Trồng rau "trên sóng"
(PetroTimes) - Những bồn rau xanh mướt, những mẻ giá đỗ mầm trắng nõn siêu sạch là kết quả tăng gia, đồng thời phản ánh khát vọng sinh tồn làm chủ cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 - nơi “thừa nắng gió, hiếm nước ngọt, thiếu hơi ấm đất liền” giữa biển khơi cách đất liền hàng trăm kilômét.
Rau xanh ở nhà giàn DK1/19 |
Buổi ban đầu gian khó
Để hiểu “ngọn ngành” về những ngày đầu tiên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nhà giàn DK1 thân chinh ra biển khơi trấn giữ và “thiết lập cuộc sống” ở nơi “thừa nắng gió, hiếm nước ngọt”, tôi đến nhà cựu binh, Thượng tá Nguyễn Văn Nam - nguyên Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải Quân để nghe ông kể về chuyện “trồng rau trên sóng”. Vẫn chất giọng “phàm sóng gió”, ông Nam mở đầu câu chuyện: “Ngày đó đời sống của CBCS DK1 rất khó khăn. Việc trồng rau xanh vô cùng gian khổ chứ không như bây giờ. Nhưng phải nói rằng, ở giữa đại dương trồng được rau xanh ăn hằng ngày là như một kỳ tích”.
Nhà giàn DK1 thành lập vào tháng 7-1989, thời điểm đó ông Nam đeo quân hàm thượng úy và được giao nhiệm vụ cầm quân đưa 9 CBCS vượt sóng gió bằng tàu hải quân ra chốt giữ nhà giàn Phúc Tần 3. Đây là nhà giàn thế hệ đầu tiên do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, được thiết kế “nửa nổi nửa chìm”. Phần thượng tầng (các phòng ngủ và nơi sinh hoạt) chỉ cách mặt biển 7m.
Giữa đại dương mênh mông, nắng cháy da, gió rát mặt suốt đêm ngày, nhiệm vụ của CBCS là trực canh quan sát phát hiện mục tiêu tàu lạ của nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển của ta, đồng thời “thiết lập cuộc sống tự sinh trên sóng”. Đời sống của CBCS lúc đó rất khó khăn. Lương thực từ đất liền đem ra chủ yếu là gạo, muối, lương khô và thịt hộp. Bộ đội lâu ngày không có rau xanh ăn. Ông Nam nghĩ: Làm thế nào để trồng được rau xanh? Một bài toán khó cho các chiến sĩ nhà giàn thuở ấy.
Nhà giàn DK1 sừng sững kiên trung trên biển |
Sau những đêm nghiên cứu từ kinh nghiệm trồng rau ở các đảo chìm Trường Sa, ông Nam quyết định “đánh điện về đất liền” xin đất chuyển ra nhà giàn. Hơn 2 tháng sau, theo tàu thay trực, những bao đất đỏ bazan được chuyển lên giàn. Các CBCS tận dụng tất cả những gì có thể như vỏ thùng lương khô, chậu hỏng, thanh gỗ ghép thành máng để trồng rau.
Ngày ấy các nhà giàn DK1 chỉ có “một thân” chứ không hiện đại “hai thân” như bây giờ. Cả nhà giàn chỉ có 40 khối nước ngọt dự trữ cho cả ăn, uống, tắm, giặt trong 6 tháng mùa khô. Với ngần ấy nước bảo đảm cho 10 CBCS sinh hoạt, chỉ nấu ăn và rửa mặt cũng chưa đủ nói gì đến tắm giặt. Bởi thế, để có nước tưới rau, chỉ huy nhà giàn ra quy định: “1 người tuần 10 lít nước, tắm 2 lần”, “phát ra 5 lít, thu về 3 lít”. Giao cho trực ban trong tuần cứ 18 giờ thứ Tư và Chủ nhật, có nhiệm vụ phát cho bộ đội 5 lít nước (tương đương 1 chậu rửa mặt, hoặc lưng xô nhỏ) - phần tắm của mỗi người.
Để có nước tưới rau, các chiến sĩ “sáng tác” cách tắm kiểu “em bé”. Tức là ngồi vào chậu lớn, dội nước lên đầu, ướt người rồi kỳ cọ cho ghét bở ra. Các chiến sĩ không được dùng dầu gội đầu, hoặc xà bông, vì nếu dùng, dầu và xà bông sẽ nhiễm vào nước không tưới rau được. Do vậy tóc người nào cũng cứng, xơ như “rễ tre”. Những “phần nước đặc biệt” sau khi tắm xong được dồn lại một thùng lớn để tưới rau.
