Rủi ro tiềm ẩn từ đồ ăn vặt bán trước cổng trường
(PetroTimes) - Đặc điểm chung của thực phẩm bán trước cổng trường là không có tem, nhãn mác, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bày ngoài đường, nơi có nhiều phương tiện qua lại, khói bụi, nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc bao vây cổng trường
Hơn 6h30 sáng, học sinh bắt đầu đến trường cũng là lúc những người bán hàng rong chờ sẵn trước cổng trường. Đủ loại món ăn, từ mì ý, cơm chiên, sushi, kimbap, súp, bánh,…cùng nhiều loại thức uống được bày bán trước cổng trường với giá hơn 10.000 đồng.
Trên đường Hiệp Bình (TP Thủ Đức), hai trường Tiểu học và THPT nằm đối diện nhau, đây cũng là nơi tập trung nhiều người bán hàng rong. Theo quan sát, thực phẩm được người bán chế biến sẵn đựng trong hộp xốp, hộp nhựa đặt trong thùng xốp để cố định trên xe máy, hoặc để trên chiếc ghế, chiếc bàn. Điểm chung của những món ăn này là không có tem, nhãn mác hay hạn sử dụng. Các “quầy hàng” này thường thu hút rất đông học sinh đến mua, món kimbap, sushi là món được nhiều học sinh ưa chuộng nhất.
Sushi, kimbap là món ăn được nhiều học sinh ưa chuộng. Ảnh: Phương Ngân. |
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở địa bàn TP Thủ Đức mà còn diễn ra ở đa số các trường học trên địa bàn TP HCM. Tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), những chiếc bánh ngọt không có nguồn gốc, xuất xứ được đặt trên chiếc bàn nhựa, còn học sinh thì thoải mái đến mua, thậm chí nhiều phụ huynh trước khi cho con vào lớp cũng “tiện” ghé trước cổng trường mua cho con chiếc bánh.
Sở An toàn thực phẩm TP HCM cho biết, từ năm 2023 đến nay trên địa bàn TP HCM xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một vụ xảy ra tại một trường Tiểu học trên địa bàn quận 7 đang được điều tra, một vụ khác xảy ra trong một trường THCS trên địa bàn quận Bình Thạnh khiến 38 người bị ngộ độc, trong đó có 6 người phải nhập viện. Nguyên nhân được xác định là do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn cho phép được quy định tại Quyết định số 46/2007/TT-BYT ngày 19/12/2007 và QCVN 8-3:2012/BYT của Bộ Y tế.
Các quầy bán đồ ăn, thức uống trước cổng Trường THCS Hiệp Bình (TP Thủ Đức) thu hút rất đông học sinh đến mua. Ảnh: Phương Ngân. |
Ngộ độc thực phẩm nơi trường học là một vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng, đặc biệt là khi việc bán hàng rong trước cổng trường chưa được xử lý triệt để.
Anh Nguyễn Minh Toàn (ngụ TP Thủ Đức) cho biết, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học khiến anh cảm thấy lo lắng, do đó anh không cho con ăn các thực phẩm bán trước cổng trường, nhất là các thực phẩm không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mỗi buổi sáng trước khi đưa con đến trường anh Toàn sẽ cho con ăn sáng tại nhà để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm.
“Tôi luôn cho con ăn sáng tại nhà và luôn đón con đúng giờ tan học, tránh để con chờ đợi rồi bị thu hút bởi những món ăn bán trước cổng trường”, anh Toàn chia sẻ.
Bánh ngọt được bán trước cổng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh). Ảnh: Phương Ngân |
Cũng như anh Toàn, chị Lê Mỹ Trang (ngụ huyện Bình Chánh) luôn lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường, nên chị không cho con tiền tiêu vặt và thường đưa con đến những nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để ăn uống.
“Tôi không cho con ăn đồ ăn trước cổng trường, khi nào con muốn ăn tôi sẽ đưa con đến những điểm bán đảm bảo vệ sinh, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng”, chị Trang nói.
Thường xuyên kiểm tra
Theo Sở An toàn thực phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm khu vực trường học là vấn đề được Sở quan tâm hàng đầu. Để kiểm soát thực phẩm trường học, Sở An toàn thực phẩm đã triển khai một số kế hoạch về việc Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2024; Công văn số 779/SATTP- QLTC&GSNĐTP ngày 12/4/2024 về việc bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2024 trên địa bàn thành phố, trong đó đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm trong ngoài và trường học.
Sở An toàn thực phẩm cũng cho biết, hàng năm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (nay là Sở An toàn thực phẩm) đều có xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học.
Trong khi nhiều phụ huynh lo lắng không cho con ăn đồ ăn trước cổng trường thì còn không ít phụ huynh vẫn vô tư chở con đến mua trước khi cho con vào lớp học. Ảnh: Phương Ngân. |
Tuy nhiên, các đối tượng kinh doanh thực phẩm trước cổng trường đa số là các cá nhân buôn bán hàng rong, không có địa điểm cụ thể, phương tiện bảo quản thực phẩm không nhiều. Có những người bán sushi, nấu cơm ngày hôm trước tới sáng hôm sau mới cuộn làm rồi đem bán cho học sinh, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn.
Về vấn đề này, Sở An toàn thực phẩm cũng đã chỉ đạo UBND quận huyện và TP Thủ Đức tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không được buôn bán bất hợp pháp ở xung quanh trường học và chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý tình trạng kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, các cơ sở, cá nhân kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống tự phát xung quanh trường học.
"Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, Sở An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học trên địa bàn thành phố từ ngày 15/4/2024 đến ngày 15/5/2024", đại diện Sở An toàn thực phẩm cho biết.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 có chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn. |
Thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước |
Bài 1: Nhan nhản lẩu nướng buffet giá “sinh viên” |
Phương Ngân