Thăm lại cố hương
"Cố đô Huế là một phần ký ức tuổi thơ của tôi"
(PetroTimes) - Huế là chặng dừng chân thứ ba trong hành trình xuyên Việt lần đầu tiên của tôi. Chặng thứ nhất dừng ở Hà Nội, chặng thứ hai ở Ninh Bình.
Tiếp tục vào Nam sau khi ngang qua các thành phố Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, nay đến địa phận tỉnh Quảng Trị, xe qua cầu Hiền Lương mới, trời còn tối, tôi cố nhìn di tích lịch sử cầu Hiền Lương cũ nằm cách đó gần 2 km, từng là nơi chia cắt đất nước, nhưng quá xa nên không nhìn thấy gì, tiếc quá, nếu ban ngày thì có thể nhìn thấy rõ hơn. Qua khỏi thành phố Đông Hà, xuôi vào Nam, đến huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế dần hiện ra bên ngoài khung cửa kính của chiếc xe buýt giường nằm.
Bầu trời trên sông Hương trải dài như một dải lụa trắng. Dòng sông đang thức giấc trong buổi bình minh, nước của nó luôn có màu xanh ngọc từ rong tảo mà bao đời vẫn không thay đổi. Vòng qua cầu Bạch Hổ, đến cầu Phú Xuân, nhìn từ xa cầu Trường Tiền với sáu nhịp vòm sắt kết nối hai bờ Nam-Bắc sông Hương. Chiếc cầu này là biểu tượng của xứ Huế mộng mơ, hôm nay sao trông nó nhỏ hơn so với 50 năm trước.
Có lẽ xa Huế đã lâu (1968), nên trong ký ức của tôi chỉ nhớ nó dài và rộng lớn mỗi khi ba tôi chở đi qua. Một chiếc thuyền hình rồng đi xuôi dòng, vài chiếc xuồng nhỏ thấp thoáng phía sau, dường như đang đưa khách về bến sau tour du lịch qua đêm trên sông. Hàng cây phượng xanh tươi dọc hai bên đường, và trong công viên Bến Văn Lâu. Xe dừng xuống khách bên cầu Đập Đá, tôi đón taxi về nhà người bà con trên đường Lương Ngọc Quyến trong thành nội. Vì còn sớm, nên bác tài phải chạy lòng vòng, qua cửa Hậu để vào trong thành. Các cửa Ngăn (dưới), cửa Sập (Quảng Đức) chưa tới giờ cho ôtô vào, phải sau 8h sáng.
Cầu Trường Tiền, Ảnh minh họa |
Theo hành trình, tôi lưu lại Huế chỉ trong 4 ngày. Ngày đầu thăm lại kinh thành Huế, hàng cây xanh trên lối vào cửa Ngọ Môn, nhiều khách du lịch tập trung xếp hàng mua vé vào tham quan với giá 200.000 đồng (khoảng 8 USD). Riêng những ai có giấy tờ chứng minh thường trú, hoặc có quê quán Huế thì được giảm 50%. Quy định này tôi nghĩ có phần chưa hợp lý, mà nên chăng miễn phí cho tất cả những người dân xứ Huế để họ được thoải mái ra vào, chứ không chỉ riêng những ngày lễ Tết người dân địa phương mới được miễn phí.
Nhiều người xúm nhau chụp ảnh trên quảng trường cột cờ Phu Văn Lâu, trước cửa Ngọ Môn. Nơi đây năm xưa (1945), trên lầu Ngũ Phụng, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, trao chiếc ấn vàng Hoàng đế Chi bảo và thanh bảo kiếm tượng trưng uy quyền nhà vua cho đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính thức chấm dứt chế độ quân chủ tồn tại suốt mấy ngàn năm.
