Thiết bị tiết kiệm điện - thật hay ảo?
(PetroTimes) - Gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bài quảng cáo về các thiết bị tiết kiệm điện với khả năng “đỉnh của chóp”, giúp tiết kiệm được đến 40% lượng điện tiêu thụ. Một số hộ gia đình tại Hà Nội đã đua nhau lắp đặt thiết bị này. Nhưng nó có thật sự tốt như lời đồn?
Electricity Saving Box - thiết bị tiết kiệm điện đang "hot" trên mạng xã hội. |
Chiến dịch “lùa gà"
Ghi nhận từ phóng viên PetroTimes, nhiều người tiêu dùng đang “phát sốt" với các thiết bị tiết kiệm điện trên các trang mạng xã hội. Chúng được quảng cáo với công dụng thần thánh cùng những chiến dịch chốt đơn rầm rộ khiến cho người ta không thể làm ngơ.
Chị Bích Ngọc - hiện đang sinh sống tại Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội cho biết: “Mấy tháng qua tiền điện nhà mình cao quá, nhìn hóa đơn thanh toán muốn “sang chấn tâm lý”. Do đó khi khi theo dõi các hội nhóm, trang mạng xã hội, web quảng cáo, các sàn giao dịch điện tử mình đã đọc được rất nhiều bình luận khen một thiết bị tên là Electricity saving box nên đã quyết định mua về dùng thử.
Tuy nhiên, khi sử dụng mấy tháng rồi mà vẫn thấy không hiệu quả, tiền điện không giảm mà vẫn neo cao. Nghe bạn bè mách có khi mua phải đồ rởm nên lại tìm kiếm, rò la thông tin, rồi lại mua.
Sợ “của rẻ là của ôi”, chị Ngọc quyết định mở ví chi nhiều hơn, mua hẳn loại lên đến cả triệu đồng/ thiết bị. Nhưng kết quả vẫn thế, tiền điện vẫn cao và không có gì thay đổi. Chiến dịch thắt lưng buộc bụng của gia đình chị Ngọc hoàn toàn thất bại.
Gia đình chị Ngọc là ví dụ điển hình của người tiêu dùng trực tiếp sử dụng Electricity saving box và nhận ra mình đã tốn thời gian, tiền bạc, công sức, trao nhầm niềm tin cho các thương nhân hám lợi, bỏ qua lợi ích của người tiêu dùng, lừa đảo cả xã hội để kiếm lời cho bản thân.
Có thể thấy Miền Bắc đang trải qua đợt cao điểm nắng nóng kéo dài, khiến đời sống sinh hoạt, lao động, làm việc của người dân bị ảnh hưởng lớn. Trong đó, đặc biệt tại khu vực Hà Nội lượng điện năng tiêu thụ rất lớn bởi nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến tiền điện cũng tăng.
Đánh vào tâm lý này, nhiều trang web tăng cường quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện có thể giúp giảm 1/3 đến 1/2 tiền điện hằng tháng.
Chỉ cần thao tác đơn giản sau một hai phút tìm kiếm thiết bị tiết kiệm điện trên điện thoại, máy tính, các trang web, mạng xã hội lần lượt hiện ra hàng trăm các loại thiết bị tiết kiệm điện với giá rẻ bất ngờ chỉ từ mấy chục cho đến mấy trăm nghìn đồng đều có. Mẫu mã đa dạng, bắt mắt, thiết kế nhỏ gọn và đặc biệt là sử dụng rất dễ dàng, tiện lợi.
Theo các trang mạng này giới thiệu, Electricity saving box là lựa chọn hàng đầu và hiệu quả nhất để tiết kiệm điện cho mọi gia đình. Với việc sử dụng thiết bị tiết kiệm điện này sẽ giúp các gia đình tiết kiệm lên đến 40% tiền điện hằng tháng. Không dừng lại ở đó, để tăng độ tin cậy cho loại thiết bị này một số trang mạng trích dẫn lời từ các tài khoản được xem là đã sử dụng Electricity saving box và thực sự tiền điện lên đến hàng triệu đồng của gia đình chị này hiện chỉ còn 500-600 nghìn đồng/tháng.
