiêu chiến lược cần đạt được, như lợi nhuận, bảo toàn vốn và thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao cho doanh nghiệp. Các quyết định cụ thể về kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải do doanh nghiệp tự quyết định để đảm bảo tính linh hoạt và sáng tạo trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo luật hiện hành vẫn quy định nhà nước quyết định kế hoạch sản xuất, kinh doanh, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các kế hoạch của mình.
Về vấn đề phân phối lợi nhuận, một số đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa trao đủ quyền quyết định cho doanh nghiệp trong việc phân phối lợi nhuận sau khi đạt được chỉ tiêu. Đại biểu đề xuất, sau khi giao chỉ tiêu kế hoạch, phần còn lại của lợi nhuận doanh nghiệp nên được sử dụng để trả lương, nhưng cần trích một phần vào Quỹ phát triển doanh nghiệp. Các đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về tỷ lệ trích vào Quỹ phát triển và giao Chính phủ quy định tỷ lệ trích tối thiểu.
Các đại biểu cũng đánh giá cao các quy định trong dự thảo về việc quản lý đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần có sự phân định rõ ràng giữa vốn của doanh nghiệp và vốn của nhà nước, đặc biệt là vốn từ Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp, vốn này phải được xem là vốn của doanh nghiệp, không phải vốn của nhà nước. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và tạo sự minh bạch trong quản lý vốn.
Huy Tùng