Tin tức kinh tế ngày 2/8: Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc vượt 110 tỷ USD
(PetroTimes) - Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc vượt 110 tỷ USD; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7%; Việt Nam có thêm 50 triệu EUR vốn tín dụng xanh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 2/8.
Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc vượt 110 tỷ USD |
Giá vàng thế giới tiếp đà tăng
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/8, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2453,07 USD/ounce, tăng 10,42 USD so với cùng thời điểm ngày 1/8.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/8, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 78,3-79,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng chiều mua và giữ nguyên ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/8.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 77,8-79,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/8.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 77,8-79,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 1/8.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7%
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp tích cực của ngành du lịch. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 31,8%.
Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,2%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; TP HCM tăng 6,3%.
Thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc vượt 110 tỷ USD
Trung Quốc hiện là thị trường đầu tiên có kim ngạch hai chiều với Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD, tính từ đầu năm đến nay.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 79,2 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua. Kể từ năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tỷ USD. Năm 2023, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.
Việt Nam có thêm 50 triệu EUR vốn tín dụng xanh
Ngân hàng BIDV và Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam đã ký kết Thỏa ước tín dụng Hạn mức tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR để tài trợ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tiếp nối thành công của Hạn mức tín dụng giảm thiểu tác động biến động khí hậu (hạn mức tín dụng xanh SUNREF 100 triệu USD) đã ký kết và giải ngân trong năm 2021, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) và BIDV tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn bó và hiệu quả giữa hai bên thông qua việc ký kết Hạn mức tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR.
Nhật Bản thiếu hụt gạo nghiêm trọng
Nhật Bản đang phải chịu tình trạng thiếu gạo do các vấn đề về chất lượng bắt nguồn từ đợt nắng nóng năm ngoái đã dẫn đến tình trạng phân phối giảm.
Một số siêu thị đã hạn chế việc mua gạo để ngăn chặn tình trạng mua hàng hoảng loạn, và giá cả cũng tăng vọt do nhu cầu ăn uống bên ngoài tăng lên nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.
Vụ thu hoạch lúa năm nay cũng được lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng, gây lo ngại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
"Đây là lần đầu tiên gạo trở nên khan hiếm như vậy kể từ “cuộc bạo loạn gạo thời Heisei'", Hiromichi Akiba, chủ tịch chuỗi siêu thị cỡ trung Akidai, cho biết, ám chỉ đến tình trạng thiếu gạo xảy ra vào năm 1993 do mùa hè lạnh giá và mùa màng thất bát.
P.V (t/h)