Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024
(PetroTimes) - Sáng nay (8/6), gần 106.000 học sinh Hà Nội đã bước vào môn thi đầu tiên là môn Ngữ Văn của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.
Đề thi Ngữ văn vào 10 của các trường trên địa bàn Hà Nội |
Theo các thầy cô Tổ ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI, cấu trúc đề thi ngữ văn - kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên như mọi năm. Kiến thức văn học và tiếng Việt bám sát chương trình ngữ văn lớp 9.
Tại phần I (6,5 điểm): ba câu hỏi đọc - hiểu bài thơ "Đồng chí" của tác giả Chính Hữu. Bên cạnh yêu cầu về nội dung làm rõ hình ảnh người lính trong 8 dòng thơ còn có 2 yêu cầu phụ về viết đoạn văn.
Phần II (3,5 điểm): từ bài viết “Dám bị ghét” - một ngữ liệu ngoài SGK với cuộc đối thoại của triết gia và chàng thanh niên bàn về vấn đề tư duy sống, cách chúng ta đối diện với mong muốn được người khác thừa nhận; đề bài yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội nêu vấn đề ứng xử thế nào trước những mong đợi của những người thân yêu.
Phần I (6,5 điểm). Ba câu hỏi đọc - hiểu bài thơ Đồng chí của Chính Hữu sẽ khiến một số học sinh bỡ ngỡ vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy nhiên đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích nên nếu nắm chắc nội dung của tác phẩm thì có thể tự tin hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi trong đề thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội |
Dưới đây là Hướng dẫn giải đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 do giáo viên Trung tâm Học mai.vn Online thực hiện:
Phần I (6.5đ)
Câu 1.
- Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu được viết theo thể thơ: Tự do
- Một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết theo thể thơ tự do: Nói với con (Y Phương).
Hình ảnh tương ứng tạo nên sự sóng đôi giữa 2 dòng thơ:
Câu 2.
- Quê hương anh – làng tôi
- Nước mặn, đồng chua – đất cày lên sỏi đá
● Hiệu quả nghệ thuật của sự sóng đôi:
- Cặp hình ảnh quê hương anh – làng tôi gợi sự tương đồng trong xuất thân từ nông thôn của những người lính chống Pháp;
- Cặp hình ảnh nước mặn, đồng chua – đất cày lên sỏi đá gợi liên tưởng tới sự khó khăn, cơ cực của làng quê, từ đó, sự tương đồng về cảnh ngộ nghèo khó của người lính.
→ Những cặp hình hình ảnh tương ứng cho thấy điểm chung là hoàn cảnh sống đơn sơ, nghèo khó. Điều này tạo ra cơ sở của tình cảm gắn bó giữa những người đồng chí ngay từ những ngày đầu gặp gỡ.
Câu 3.
Giá trị biểu đạt của từ “đôi” trong câu “Anh với tôi đôi người xa lạ”:
- “Đôi” là từ chỉ hai vật, hai cá thể cùng loại, tương ứng với nhau.
- Thực chất, trong văn bản, có thể sử dụng từ “hai”, tuy vậy, khi sử dụng từ “đôi”, câu thơ đã nhấn mạnh sự tương đồng về hoàn cảnh, phẩm chất, lý tưởng giữa những người lính - những giá trị tạo nên sự gắn kết giữa họ.
Câu 4.
Nội dung: Nhớ lại nội dung tác phẩm để làm rõ hình ảnh người lính trong đoạn trích Đồng chí của Chính Hữu
* Giới thiệu chung:
Đồng chí là bài thơ tiêu biểu của tác giả Chính Hữu được viết trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
* Hình ảnh người lính:
- Hoàn cảnh thiếu thốn của những người lính: áo rách, quần vá, chân không giày (BPNT liệt kê); Miệng cười buốt giá thể hiện tinh thần lạc quan, cùng nhau vượt qua gian khó; tình đồng chí được bộc lộ rất mộc mạc nhưng sâu lắng, thấm thía qua hành động thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
- Tình đồng đội gắn bó keo sơn: thời gian đêm nay và không gian rừng hoang sương muối hoang vắng, âm u với cái lạnh cắt da cắt thịt; cụm từ cạnh bên nhau nhấn mạnh sự gắn kết và gợi tả tư thế kề vai sát cánh, tư thế chủ động, tập trung cao độ, sẵn sàng chiến đấu chờ giặc tới của những người lính trong chiến đấu.
