Tin tức kinh tế ngày 22/11: Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp "đổ" về Việt Nam
(PetroTimes) - Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp đổ bộ về Việt Nam; Giá USD tự do "bốc hơi" mạnh; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cải thiện tích cực… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 22/11.
Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp đổ bộ về Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Giá vàng đồng loạt tăng mạnh
Sáng nay, giá vàng thế giới niêm yết 2.672 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce so với sáng qua.
Tại thị trường trong nước, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 83,7 - 86,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng nửa triệu đồng/lượng so với sáng qua.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Bảo Tín Minh Châu, Doji, Phú Quý cũng đồng loạt tăng giá vàng miếng SJC lên mức 86,2 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá USD tự do "bốc hơi" mạnh
Phiên hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm thêm 5 đồng so với ngày 21/11, lên thành 24.295 đồng/USD.
Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.510 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.080 đồng/USD. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN niêm yết ở mức 23.400 - 25.450 đồng/USD (mua - bán).
Trên thị trường, các ngân hàng tăng giá bán lên sát trần. Vietcombank chiều nay niêm yết giá USD ở mức 25.170 - 25.509 đồng/USD. So với cuối phiên hôm qua, giá mua giảm 5 đồng, giá bán tăng 5 đồng.
Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường tự do hôm nay bốc hơi mạnh. Mỗi USD giảm 100 đồng ở cả chiều mua và bán ra. Theo đó, giá USD niêm yết trên thị trường tự do hiện ở mức 25.650 - 25.750 đồng/USD. Phiên liền trước, tỷ giá tự do ở mức 25.750 - 25.850 đồng/USD.
Việt Nam “góp mặt” trong danh sách 30 nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất thế giới
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, dòng thương mại toàn cầu đang dịch chuyển để thích nghi. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu đạt 23,8 nghìn tỷ USD, giảm 5% so với năm trước.
Trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất, 20 nơi chứng kiến kim ngạch xuất khẩu giảm trong năm ngoái. Một trong những nguyên nhân có thể kể tới là số lượng rào cản thương mại trên toàn cầu tăng lên gần 3.000 rào cản trong năm 2023, gấp gần 5 lần so với năm 2015.
Theo đồ thị thông tin gồm 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới dựa trên số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đứng ở vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.
Thép nhập khẩu giá rẻ liên tiếp đổ bộ về Việt Nam
Thép nhập khẩu liên tiếp đổ bộ về thị trường Việt Nam suốt từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 10, lượng sắt thép các loại nhập khẩu đạt 2,41 triệu tấn với tổng kim ngạch đạt 1,51 tỷ USD, tăng 55,9% về lượng và tăng 41,7% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng, lượng sắt thép các loại nhập khẩu của cả nước đạt 14,71 triệu tấn với tổng kim ngạch đạt 10,48 tỷ USD, tăng mạnh 38,2% về lượng và tăng 23,2% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.
Các chuyên gia lo ngại nếu không xây dựng chính sách hỗ trợ và chính sách chống gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, hàng Việt có thể thua ngay trên sân nhà.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cải thiện tích cực
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi và cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, rủi ro chậm trả vẫn hiện hữu, đặc biệt ở nhóm ngành bất động sản và năng lượng.
Theo Vietnam Investors Service (VIS), những cải thiện tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể hiện ở đầu tiên là phát hành trái phiếu tăng trưởng ổn định.
Tính đến tháng 10/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 366 nghìn tỷ đồng, vượt tổng mức phát hành cả năm 2023. Trong tháng 10, giá trị phát hành mới là 28,1 nghìn tỷ đồng, tuy giảm so với tháng 9/2024 (56,2 nghìn tỷ đồng) nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng trưởng tổng thể.
Theo VIS, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên rủi ro chậm trả vẫn hiện hữu.
P.V (t/h)