Mỹ cảnh báo mối đe dọa năng lượng hạt nhân của Trung Quốc
(PetroTimes) - Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ John Aquilino cho biết Bắc Kinh đang xây dựng các lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các cơ sở quân sự.
Các công trình trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông. Ảnh Ezra Acayan/Getty |
Washington Post hôm thứ Năm đưa tin Mỹ coi kế hoạch triển khai các lò phản ứng hạt nhân nổi của Trung Quốc cung cấp năng lượng cho các cơ sở quân sự của nước này là mối đe dọa đối với an ninh khu vực.
Sau hơn một thập kỷ nghiên cứu và phát triển, Trung Quốc được cho là đang tiến gần hơn đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên. Bắc Kinh tuyên bố cơ sở này có thể cung cấp điện và nhiệt cho các khu vực xa xôi, hải đảo và các dàn khoan dầu khí ngoài khơi.
Các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng các lò phản ứng nổi để cung cấp năng lượng cho các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Biển Đông, và cho rằng động thái này sẽ “gây bất ổn” cho toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ Post dẫn lời Đô đốc John Aquilino, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết: “Mục đích sử dụng các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc có tác động tiềm ẩn đến tất cả các quốc gia trong khu vực”.
Trong khi các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc vẫn còn vài năm nữa mới triển khai được dự án, thì mối lo ngại của Mỹ được mô tả là rất lớn. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Post, Bắc Kinh càng tiến gần đến việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân nổi thì “họ càng sớm sử dụng chúng cho các mục đích trái với an ninh quốc gia”.
Ông Aquilino lưu ý các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải lâu dài và gây tranh cãi ở các khu vực trên Biển Đông.
Quan chức này nói thêm: “Cũng có những vấn đề quan trọng xung quanh việc thực hiện các khuôn khổ an toàn và an ninh hạt nhân hiện có vẫn cần được giải quyết”.
Trung Quốc bắt đầu phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi vào năm 2010. Năm 2016, tờ Global Times đưa tin, “mỗi đảo và rạn san hô ở Biển Đông, kết hợp với một bệ nổi chạy bằng năng lượng hạt nhân, về cơ bản là một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa” có khả năng vượt trội hơn lợi thế quân sự của hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Tuy nhiên, năm ngoái, Bắc Kinh đã dừng kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân nổi vì lo ngại dự án có thể trở thành mục tiêu của Mỹ bên cạnh cuộc tấn công Nord Stream, theo South China Morning Post.
Các đường ống Nord Stream, chạy dưới Biển Baltic và vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến EU, đã bị vỡ do vụ nổ dưới biển vào tháng 9/2022, khiến chúng ngừng hoạt động.
Cho đến nay, Nga vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov, đi vào hoạt động từ tháng 12/2019.
Nhà máy có hai lò phản ứng KLT-40S trên tàu có khả năng sản xuất tới 70 megawatt điện và 50 gigacalo/giờ năng lượng nhiệt. Con tàu dài 140 mét, được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao, có tuổi thọ hoạt động là 40 năm.
Nh.Thạch