Nhật Bản: Tâm lý của doanh nghiệp giảm sút do nhu cầu ảm đạm từ Trung Quốc
(PetroTimes) - Theo cuộc khảo sát hàng tháng của Reuters Tankan công bố hôm thứ Tư (14/8), các nhà sản xuất Nhật Bản trở nên kém tự tin hơn trong kinh doanh vào tháng 8, do nhu cầu ảm đạm từ Trung Quốc ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp.
Một nhà kho ở Khu công nghiệp Keihin ở Kawasaki, Nhật Bản (Ảnh: Reuters) |
Cuộc thăm dò diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm vào tháng trước và công bố kế hoạch chi tiết để làm chậm lại quá trình mua trái phiếu ồ ạt.
Theo khảo sát Reuters Tankan, theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh hàng quý của BOJ, chỉ số tâm lý của các nhà sản xuất đã giảm xuống còn +10 vào tháng 8, giảm 1 điểm so với tháng 7.
Cuộc khảo sát cho thấy các nhà sản xuất dự kiến chỉ số sẽ tiếp tục giảm xuống mức +5 trong 3 tháng tới.
"Doanh số bán ô tô toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là ở Trung Quốc", giám đốc tại một công ty thiết bị ô tô đã viết trong cuộc khảo sát.
Các nhà quản lý từ nhiều ngành công nghiệp khác như hóa chất, thép và thiết bị điện tử cho biết nhu cầu yếu ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh của họ.
Cuộc khảo sát chỉ rõ lạm phát cao và biến động thị trường cũng nằm trong số những vấn đề đáng lo ngại.
"Những yếu tố bất ổn như chi phí nguyên liệu thô và tỷ giá hối đoái đang tăng lên", quản lý tại một công ty cao su viết.
Cuộc thăm dò của Reuters được tiến hành từ ngày 31/7 đến ngày 9/8, thời điểm đó, cổ phiếu Nhật Bản rơi vào đợt bán tháo lớn nhất kể từ đợt bán tháo đen tối năm 1987, sau khi dữ liệu lao động yếu kém của Hoa Kỳ làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái, và đồng yên tăng giá so với đồng đô la khi các nhà đầu tư hủy bỏ giao dịch chênh lệch lãi suất.
Theo Reuters Tankan, chỉ số ngành dịch vụ giảm tháng thứ hai xuống còn +24 vào tháng 8 từ +26 vào tháng 7. Các công ty phi sản xuất kỳ vọng chỉ số sẽ phục hồi lên +26 vào tháng 11. Nhu cầu mạnh mẽ đã củng cố niềm tin đối với ngành này.
Chỉ số Reuters Tankan được tính theo hiệu số tỷ lệ phần trăm giữa phản hồi bi quan và phản hồi lạc quan. Chỉ số dương cho thấy số người lạc quan đông hơn số người bi quan.
D.Q