Tái cơ cấu DQS - phương hướng phù hợp với Nghị quyết của Trung ương Đảng và tỉnh Quảng Ngãi
(PetroTimes) - Sau khi các phương án xử lý tồn tại của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được đưa ra, phương án tái cơ cấu DQS được đánh giá phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 và Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và quy hoạch Khu Kinh tế Dung Quất
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, trong đó có một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra chưa đạt được; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Ngành đóng tàu nằm trong định hướng phát triển của các ngành công nghiệp ven biển và là trọng tâm của Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). |
Do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 36-NQ/TW nêu rõ, về việc phát triển các ngành kinh tế biển, đối với công nghiệp ven biển phải dựa trên cơ sở quy hoạch, cân nhắc lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn; Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hóa dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ.
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng định hướng phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, đối với vùng biển và ven biển Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ (Thanh Hóa - Bình Thuận) sẽ phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.
Dock sửa chữa tại DQS liên tục tiếp nhận nhiều tàu thuyền, giàn khoan... Qua đó, doanh thu trong nhiều năm qua của DQS cũng có nhiều tăng trưởng tích cực. |
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương vừa qua, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã có ý kiến bằng văn bản thống nhất thực hiện Phương án tái cơ cấu DQS. Theo đó, phương án sẽ giúp góp phần khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển Khu Kinh tế Dung Quất và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045, đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo là luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu.
Quy hoạch phát triển Khu Kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi cũng đề ra định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế là tập trung nâng cao giá trị các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn (công nghiệp lọc hóa dầu, luyện cán thép, cơ khí, đóng tàu biển,...); phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường... Đầu tư, phát triển Khu Kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Đẩy mạnh phát triển các mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái.
Tiềm năng phát triển của ngành đóng tàu và lợi thế của DQS
Nhiều năm qua, thị trường ngành đóng tàu tại Việt Nam dần phục hồi và phát triển tích cực. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng gần 120 cơ sở đóng tàu lớn nhỏ với khả năng đóng được các tàu chuyên dụng, tàu hàng có sức chở từ 50.000 - 60.000 tấn và hướng đến việc đóng những tàu 110.000 tấn. Các cơ sở đóng tàu đã trải đều nhiều tỉnh, thành, không còn tập trung tại các vùng phát triển kinh tế như Hải Phòng, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,...
Với vị trí địa lý đắc địa, bờ biển dài và nhiều vịnh nước sâu, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển ngành đóng tàu. Đơn cử, năm 2023, trang Insider Monkey (Mỹ) đã đưa ra danh sách top 15 cường quốc đóng tàu trên thế giới với Việt Nam đứng top 5 trong những nước có tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng năm 2021 là 0,6%. Cũng theo số liệu nghiên cứu, tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính khoảng 200 tỷ USD/năm.
Thị trường đóng tàu “sôi động” trở lại, giúp đảm bảo công việc và thu nhập của người lao động DQS. |
Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh chia sẻ: “Hiện tại, quy mô, tiềm năng của thị trường rất lớn, nhưng do một số hạn chế về cơ sở hạ tầng làm giảm đi năng lực của DQS. Dock sửa chữa của DQS hiện luôn trong tình trạng kín tàu, nhưng chỉ có thể thực hiện được khoảng 50 - 60 tàu/năm”.
Với DQS, đơn vị được đặt tại vịnh Dung Quất là vịnh nước sâu, có thể tiếp cận các tàu hàng lớn và khu vực giao thương của khoảng 150 - 200 tàu/năm. DQS cũng có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong việc bảo dưỡng, sửa chữa và đóng mới tàu hàng hải. DQS có diện tích hơn 118 ha, trong đó, ụ khô (dock) sửa chữa tàu của DQS có kích thước dài 380 m và rộng 86 m (gấp khoảng 4,5 lần diện tích sân bóng đá tiêu chuẩn FIFA). Việc này giúp DQS có khả năng tiếp nhận cùng lúc nhiều tàu hàng, giàn khoan... để bảo dưỡng, sửa chữa, đóng mới...
Dock sửa chữa tàu, giàn khoan... tại DQS. |
DQS còn có các phân xưởng như: hàn lắp ráp phân tổng đoạn (diện tích 1,6 ha), xưởng sơn tổng đoạn (0,3 ha), xưởng gia công ống (0,5 ha), các xưởng làm sạch và sơn, xưởng boong mạn, xưởng sơ chế tôn, phân xưởng sơn, xưởng hàng... cùng hệ thống các nhà kho chứa vật tư. Các phân xưởng được thiết kế với đa dạng công năng và công suất lớn, giúp DQS có thể đảm nhiệm nhiều đơn hàng chế tạo, gia công cấu kiện...
Với tiềm năng phát triển của thị trường và những lợi thế của DQS, nhiều năm qua, đơn vị đã dần có vị thế và được đánh giá cao trên thị trường đóng tàu trong và ngoài nước. “Trong công tác thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, thi công chế tạo, DQS luôn đảm bảo được tiến độ và chất lượng của các đơn hàng. Hàng năm, DQS tiếp nhận khoảng 60 tàu và không có dự án nào bị chậm hay bị khách hàng khiếu nại về chất lượng. Qua đó, DQS được đông đảo các đối tác đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hy Lạp, Anh, Đức... tin tưởng, ưu tiên quay trở lại để sửa chữa, bảo dưỡng”, Tổng Giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Thành Linh