Như phép nhiệm màu kỳ lạ, được “tắm mát” từ những giọt nước hiếm hoi, hạt mồng tơi, hạt cải, hạt muống lần lượt nảy mầm chui lên từ lòng đất. “Sáng sớm thấy hạt rau cải, rau muống nảy mầm, chúng tôi mừng rơi nước mắt. Không nghĩ giữa đại dương lại trồng được rau xanh. Vậy là bài toán “trồng rau trên sóng” được tháo gỡ. Ngày đó chưa có điện thoại thông minh để chụp làm kỷ niệm”, ông Nam nhớ lại.
Việc cựu binh Nguyễn Văn Nam “khai phá” ra trồng rau trong các máng gỗ trên nhà giàn Phúc Tần 3 được phổ biến rộng rãi để các nhà giàn khác học tập. Cũng từ đó, phong trào “trồng rau trên sóng” được lan tỏa nhân rộng khắp 20 nhà giàn. Mỗi lần tàu thay trực, ngoài chở lương thực, hàng quân nhu, tàu còn “cõng” hàng chục khối đất chia cho các nhà giàn trồng rau.
Màu xanh nhà giàn
Tháng 3 mùa biển lặng, trong hải trình ra thăm CBCS các nhà giàn DK1, nhìn “vườn rau di động” của nhà giàn DK1/19 chúng tôi “vỡ òa” xúc động nhớ lại câu chuyện cựu binh Nguyễn Văn Nam kể “trồng rau trên sóng” 34 năm trước. Bộ đội bây giờ không còn “tắm kiểu em bé” nữa vì mỗi nhà giàn có hàng trăm khối nước dự trữ, rau được tưới bằng nước mưa trời.
Ủ giá đỗ, nâng cao bữa ăn bộ đội nhà giàn |
Xúc động trước những mầm xanh mọc lên từ sóng biển, Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân đã sáng tác bài hát “Màu xanh nhà giàn”. Những câu từ xốn xang, xúc động, mỗi lần cất lên muốn trào nước mắt: “Ngôi nhà lính đó nằm giữa trời và nước, dù ngàn khơi xa vẫn thắm một màu xanh/ Màu của quê hương thương nhớ bạt ngàn sâu/ Dãi nắng dầm mưa những người lính tuyến đầu/ Những ngôi nhà trên biển, người chiến sĩ ươm mầm tươi tốt/ Những ngôi nhà trên biển/ Xanh một màu xanh yêu thương”.
Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết, hiện tại 15/15 nhà giàn có rau xanh ăn hằng ngày. Để cải thiện bữa ăn, CBCS còn ủ giá, trồng rau cải mầm siêu sạch, câu cá. Cuộc sống của CBCS nhà giàn đã thực sự đổi mới, giúp họ thêm vững vàng tay súng giữ vững chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Nhà giàn DK1 - cái tên vừa thân thương, vừa thiêng liêng trong lòng người Việt. Bởi đây chính là những “pháo đài thép” trấn giữ Tổ quốc phía đường biên ngoài đại dương. 35 thành lập, xây dựng và trưởng thành, từ một “chòi canh” thô sơ, nhỏ nhoi mang tên Phúc Tần 3 đã trở thành những “pháo đài thép kiên cố”. Trên những “pháo đài thép” ấy, những mầm xanh mọc lên từ những giọt nước hiếm đã thành những vườn rau xanh mướt vươn dài giữa nắng gió đại dương. Để mỗi ngày khi bình minh thức giấc, nghe tiếng gà báo thức, nhìn những giàn rau xanh, bao gian khổ, nhọc nhằn, hiểm nguy của CBCS nhà giàn hóa thành thơ, nhẹ nhàng, êm đềm như sóng biển tháng 3.
Việc cựu binh Nguyễn Văn Nam “khai phá” ra trồng rau trong các máng gỗ trên nhà giàn Phúc Tần 3 được phổ biến rộng rãi để các nhà giàn khác học tập. Cũng từ đó, phong trào “trồng rau trên sóng” được lan tỏa nhân rộng khắp 20 nhà giàn. |
Mai Thắng