Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines gửi thông điệp thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông
Mục tiêu hợp tác an ninh biển giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines là đảm bảo hòa bình, ổn định tại Biển Đông cũng như đề cao thượng tôn luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines họp tại Hawaii ngày 2/5, trao đổi nhiều vấn đề trong đó có an ninh tại Biển Đông. (Nguồn: AP) |
Tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định
Ngày 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines đã gặp nhau tại Hawaii, cam kết tăng cường hợp tác trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là cuộc họp thứ 2 của bốn bộ trưởng quốc phòng sau cuộc họp lần đầu tiên diễn ra tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La.
Theo hãng tin Kyodo, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp lần này, bốn nước đã chia sẻ hiểu biết và tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa 4 quốc gia, bao gồm các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông, nhằm tăng cường hòa bình và ổn định toàn cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: “Chúng ta tập trung ở đây vì chia sẻ chung tầm nhìn về hòa bình, ổn định và răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara nhấn mạnh, việc bốn nước hợp tác với các quốc gia khác có cùng quan điểm là “vấn đề cấp bách”.
Tuy không đề cập đến Trung Quốc, song Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho rằng trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ đang “chịu áp lực mạnh mẽ” và cuộc họp mới nhất đã gửi “thông điệp rất quan trọng tới khu vực và thế giới”, rằng “bốn nền dân chủ cam kết tuân thủ các trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho rằng, việc tăng cường mối quan hệ bốn bên không chỉ nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines, mà còn duy trì “các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó hướng dẫn trật tự toàn cầu theo đúng cách mà các quốc gia nên chung sống với nhau”.
Trước đó, vào tháng 4, bốn nước đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung chính thức đầu tiên ở Biển Đông. Theo hãng tin AP, Mỹ khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu xây dựng “mạng lưới” các liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngay cả khi Mỹ đang vật lộn với nhiều cuộc khủng hoảng khác.
Không thách thức hành động của quốc gia khác
Theo South China Morning Post (SCMP), chiều 2/5, quân đội Mỹ và Philippines đã bắn hàng chục quả tên lửa về phía Biển Đông trong khuôn khổ cuộc tập trận chung thường niên Balikatan - bắt đầu từ ngày 22/4 đến ngày 8/5, với sự tham gia của hơn 16.000 lính Mỹ và 5.000 lính Philippines, cùng lực lượng vũ trang của Australia và Pháp.
Các quan chức quân sự khẳng định hành động này không nhằm mục đích khiêu khích bất kỳ quốc gia nào trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh.
Trong phần diễn tập bắn đạn thật, các tên lửa được phóng tại một địa điểm gần ngôi làng ven biển Campong Ulay thuộc đảo Palawan nhìn ra Biển Đông. Chúng được phóng đi từ 2 Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa tới 80 km.
Chuẩn tướng quân đội Philippines Romulo Quemade II đã lên tiếng bảo vệ việc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần khu vực Biển Đông. Tướng quân đội Philippines nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi mô phỏng một mối đe dọa từ ngoài khơi tới bờ biển của chúng tôi, vì vậy chúng tôi sử dụng khả năng đa phạm vi để bảo vệ chủ quyền của mình. Đây là một khoảng cách khá xa và chúng tôi chỉ bắn trong phạm vi vùng biển và lãnh thổ của mình”.
Mỹ, Nhật Bản, Philippines sẽ tuần tra chung bất chấp căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila ở Biển Đông |
Cuộc tập trận thường niên Balikatan lần thứ 39 được tiến hành theo Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Mỹ ký kết năm 1951. Lầu Năm Góc cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Manila nếu nước này viện dẫn Hiệp ước trong bối cảnh có mối đe dọa từ quốc gia khác.
Mặc dù thừa nhận một số cuộc tập trận được tiến hành ở các khu vực tranh chấp, Thượng nghị sĩ Jinggoy Estrada, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Philippines khẳng định chúng không nhằm thách thức hành động của các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.
Ông Estrada cho biết: “những cuộc tập trận này không được thiết kế cho các hoạt động chiến đấu chống lại các quốc gia khác". Đồng thời, Manila sẽ tiếp tục các hoạt động hợp pháp trong phạm vi quyền tài phán của mình, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cam kết sắt đá của Washington
Những vụ đối đầu lặp đi lặp lại trên biển đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn ở Biển Đông có thể đẩy Trung Quốc và Mỹ rơi vào tình thế xung đột. Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng nước này có nghĩa vụ phải bảo vệ Philippines - đồng minh hiệp ước lâu đời nhất ở châu Á - nếu các lực lượng của Philippines, tàu hoặc máy bay bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trang mạng Asia Times nhận định động thái này vẫn chưa mang lại khả năng răn đe hợp lý trước chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.
Vừa qua, Tổng thống Biden đã công khai chỉ trích “các hành động nguy hiểm” của Trung Quốc và nhắc lại cam kết “sắt đá” với Philippines hồi tháng 10 năm ngoái.
Tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên với Tổng thống Marcos Jr và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Biden đã công khai cảnh báo Trung Quốc rằng sẽ phản ứng quyết đoán nếu tranh chấp trên biển leo thang thành đối đầu vũ trang.
Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố: “Các cam kết quốc phòng của Mỹ với Nhật Bản và Philippines là sắt đá, thật sự là sắt đá. Như tôi đã nói trước đây, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông sẽ viện dẫn tới Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước”.
Theo Vy Anh (Báo Quốc tế)