Tàu Philippines bị phun vòi rồng ở Biển Đông: Manila gửi công hàm thứ 20, Washington nhắc lại lập trường "cứng"
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng gia tăng khi Bắc Kinh quyết liệt hơn trong một số vụ va chạm trên biển.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines ở khu vực gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. (Ảnh: Lực lượng tuần duyên Philippines) |
Câu hỏi về mức độ chân thành giảm nhiệt căng thẳng
Ngày 30/4, Manila cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã phun vòi rồng vào 2 tàu của lực lượng tuần duyên Philippines, ngăn chặn họ tiếp cận bãi cạn Scarborough, nơi hai nước đang tranh chấp ở Biển Đông.
Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định đã “đẩy lùi” các tàu Philippines xâm nhập vào hải phận của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Manila chấm dứt hành động “khiêu khích”.
Vụ va chạm xảy ra khi 2 chiếc tàu Philippines, một của lực lượng tuần duyên và một của Tổng cục Nghề cá và Nguồn lợi thủy sản (BFAR), trên đường tiến vào bãi cạn Scarborough để tiếp tế nhiên liệu và lương thực cho các ngư dân đang hoạt động trong khu vực.
Tuyên bố của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết: “Trong quá trình tuần tra, các tàu Philippines đã gặp phải những hành động nguy hiểm và sự cản trở từ 4 tàu hải cảnh và 6 tàu dân quân hàng hải của Trung Quốc”.
Theo lực lượng này, tàu hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng nhắm vào các tàu của Philippines. Tuy nhiên, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines khẳng định: “Bất chấp những hành vi quấy rối và khiêu khích của hải cảnh Trung Quốc, cả hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và BFAR của Philippines vẫn không lùi bước và tiếp tục thực hiện cuộc tuần tra trên biển”.
Philippines cho rằng hành động của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về mức độ chân thành của nước này trong nỗ lực giảm căng thẳng trên biển.
Về phần mình, Trung Quốc cũng ra thông cáo xác nhận đã “đẩy lui” các tàu của Philippines xâm nhập vùng biển của họ. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm kêu gọi Manila không nên thách thức Trung Quốc. Vụ việc lần này xảy ra sau khi Philippines và Mỹ tổ chức một cuộc tập trận chung thường niên khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines
Chính quyền Philippines ngày 2/5 đã triệu quan chức số hai của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Chu Chí Dũng để phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng làm hư hại 2 tàu Philippines tuần tra ở khu vực Bãi cạn Scarborough.
Bộ Ngoại giao Philippines đã yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi Bãi cạn Scarborough và khu vực lân cận ở Biển Đông, đồng thời cho biết thủy lực của vòi rồng được sử dụng trong vụ việc ngày 30/4 mạnh hơn nhiều so với thủy lực được sử dụng trong tất cả các cuộc đụng độ trước đó, làm thủng hoặc uốn cong các bộ phận kim loại và thiết bị trên tàu Philippines.
Đây là công hàm phản đối thứ 20 được chính quyền Philippines gửi tới Trung Quốc trong năm nay và là công hàm thứ 153 kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền hồi giữa năm 2022. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng, thể hiện qua sự gia tăng các vụ va chạm.
Ngay sau đó, phía Mỹ cũng đã lên tiếng về vụ việc. Cụ thể, trong cuộc họp báo ngày 3/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với tất cả các bên, bao gồm Bắc Kinh, rằng loại hành vi mà chúng tôi đã thấy, khiến các thủy thủ đoàn Philippines gặp nguy hiểm… các thủy thủ bị thương và tài sản bị hư hại, đó là hành vi vô trách nhiệm".
Ông Austin nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines như đã nêu trong Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 và các hành động của Trung Quốc thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế.
Scarborough là một bãi cạn nằm cách đảo Luzon của Philippines 230km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000km. Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough sau một cuộc đối đầu căng thẳng trên biển với Philippines vào năm 2012.
Từ đó đến nay, Trung Quốc thường xuyên ngăn cản ngư dân Philippines tới gần ngư trường dồi dào trên để đánh bắt, thậm chí sử dụng cả vòi rồng để xua đuổi.
Bãi cạn Scarborough là một phần trong vụ kiện do Philippines khởi xướng tại Tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay (Hà Lan) chống lại yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong phán quyết hồi tháng 7/2016, Tòa trọng tài đã chính thức bác bỏ yêu sách này, song Bắc Kinh đến nay vẫn phủ nhận và không tuân thủ bất kỳ kết luận nào của Tòa.