- Đầu súng trăng treo: Súng với trăng là thực tại và mơ mộng, là sự hòa quyện giữa chất chiến sĩ và thi sĩ; câu thơ cuối vừa mang tính hiện thực, vừa mang sắc thái lãng mạn, là một biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí thân thiết.
→ Đoạn thơ nhấn mạnh vào hình ảnh những người lính trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp; tình đồng chí, đồng đội của những người lính bộ đội cụ Hồ.
Hình thức:
- Đảm bảo dung lượng theo yêu cầu của đề: khoảng 15 câu.
- Hình thức lập luận: quy nạp.
- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Thực hiện đủ yêu cầu tiếng Việt trong bài viết: sử dụng thành phần tình thái và thán từ (gạch chân, chú thích rõ một thành phần tính thái và một thán từ).
Phần II:
Câu 1:
- Phép liên kết có trong những câu văn in nghiêng: Phép lặp.
- Từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết: đáp ứng mong đợi của người khác
Câu 2
Học sinh có thể tự bày tỏ quan điểm cá nhân và trình bày suy nghĩ của mình.
● Gợi ý: Quan điểm: Không ích kỉ nếu chúng ta không sống để đáp ứng
mong đợi của người khác
- Ích kỉ là lối sống chỉ biết nghĩ cho mình, không quan tâm đến người khác; tuy nhiên mỗi người đều là một cá thể độc lập với những mong muốn và giá trị riêng.
- Theo đuổi những ước mơ, mong muốn của riêng mình, xây dựng cuộc sống cá nhân giúp con người trở nên hạnh phúc, sẵn sàng đối diện với mọi khó khăn.
- Việc sống theo mong đợi của người khác đôi khi sẽ tạo ra áp lực cho bản thân; tuy nhiên việc sống theo mong muốn của bản thân sẽ giúp chúng ta thoải mái, tự tin hơn.
Câu 3. Nội dung:
- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cách ứng xử trước mong đợi của những người thân yêu.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: thể hiện được quan điểm cá nhân; dẫn chứng phù hợp với yêu cầu đề bài.
● Gợi ý:
1. Giải thích
- Ứng xử trước mong đợi của những người thân yêu: là thái độ, hành động thích hợp khi đón nhận sự kì vọng của người thân, những người mình yêu thương, gần gũi.
- Trong cuộc sống, chúng ta nên lựa chọn cách ứng xử trước những mong đợi của người thân thích hợp, khéo léo và chân thành.
2. Bàn luận
- Nhận thức đúng đắn về những giá trị tốt đẹp, bản chất tích cực của sự kì vọng từ phía người thân (tình yêu thương, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp) và năng lực của bản thân.
- Lựa chọn những điều mà cá nhân chúng ta cảm thấy phù hợp với mong muốn, khả năng, nhận thức của bản thân.
- Có thái độ phù hợp trước những mong muốn của những người thân xung quanh; suy nghĩ và cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra ý kiến, trao đổi về dự định, mong muốn của bản thân.
- Dung hoà mong muốn cá nhân và sở nguyện của gia đình, mọi người xung quanh, tránh gây bất hoà.
Dẫn chứng:
- Những thầy cô giáo quyết tâm lên vùng sâu vùng xa để công tác tại các trường học, mang đến tri thức cho các trẻ em miền núi; đôi khi đi ngược lại với mong muốn của gia đình – ở lại làm việc tại các thành phố lớn.
- Nghệ sĩ Trang Pháp – quán quân của chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, đi ngược lại với mong muốn tiếp nối truyền thống gia đình để quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một ca sĩ. Sự nghiệp của cô ấy đã được gia đình công nhận và ủng hộ.
3. Mở rộng
- Quá nghe theo sự sắp đặt, kì vọng của người khác có thể dẫn đến bị động, nhu nhược, không thể hiện được quan điểm, chính kiến cá nhân.
- Bảo thủ, đề cao bản thân, suy nghĩ cá nhân, không chịu nhìn nhận ra được những hướng đi đúng đắn mà những người đi trước chỉ ra.
4. Bài học nhận thức và hành động
- Biết lắng nghe, thấu hiểu cho những kì vọng của người thân.
- Xem xét khả năng của bản thân với những kì vọng của những người thân yêu để có lựa chọn, quyết định đúng đắn.
● Hình thức: Đảm bảo dung lượng theo yêu cầu của đề; lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng phù hợp; diễn đạt mạch lạc, rõ ý, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Chiều 8/6, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút.
N.H
Thi vào lớp 10 “khó hơn cả thi vào đại học”! |
Hà Nội: 700 học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 |
Hà Nội: Gần 106.000 thí sinh bước vào thi môn thi Ngữ Văn |