Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh:
Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo công trình thủy điện duy trì dòng chảy tối thiểu
(PetroTimes) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh, sắp tới Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn |
Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn vào sáng mai (4/6) |
Sáng 4/6, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh/ Ảnh: Quốc hội |
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT làm rõ thực trạng, giải pháp tình trạng công trình thủy điện chưa đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông.
Theo Đại biểu Lưu Bá Mạc, hiện nay có nơi, vẫn có tình trạng có công trình thủy điện chưa thực sự quan tâm, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, theo đúng quy định. Thậm chí có nơi cố tình không thực hiện, dẫn tới vấn đề là: nước ở hạ lưu một số công trình thủy điện cạn khô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển đa dạng sinh học, cũng như sự phát triển du lịch.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Lưu Bá Mạc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để duy trì sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao. Bộ đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về Bộ để theo dõi, giám sát, quản lý. Hiện đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ, khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu thì sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, thống nhất với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Huân về duy trì dòng chảy tối thiểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, đây cũng là lĩnh vực Bộ NN&PTNT quản lý. Và nếu các nhà máy thủy điện duy trì dòng chảy tối thiểu thì phải xem xét chảy tối thiểu vào lưu vực sông nào, không tác động đến điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương nào? Do đó, đây không phải là bơm ở một, hai vị trí cấp nước nông nghiệp mà cần phải duy trì cả hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, đồng thời cần phải đảm bảo cho dân cư sống ở hai bên sông, suối.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. |
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương về tác động của việc khai thác cát biển đối với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.
Về quản lý các mỏ hết thời gian cho phép khai thác theo giấy phép, Bộ trưởng cho biết, thời gian cấp phép mỏ tối đa là 30 năm, các mỏ được phép gia hạn nhiều lần, tổng thời gian không quá 20 năm, nghĩa là tuổi thọ của một mỏ theo luật là 50 năm. Như vậy, trường hợp các mỏ sau khi khai thác 30 năm mà đang còn trữ lượng, chủ mỏ đã thực hiện đầy đủ, bài bản các giấy tờ thủ tục, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ cần làm hồ sơ đề xuất để xin gia hạn. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ để quyết định việc tiếp tục giao mỏ theo quy định.
Huy Tùng