Tài khoản này còn chụp cả hóa đơn tiền điện của gia đình mình để chứng minh cho mọi người đọc và tham khảo. Tài khoản này nói thêm: “Từ nay, gia đình mình hoàn toàn yên tâm bật điều hòa thả ga mà không sợ hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt nữa”.
Một tài khoản khác lại comment đầy tiếc nuối rằng: “Đáng ra mình nên biết đến Electricity saving box sớm hơn, chứ hè đến đúng là đi làm chỉ để đóng tiền điện. Một số web khác lại bỏ lửng câu hỏi của khách hàng về tính hiệu quả của thiết bị tiết kiệm điện này mà thay vào đó hàng loạt các nick ảo đổ bộ vào bài quảng cáo chốt đơn và khen ngợi sản phẩm khiến người tiêu dùng bị “thao túng tâm lý” sợ cháy hàng nên liên tục ibox đặt hàng.
Cấu tạo sơ sài bên trong của Electricity Saving Box. |
Bóc mẽ trò lừa đảo lố bịch
Mới đây trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung phối hợp cùng Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung đã phối hợp thực hiện một số thí nghiệm để phân tích, xác minh để làm sáng tỏ công dụng thật sự của Electricity saving box. Khi tiến hành nghiên cứu sản phẩm tiết kiệm điện có tên gọi là Electricity Saving Box để thí nghiệm thì phát hiện thiết bị này không hề có tác dụng như quảng cáo.
Sản phẩm được đựng trong một hộp nhựa bình thường, bên trong thiết bị chỉ gồm cầu chì, vài con điện trở và hai bóng đèn led. Sau quá trình thí nghiệm cho thấy, thiết bị tiết kiệm điện Electricity Saving Box khi sử dụng có thể làm giảm độ lớn giá trị dòng điện qua tải, nhưng không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ của tải. Dẫn đến công suất tiêu thụ luôn luôn tăng (tức là thiết bị tiết kiệm điện này không làm thay đổi sản lượng điện tiêu thụ đo đếm được trên công tơ).
Theo ông Trần Văn Thịnh, Trưởng bộ môn thiết bị điện – điện tử, Khoa Điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đối với tất cả các thiết bị điện nào khi cắm ᴠào nguồn điện cũng làm tiêu hao một lượng điện nhất định. Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1 – 5% lượng điện tiêu thụ đã là rất nhiều. Với thiết bị tiết kiệm điện chỉ với bằng một ít ᴠẩy nhựa đen bôi lên, ᴠới vài con tụ và cuộn dây… trong kết cấu mà lại có thể tiết kiệm tới 40 – 50% lượng điện tiêu thụ thì chỉ có thể là trò lừa bịp.
Không chỉ Electricity saving box, mà hiện nay nhiều sản phẩm được các nhà quảng cáo tâng bốc tận mây xanh về công dụng và được lan truyền khắp trên các trang mạng xã hội nhằm lừa đảo người tiêu dùng trục lợi bất chính.
Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác trước những lời quảng cáo trên mạng xã hội. Đối với các sản phẩm liên quan đến tiết kiệm điện năng trước khi mua về sử dụng hãy tham khảo, sàng lọc thông tin, tìm kiếm các trang web, mạng xã hội, cửa hàng uy tín để được tư vấn, giải đáp thắc mắc tránh chui đầu vào rọ trước các chiêu trò lừa đảo trắng trợn của gian thương.
Song song với đó, để tiết kiệm điện năng cho gia đình mình, người đân nên tham khảo các kênh truyền thông chính thống để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện an toàn, thông minh, phù hợp với mỗi gia đình.
Trà Luy