Vụ "chặt chém" du khách 3 quả dứa 500 nghìn: Con sâu làm rầu nồi canh
Vụ “chặt chém” du khách 3 quả dứa 500 nghìn đồng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khiến dư luận trong nước bức xúc vì làm ảnh hưởng đến uy tín của du lịch Việt Nam.
Ngày 27/4, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra vụ việc một người bán hàng rong đã bán cho du khách nước ngoài 3 quả dứa với giá 500 nghìn đồng. Vì thấy giá cao, hai du khách đã to tiếng và hết sức tức giận với người bán hàng.
Vụ việc sau khi lan truyền trên mạng xã hội, ngay lập tức, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cơ quan công an và UBND phường Hàng Đào xác minh, làm rõ, đồng thời tiến hành xử phạt người bán hàng rong theo quy định.
Đây không chỉ là vụ việc mới, tại Hà Nội đã xảy ra không ít vụ việc tương tự, gây bất bình trong dư luận. Như, ngày 15/3, mạng xã hội lan truyền clip về việc du khách người nước ngoài mua táo tại một gánh hàng rong trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội) suýt bị "chặt chém" 200.000 đồng cho một túi táo nhỏ.
Tiếp đó, ngày 24/3, người phụ nữ bán hàng rong tại khu vực hồ Gươm cũng đòi du khách 50.000 đồng/túi bánh rán gồm 4 chiếc. Công an phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng vào cuộc, xử phạt 150.000 đồng về hành vi bán hàng rong, yêu cầu cam kết không bán hàng rong trái quy định.
Hình ảnh du khách bức xúc vì mua 3 quả dứa 500 nghìn đồng |
Ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc Marketing Công ty TST Touris cho rằng, vụ việc chặt chém du khách là hành vi phản cảm trong bối cảnh cơ quan chức năng đang nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến thân thiện, hiếu khách.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, không riêng gì vụ 3 quả dứa bán 500 nghìn đồng, mà gần đây có khá nhiều clip ghi lại hình ảnh khách du lịch quốc tế vì rào cản ngôn ngữ nên khi gặp những người bán hàng rong chèn ép, bắt mua trái cây và lấy luôn tờ tiền mệnh giá cao. "Có trường hợp có người phát hiện hỗ trợ, còn riêng trường hợp 3 quả dứa 500 nghìn đồng có lẽ là du khách đã từng nhiều lần đến Việt Nam mới phản ứng dữ dội với cách bán buôn chụp giật của người kinh doanh tại điểm du lịch như vậy"- ông Mẫn nói.
Tư duy ăn xổi, chụp giật của người bán hàng rong, người kinh doanh dịch vụ đã vô tình khiến những nỗ lực quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện của cơ quan chức năng mất đi ý nghĩa. Không ít ý kiến trên các trang mạng xã hội cho rằng, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng bởi hành xử của một bộ phận nhỏ nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chỉ nghĩ đến việc tư lợi vì lòng tham.
Là một người tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Minh Mẫn bày tỏ, tiếng lành đồn một, tiếng xấu đồn mười, ngay người Việt Nam cũng không thể chấp nhận được. Đây là một trong những nguyên nhân xoá sạch hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong mắt du khách quốc tế. Thậm chí, khiến cho du khách một đi không trở lại và dù du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn song vẫn cứ mãi loay hoay, khó “cất cánh” cũng như cạnh tranh được ở trong khu vực.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã quyết liệt vào cuộc, tiến hành xử phạt các vụ vi phạm nâng giá dịch vụ, sản phẩm đối với du khách, song vẫn còn “bắt cóc bỏ đĩa” vì chưa có mức chế tài hay mức xử phạt hành chính nào mạnh mẽ để đủ sức răn đe.
“Để ngăn tình trạng "chặt chém" du khách rất khó do nó có thể diễn ra bất kỳ ở đâu, vì vậy, giải pháp chính là ý thức của người kinh doanh và xử phạt hành chính thật mạnh. Đồng thời, các điểm đến cần có các quy chế cụ thể đối với người tham gia cung cấp dịch vụ, sản phẩm để không nên vì một "con sâu" mà mất đi "nồi canh”- ông Mẫn nói.
Thực tế, không chỉ du khách quốc tế bị “chặt chém”, mà khách du lịch trong nước cũng khó tránh khỏi tình trạng bị “móc ví” từ các hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là vào dịp lễ Tết.
Hết sức trăn trở với ngành du lịch nước nhà trước vấn nạn này, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện du lịch châu Á cho rằng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch Việt Nam. Nguyên nhân chính của tình trạng tăng giá vào các ngày lễ là do thiếu thông tin và quản lý từ các cơ quan và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp du lịch cũng góp phần làm tăng giá dịch vụ.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường sự quản lý của cơ quan chức năng để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng tăng giá không đáng có. Thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch giữ nguyên giá cả hàng năm.
Đồng thời, tăng cường thông tin, giáo dục cộng đồng và các đơn vị làm du lịch về lợi ích của việc phát triển bền vững và bình ổn giá trong du lịch. Có cơ chế giám sát, chế tài nghiêm trong việc không tuân thủ niêm yết giá, đội giá, “chặt chém”...
“Những giải pháp này, nếu được thực hiện đồng đều và chặt chẽ, sẽ giúp du lịch Việt Nam phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp trong ngành du lịch”- ông Quỳnh nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương
Xử phạt đối tượng bán hơn 1 kg măng cụt với giá 1 triệu đồng Chiều 12/5 tin từ Công an phường Hương Long, thành phố Huế, đơn vị này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Én (SN 1967, trú tại 14 Lê Quang Quyền, phường Hương Long) về hành vi “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản”. |