Trước cửa Ngọ Môn. Thục Hạnh và tác giả, tháng 8/2024. |
Thục Hạnh đến bên tôi trước cửa Ngọ Môn chụp vài tấm hình lưu niệm trước khi vào bên trong Đại Nội. Thuở nhỏ, tôi đã nhiều lần được ba tôi đưa vào chơi nơi đây, tôi chỉ nhớ loáng thoáng những khu nhà cổ như Tả Vu, Hữu Vu, Điện Thái Hòa, Cửu Đỉnh, Thái Miếu… mà không hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của nó. Trong chuyến thăm lần này, toàn bộ khu Điện Thái Hòa, là nơi làm việc của vua, đang được bao kín lại để trùng tu, vật liệu xây dựng còn ngổn ngang. Công trình nổi bật nhất trong Đại Nội hiện nay là Điện Kiến Trung, nơi vua và hoàng hậu ở, được phục dựng lại hoàn toàn từ nền móng cũ, cũng vừa mới khánh thành vào đầu năm 2024. Tòa nhà đồ sộ này với lối kiến trúc Á- Âu, mái ngói âm dương, những trang trí chạm khắc hình rồng-phụng, dán gạch men tinh xảo. Nhiều hoa văn, họa tiết rất cầu kỳ, được các nghệ nhân cố gắng tái tạo như xưa. Bên trong, các đồ vật cũng được tái hiện như long bào, đôi hia, giày hài, lọng kiệu, xe kéo của vua và hoàng hậu, các bàn ghế sơn son thếp vàng, ly, tách, chén kiểu… trưng bày cho du khách xem. Tuy là hiện vật giả cổ, nhưng du khách vẫn có thể hình dung nét quý phái, kiêu sa của sinh hoạt hoàng gia lúc bấy giờ.
Phía trước và bên trong Điện Kiến Trung. Ảnh tác giả, tháng 8/2024. |
Phía sau Đại Nội là những hàng cây sứ già, cành oằn xuống phải dùng thanh sắt gia cố, chống đỡ. Những dãy hào nước dài trồng sen chạy dọc tường thành, những ốc đảo như hòn non bộ, nhiều cây xanh bóng mát, xoa dịu cái nắng nóng giữa mủa hè tháng Tám. Những chiếc ô tô chạy điện màu trắng xếp hàng chờ đón du khách, do những cô gái trẻ mặc áo dài màu tím, màu hồng xinh đẹp cầm lái. Tôi chọn đi bộ quanh vòng thành để có thời gian nhìn ngắm cảnh quang nơi đây. Vòng qua khu Thái Miếu, Hưng Miếu, Triệu Miếu, trước khi đi ra bên ngoài. Nhiều hạng mục cũng đang được trùng tu lại. Có chỗ nước sơn còn mới quá, làm mất đi vẻ cổ kính vốn có.
Bên hào sen trong Đại Nội-Tháng 8/2024 |
Nhìn lại lịch sử, trải qua hơn 450 năm, từ thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558-1613), công cuộc mở cõi phương Nam của 9 đời chúa và 13 đời vua nhà Nguyễn, với bao cuộc chiến tranh, biến cố, cha ông đã đổ xương máu giành từng vùng đất mới, bảo vệ từng hòn đào, gìn giữ biên cương. Đến thời thực dân, đế quốc đô hộ, thăng trầm loạn lạc hơn 100 năm. Có những vị vua yêu nước, chống Pháp, phải chịu cảnh lưu đày, cũng có vị theo Pháp. “Chính thống hay ngụy triều”, là đề tài của nhiều cuộc hội thảo tranh cãi. Một câu nói chí lý của nhà thơ Rasul Gamzatov (Daghestan) về việc giữ gìn di sản văn hóa mà nhiều người hay trích dẫn: “Nếu bạn bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn bạn bằng đại bác”. Tôi cũng hiểu rằng không thể sùng bái tất cả mọi thứ có trong quá khứ, mà cần phải biết chọn lọc và tôn trọng những giá trị đích thực của nó.
