Lãi suất liên ngân hàng vượt trần, áp lực tỷ giá ra sao?
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã lên tới 5,06%/năm, mức cao nhất trong gần 1 năm qua. NHNN đang mạnh tay ưu tiên dùng công cụ điều hành nhằm giải tỏa áp lực tỷ giá?
Phiên giao dịch áp dụng ngày 24/5/2024 ghi nhận lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lên cao 5,06%/năm. Theo Quyết định số 1123/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, trần lãi suất qua đêm là 5%. Như vậy, lãi suất bình quân liên ngân hàng đã tăng vượt trần và là mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.
Cùng với đó, ở phiên ngày 22/5, NHNN tăng quy mô bơm ròng thông qua cho vay cầm cố giấy tờ có giá, lãi suất tái chiết khấu cũng lên 4,5%.
NHNN đã nâng lãi suất OMO để giảm áp lực bán ngoại tệ. Tuy nhiên lượng can thiệp qua bán dự trữ ngoại tệ đang tăng. |
Những tín hiệu thị trường cộng với nguồn tin NHNN đã bán dự trữ ngoại hối để can thiệp cung ngoại tệ hơn 3 tỷ USD, trong khi tỷ giá giao dịch trên thị trường vẫn neo kịch trần và nhiều ngân hàng chuyển hướng điều chỉnh tăng mạnh giá mua, khiến lo ngại nỗ lực "ghìm cương" tỷ giá của NHNN có thể sẽ phải thay đổi.
NHNN trong tuần trước đã ra thông cáo khẳng định tỷ giá bến động trong xu hướng chung và mất giá ở mức trung bình. Thông tin NHNN thay đổi chính sách điều hành tỷ giá là không chính xác. Doanh nghiệp, người dân cần thận trọng trước những tin đồn.
Cùng với đó, đầu tuần này, NHNN cũng có thêm động thái mới về việc điều chỉnh phương án bình ổn giá vàng, chấm dứt đầu thầu vàng từ ngày 3/6. Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh - nhà sáng lập Think Future, đấu thầu vàng là phương thức hao tổn dự trữ ngoại hối không cần thiết mà chỉ để phục vụ nhu cầu tích trữ tài sản, không phục vụ sản xuất kinh doanh. Ông Linh cho rằng trước khi tính đến nhập khẩu vàng, xóa bỏ độc quyền vàng thì cơ quan quản lý cần phải làm minh bạch thị trường bằng: 1) Thanh tra, điều tra hành vi thao túng thị trường, 2) Minh bạch giao dịch bằng hóa đơn, chuyển khoản online... Do đó dừng đấu thầu vàng là điều hướng phù hợp.
Thay cho diễn biến điều chỉnh tỷ giá trung tâm nhích tăng trong tất cả các phiên trong tuần từ 20 đến 24/5, tỷ giá liên ngân hàng bám sát tỷ giá trần, thì các phiên ở nửa đầu tuần này từ 27-28/5, NHNN cũng đã có dấu hiệu điều chỉnh tỷ giá trung tâm từ 24.258đ/USD xuống 24.256đ/USD. Những diễn biến của tỷ giá tuy có phần dịu đi, nhưng vẫn đang là tâm điểm mà giới chuyên môn theo dõi, bởi đây là "ưu tiên" mà nhà điều hành đang tập trung để kiểm soát, ổn định.
Thống kê của Maybank Investment Bank (MSVN) ghi nhận, tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 4.5% từ đầu năm xuống mức thấp kỷ lục, là đồng tiền diễn biến kém thứ hai trong khu vực ASEAN.
"Mặc dù có một số lý do khác nhau bao gồm đầu cơ vàng và các diễn biến chính trị gần đây, nhưng yếu tố chủ chốt vẫn là sự chênh lệch lãi suất so với Mỹ. NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành 125 điểm cơ bản vào năm trước để giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, ngay cả khi Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Lãi suất liên ngân hàng đã giảm do tăng trưởng tín dụng chậm và thanh khoản cao, điều này khiến NHNN phải nâng lãi suất thông qua thị trường mở (OMO) trong vài tháng qua. NHNN đã bán 2,8 tỷ USD trong tổng số dự trữ ngoại hối khoảng 102 tỷ USD kể từ ngày 19/04 để bảo vệ VND, nhưng áp lực tỷ giá vẫn dai dẳng với việc bán ra USD dự trữ tăng lên trong những ngày gần đây. Áp lực lên dự trữ ngoại hối của NHNN gia tăng mạnh trong tháng 5.
Không giống như các đồng tiền tệ ở các nước khác trong khu vực ASEAN, áp lực lên VND vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, ngay cả khi chỉ số USD (DXY) giảm hơn sau số liệu CPI suy giảm. Hơn nữa, vẫn còn nhiều bất định về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc", theo các chuyên gia của MSVN.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích CTCK MSVN cho rằng, nhìn chung từ đầu năm cho đến hiện tại, NHNN đã sử dụng các công cụ để điều hành tốt tỷ giá và lãi suất.
Các chuyên gia Khối Phân tích MSVN cũng đưa ra dự báo NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản nhằm bình ổn tỷ giá đồng Việt Nam đang mất giá. Đợt tăng lãi suất có thể diễn ra trong vài tuần tới, vào tháng 5 hoặc tháng 6.
"NHNN có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, trước tiên đánh giá xem liệu việc tăng lãi suất (cùng với việc tiếp tục bán USD) có giảm bớt áp lực tỷ giá hay không, trước khi quyết định xem có cần tăng thêm lãi suất hay không. Việc tăng lãi suất sẽ làm tăng lãi suất cho vay với độ trễ nhất định và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, lựa chọn khác là sẽ để VND giảm giá hơn nữa, điều này có thể đẩy lạm phát cao hơn mức mục tiêu 4.5% của NHNN, ảnh hưởng đến sức mua của hộ gia đình và chi phí doanh nghiệp. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 5.8%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là 6% - 6.5%", theo MSVN.
Ở góc độ ngân hàng, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB chia sẻ, ổn định tỷ giá là ưu tiên quan trọng. Qua các can thiệp, trước mắt có thể tác động phần nào lên lãi suất của các ngân hàng, song các ngân hàng sẽ cân đối chi phối để giữ dòng tín dụng và tiếp tục thúc đẩy theo mục tiêu.
"Năm 2023, có giai đoạn tỷ giá biến động lên tới trên 8%, nhưng đến cuối năm, mức giảm giá của VND so với USD được duy trì ở ngưỡng hợp lý, khoảng 3%, thị trường ngoại hối hoạt động liên tục và không xảy ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung. Có thể nói áp lực tỷ giá hiện nay sẽ chỉ trong ngắn hạn, trong đó ngoài áp lực chênh lệch lãi suất VND - USD, còn có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như có liên quan đến biến động dòng vốn ngoại đặc biệt ở quý đầu năm là quý các doanh nghiệp chốt lợi nhuận và chuyển tiền về trụ sở. Dó đó, các quý cuối năm, cùng với khả năng Fed cắt giảm lãi suất, tỷ giá chắc chắn sẽ bớt áp lực và duy trì biến động hợp lý", Tổng Giám đốc ACB nhận định
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Phòng ngừa rủi ro tỷ giá: Có nên sử dụng công cụ tài chính phái sinh? |
Nỗi ám ảnh lớn dần với đồng đô la Mỹ |
Tỷ giá vẫn căng |