Giá dầu hôm nay (21/9): Dầu thô giảm nhẹ trong phiên
(PetroTimes) - Giá dầu thế giới hôm nay (21/9) giảm nhẹ nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ được hỗ trợ từ việc cắt giảm lãi suất của Fed và sự sụt giảm nguồn cung dầu của Mỹ.
Giàn khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Nguồn: Tư liệu |
Ghi nhận lúc 8 giờ sáng ngày 21/9/2024 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ giao dịch ở mức 71,92 USD/thùng, giảm 0,03 USD (tương đương 0,04%) và giảm 0,09 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 20/9.
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 74,49 USD/thùng, giảm 0,39 USD (tương đương 0,52%) và giảm 0,31 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 20/9.
Giá dầu thế giới hôm nay (21/9) giảm nhẹ nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ được hỗ trợ từ việc cắt giảm lãi suất của Fed và sự sụt giảm nguồn cung dầu của Mỹ.
Việc cắt giảm lãi suất thường thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu năng lượng, nhưng một số nhà phân tích lo ngại về sự yếu kém của thị trường lao động Mỹ.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS cho biết: "Việc cắt giảm lãi suất của Mỹ đã hỗ trợ tâm lý rủi ro, làm suy yếu đồng đô la và hỗ trợ giá dầu thô trong tuần này. Tuy nhiên, phải mất thời gian thì việc cắt giảm lãi suất mới hỗ trợ được hoạt động kinh tế và tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Dấu hiệu nền kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn, đã tạo ra mức trần cho giá. Nhưng trong tuần, cả hai loại dầu chuẩn mực đều tăng hơn 4%.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay, cắt giảm toàn bộ một phần trăm điểm vào năm tới và giảm thêm nửa phần trăm điểm vào năm 2026.
Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics cho rằng, quyết định cắt giảm lãi suất của Fed và tác động từ cơn bão Francine là hai yếu tố duy nhất đang hỗ trợ thị trường hiện nay. Ông nói thêm: "Suy nghĩ về mức tăng thêm 50 đến 75 điểm cơ bản khiến thị trường hy vọng vào một mức độ ổn định kinh tế nào đó".
Cục An toàn và Thực thi Môi trường thông tin trong bản cập nhật cuối cùng về cơn bão Francine, khoảng 6% sản lượng dầu thô và 10% sản lượng khí đốt tự nhiên tại Vịnh Mexico của Mỹ đã ngừng hoạt động.
Đà giảm của giá dầu cũng được hạn chế nhờ lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong một năm vào tuần trước.
Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đang làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung, từ đó thúc đẩy thị trường dầu mỏ. Israel tuyên bố hôm thứ Sáu (19/9) rằng họ đã khiến một chỉ huy cấp cao của Hezbollah và các nhân vật cấp cao khác trong phong trào Lebanon thiệt mạng sau một cuộc không kích vào Beirut. Tuyên bố này đang làm gia tăng nỗi lo về cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vẫn là điều thực tế.
Tại Trung Quốc, sản lượng lọc dầu đã chậm lại trong tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 8 và tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt mức thấp nhất trong năm tháng.
Trung Quốc cũng ban hành đợt hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu thứ ba và có thể là đợt cuối cùng trong năm, giữ khối lượng ở mức tương đương năm 2023. "Động thái này cho thấy biên lợi nhuận của nhà máy lọc dầu quá yếu để biện minh cho việc tăng cường hoạt động", Nhà phân tích Alex Hodes của StoneX nhận định.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở Châu Á, Châu Âu và Mỹ phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 18.941 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 19.762 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.043 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 17.551 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.826 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều ngày 19/9. Trong đó, xăng E5 RON 92 tăng 51 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 127 đồng/lít, dầu diesel giảm 122 đồng/lít, dầu hỏa giảm 239 đồng/lít, dầu mazut tăng 359 đồng/kg.
Minh Đức