Tôi còn nhớ vào khoàng năm 1992, lần đầu tiên tôi tình cờ được gặp vị tướng huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một buổi họp tại văn phòng UBND tỉnh An Giang. Trong lúc nghỉ giải lao, anh Vũ Hồng Quang (Ba Thơ), là sếp của công ty AFX, dẫn tôi đến bên vị Đại tướng giới thiệu tôi là con cháu dòng dõi Hoàng tộc. Trong bộ quân phục màu xanh rêu, trán cao, mái tóc bạc trắng, Tướng Giáp đứng dậy bắt tay, nhìn tôi mỉm cười nói một cách chậm rãi, ân cần bằng giọng Quảng Bình: “Trung ương Đảng đang xem xét lại công trạng của Triều Nguyễn, công ra công, tội ra tội chứ không vơ đũa cả nắm được”. Quá bất ngờ với lời nói này, thật tình tôi không hề tự xưng tên mình, cũng không đòi hỏi công trạng gì cho dòng họ lúc đó cả, việc đó do Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc làm, nhưng tôi rất cảm động trước lời chân tình của một vị Đại tướng lừng danh trong trận Điện Biên Phủ năm xưa. Tôi chỉ biết đáp lại: “Con cám ơn Đại tướng, kính chúc bác được nhiều sức khỏe”, trước ánh mắt ngạc nhiên, xen lẫn thú vị của các quan chức lãnh đạo tỉnh có mặt trong phòng họp.
Vào năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Mãi đến năm 2008, lần đầu tiên một cuộc hội thảo quốc gia về “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn” đã được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, với sự tham gia nhiều nhà chính trị, nhà sử học, chuyên gia trong nước (nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, giáo sư Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc…), và học giả quốc tế đến từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga… Nhà nước đã khẳng định lại lịch sử, tuy chưa thật sự đầy đủ nhưng cũng đã từng bước nhìn nhận giá trị văn hóa, lịch sử đích thực của Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Hội thảo cũng đề nghị cần phải trả lại các giá trị khách quan-trung thực-công bằng, viết lại môn lịch sử về triều đại này để con cháu mai sau khỏi ngộ nhận. Thời gian gần đây, tôi cũng được xem một số bộ phim tài liệu về các vị vua Triều Nguyễn với công cuộc khai phá đất phương Nam trên truyền hình VTV, cũng như đăng trên YouTube và mạng xã hội.
Ba tôi là một người rất kỹ tính, là thành viên của Hội đồng Nguyễn Phước tộc TP HCM, ông đã bỏ công ghi chép, sưu tầm nhiều tài liệu, tham gia biên soạn cuốn Gia phả của dòng họ để lưu truyền cho con cháu. Nhất là cách đặt tên con trai, con gái theo thứ bậc khá phức tạp trong bộ Đế hệ thi và Phiên hệ thi có từ đời vua Minh Mạng.
Một việc quan trọng trong dịp về thăm cố hương lần này là tôi phải đi tìm cho được nhà của Phúc, con của người cô ruột, ở cuối đường Chi Lăng. Tôi không nhớ số nhà, cũng không biết số điện thoại, nên không thể liên lạc được. Cứ lần mò hỏi thăm người dân nhà bà cô tên Bình, mà ngày xưa khá nổi tiếng là người bộc trực, nóng tính, từ đầu làng đến cuối xóm ai cũng biết. Thật may, có một bà bán hàng rong lớn tuổi chỉ tôi đi thêm gần một cây số nữa, đến cuối đường Chi Lăng là nhà của bà Bình năm xưa. Quả đúng như vậy, tôi tìm được nhà Phúc, anh em mừng rỡ gặp nhau, cùng hẹn hôm sau đi thăm mộ ông bà và ba tôi vì Phúc rất rành những nơi này.
Sáng hôm sau, Phúc cùng con trai, lái chiếc Toyota Fortuner trắng, đến đón tôi và anh Hoạt (anh rể của Thục Hạnh) lên thăm mộ. Qua cửa Thượng Tứ, thẳng hướng chùa Thiên Mụ, xe đi ngang một công trình khá lớn, đang thi công cầu Nguyễn Hoàng bằng dầm thép to, bắt qua sông Hương. Theo đoạn đường nhỏ lên phường Hương Hồ, gần bến đò Đá Dựng, là nơi có khu mộ của cha tôi và các ngài. Vị trí được các ngài chọn đúng phong thủy, một phía dựa vào sườn đồi, một phía nhìn xuống dòng sông Hương uốn quanh, bên kia sông là Điện Hòn Chén, thờ Phật và nữ thần Po Nagar của người Chăm-pa, còn gọi là Thiên Y Thánh mẫu. Khung cảnh thiên nhiên thật là thơ mộng. Men theo con dốc hẹp, đạp mấy bụi cỏ gai, băng qua những lùm cây rậm rạp, cao ngang đầu, mới vào được khu mộ ba tôi và ông bà nội.
