Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(PetroTimes) - Bảy tháng qua, bức tranh phục hồi và phát triển công nghiệp của nước ta có rất nhiều điểm sáng. Đây là tín hiệu tích cực tạo đà cho một năm nỗ lực vượt khó, chuẩn bị bước vào đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Hà Nội kết nối, xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn |
Sản xuất công nghiệp khởi sắc toàn diện trong tháng 7/2024 |
Giàn PV DRILLING II. (Ảnh minh họa) |
Sự phục hồi mạnh mẽ biểu thị ở các chỉ số quan trọng tăng mạnh, như: Chỉ số PMI tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng bốn tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. PMI là chỉ số Nhà quản trị mua hàng - một chỉ số kinh tế được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ của một nền kinh tế.
Tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011; Chỉ số IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,5%.
Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 60/63 địa phương trong tháng 7. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc; vải dệt từ sợi tự nhiên; thép cán; phân hỗn hợp NPK; điện sản xuất…
Những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng nêu trên đã thể hiện chuyển biến tích cực của nền sản xuất trong nước. Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương, nhất là các khu vực có vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp. Theo đó, niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng tưởng sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2024 vừa qua.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, chúng ta tiếp tục tập trung xây dựng chiến lược phát triển của ngành và tập đoàn đồng bộ với chiến lược của từng lĩnh vực. Tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế chính sách đã đề xuất, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, quy định của pháp luật về: LNG, khí trong nước, thuế suất, hoàn thiện các quy định theo hướng dẫn triển khai Luật Dầu khí... tạo động lực cho triển khai nhiệm vụ.
Trong muôn vàn khó khăn, thách thức, nhất là tác động của tình hình kinh tế thế giới, vì sao chúng ta đạt được những kết quả đáng khích lệ?
Điều trước tiên cần khẳng định là, hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm. Thứ đến là kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước.
Sở dĩ các đơn hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng manh, nhất là trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm, là do Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các FTA.
Có được các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, nhất là với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc, đã góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước. Năng lực của các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể một phần là do tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đặc biệt là nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định.
Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu. Nền sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, nhất là phụ thuộc vào khu vực FDI.
Sản xuất công nghiệp tuy đã phục hồi nhưng chưa toàn diện và vững chắc. 3 trong số 63 địa phương có IIP giảm. Đáng chú ý, một số ngành sản xuất chủ lực như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô... giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng xuất khẩu như giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện tuy đã phục hồi nhưng vẫn chưa đạt mức đỉnh của năm 2022.
Trong những tháng cuối năm, sức ép lạm phát còn cao, nhất là do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh; tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro; dự báo tăng trưởng, thương mại, đầu tư toàn cầu mặc dù có xu hướng phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu không thể tách rời một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ vẫn tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại và về các rào cản kỹ thuật. Trong khó khăn càng phải chủ động ứng phó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững cho các ngành công nghiệp. Giải pháp quan trọng hàng đầu là, chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua. Tiếp tục tháo gỡ ách tắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng. Thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có, nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản. Ưu tiên việc mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được. Năng động, nỗ lực hơn nữa tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Giải pháp bao trùm để phát triển kinh tế-xã hội nói chung, ngành công nghiệp nói riêng là: Nỗ lực phấn đấu, phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, không ngừng sáng tạo để phấn đấu đạt nhiều thắng lợi mới, quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước - như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hải Đường