Đại biểu Quốc hội đưa ra giải pháp để người dân hiểu rõ về thị trường carbon
(PetroTimes) - Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), để giúp người dân hiểu rõ về giá trị to lớn cũng như việc giảm rác thải khí nhà kính và thị trường carbon, đồng thời thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP 26 và COP 28, cần tuyên truyền sâu rộng và xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon.
Đề nghị kéo dài và mở rộng đối tượng giảm thuế VAT 2% |
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% không đi vào cuộc sống |
Đề nghị làm rõ trách nhiệm để tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội kéo dài |
Sáng ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh: Quốc hội |
Góp ý thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực quyết liệt, không ngừng nghỉ của Chính phủ để đạt được các kết quả điều hành khá toàn diện, nhất là đối với các công trình dự án quan trọng, các dự án trọng điểm quốc gia của Chính phủ.
Trong 12 giải pháp chủ yếu, bao trùm các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Chính phủ đề ra, giải pháp số 4 và giải pháp số 7 đã đề cập đến phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề giảm rác thải khí nhà kính. Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần thiết, cần phải được quan tâm thích đáng, kịp thời, thường xuyên để đảm bảo môi trường tự nhiên, ổn định đời sống kinh tế, đồng thời giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức của chuyển đổi xanh toàn cầu, giữ vững được vị thế trong bản đồ an ninh lương thực thế giới.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Nhưng nông nghiệp lại là ngành tạo ra phát thải CO2 rất lớn. Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, nếu không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc sản xuất nông sản Việt Nam xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đánh giá cao hành động của Chính phủ đã cam kết tham gia vào cuộc cách mạng xanh cùng với các nước trên thế giới tại COP 26 và COP 28 và sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Để giúp người dân hiểu rõ về giá trị to lớn cũng như việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, đồng thời thực hiện được cam kết của Việt Nam tại COP 26 và COP 28, đại biểu Nguyễn Thị Lan có một số kiến nghị như sau:
Một là, cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các nghiệp vụ cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, sinh viên đại học và học sinh phổ thông.
Hai là, nghiên cứu sâu sắc tác động quy định của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Ba là, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia EU, Hà Lan, Hoa Kỳ,...
Huy Tùng