Đã lâu, tôi từng đến nơi đây mấy lần, nhưng bây giờ người dân lấn đất, xây nhà, làm khu du lịch nên cảnh quang thay đổi rất nhiều. Trước khi mất ở nước ngoài, ba tôi đã có ý nguyện được đem tro cốt về Huế chôn ở cạnh mộ của ông bà nội. Đúng như câu nói: “Lá rụng về cội”. Khu mộ có hình chữ nhật, diện tích chỉ độ 20m2, vòng tường thấp khá dày xung quanh. Ba nấm mộ hình tròn, đắp xi măng nổi hình cánh hoa sen bao quanh. Chúng tôi chia nhau phát quang, dọn sạch cỏ rác, rồi bày trái cây, thắp nhang đèn cúng ông bà. Tiếp tục đi bộ lên thêm một đoạn dốc hơn 100 mét nữa, đến khu mộ các ngài và bà con trong dòng tộc. Mộ cô Công Tôn Nữ Thị Tâm (cô Bình), là mẹ của Phúc, mộ cô Công Tôn Nữ Tường Vy, em họ của ba tôi (Tá Quốc khanh Ưng Tham). Mộ của ngài Hường Đề, em họ của ông nội tôi, mộ của cụ bà Nguyễn Thị Loan, phu nhân của ngài Tuy An Quận công Nguyễn Phúc Miên Hiệp (còn có tên Miên Kháp), con thứ 41 của vua Minh Mạng, là ông cố của tôi mà cha tôi thờ trong gia đình cùng ngài Ba Xuyên Quận công Nguyễn Phúc Miên Túc (con thứ 35) bị mất từ nhỏ. Nhiều mộ mới xây, kiến trúc khá đẹp, cẩn đá granite đen, trắng, sang trọng. Thăm viếng xong, xuống núi dưới cái nắng nóng gay gắt, chúng tôi đi vòng đường tránh Cam Lộ - La Sơn qua bên kia sông Hương, phía Điện Hòn Chén thăm mộ của ông Nguyễn Văn Tâm, cha của Thục Hạnh, nằm trong khu mộ của dòng họ cụ đại thần Nguyễn Tri Phương.
Thăm mộ ông bà. Huế, tháng 8/2024 |
Sau một ngày vất vả đi thăm mộ các ông bà. Hôm sau, tôi dành cả ngày để đi thưởng thức các món đặc sản Huế như: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít ram... Buổi sáng, ăn bún bò gìo heo ngon nổi tiếng ở quán mụ Rớt. Buổi trưa, vào trong chợ Đông Ba tìm món bánh canh Nam Phổ, là loại bánh canh bột lọc nấu hơi đặc, với chả cua. Thêm món cơm hến, con hến nhỏ tí xíu trộn với cơm, chan ít tóp mở kèm rau sống và bắp chuối. Buổi chiều, trời dịu mát, tôi đi dạo bằng xe máy khắp thành phố, tìm lại những con đường xưa, lối cũ: Trường Jeanne D’Arc, là một trường dòng, do mấy bà sơ dạy tôi từ mẫu giáo. Kế bên đó là Trường Tiểu học Lê Lợi, và đến Trường Providence (Thiên Hữu), nơi tôi học bậc tiểu học (nay là Trường Đại học Khoa Học Huế). Một nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm tuổi thơ là Đài Phát tin Huế, số 7 đường Trưng Trắc, nơi ba tôi từng làm việc vả phía sau là chổ ở của gia đình. Nay là đường Hai Bà Trưng, một trong những con đường sạch đẹp nhất thành phố Huế với những tòa nhà khách sạn hiện đại. Do ban đêm, không có ai để xin vào bên trong, tôi đành chọn một quán cà phê phía trước cổng để nhìn vào. Ngôi nhà chính vẫn như xưa, cái sân rộng phía trước mà tôi còn tấm hình xưa chụp với anh tôi, nay chỉ còn một mảnh nhỏ, xung quanh là nhà cửa, hàng quán mọc lên san sát, che kín. Hồi xưa, khu vực quanh đây là đồng ruộng, rất vắng, ít nhà dân. Mấy anh em tôi hay ra ruộng mò cua, bắt cá, chơi đùa.
Nguyễn Phước Bửu Huy