Đề xuất giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp với căn hộ nhà ở xã hội để bán, thuê mua
(PetroTimes) - Tại tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) cho rằng, thế hệ gen Z đang lựa chọn thuê thay vì mua nhà ở nên kiến nghị bổ sung giảm 50% thuế VAT, giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho căn hộ để bán, thuê mua; nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội? |
Đề xuất 9 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội |
Theo ông Châu, kết quả thực hiện phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 rất thấp, riêng TP HCM mới được 15.000 căn. Như vậy, mỗi năm thành phố làm được 3.000 căn, trong khi nhu cầu TP HCM khoảng trên dưới 100.000 căn.
Chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, phải có hơn 450.000 căn nhà ở xã hội, tuy nhiên hiện mới chỉ được hơn 40.000 căn nên phải chạy đua.
Tại TP HCM, năm 2022-2023, khởi công 8 dự án nhưng sau đó không triển khai được vì vướng pháp lý. Đây là vướng chung, bởi 70% các dự án bất động sản thương mại là vướng pháp lý, còn 100% dự án xã hội vướng pháp lý trừ trường hợp nhà nước đấu thầu chọn chủ đầu tư.
Ảnh minh họa |
Ông Châu khẳng định, từ Nghị quyết 18 của Trung ương, cho đến Luật Nhà ở 2023 là những pháp lý tốt nhất trong hơn 30 năm qua. Các cơ chế, chính sách nhà ở xã hội có tính khả thi, sát với thực tế hơn.
Tuy nhiên, hiện quy định thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng cần thoáng hơn. Ông Châu dẫn chứng: “Ví dụ cán bộ lực lượng vũ trang có hệ số lương cao hơn, công nhân hầm lò có phụ cấp nên thu nhập này cao hơn. Nếu cao như vậy mà quy định cứng sẽ gây khó cho người mua. Rõ ràng, vướng mắc không ở luật mà ở văn bản dưới luật”.
Ông Châu cũng cho rằng, vướng mắc nhất ở chấp thuận chủ trương đầu tư. Đa số doanh nghiệp mua đất làm nhà ở xã hội. Về cơ chế được ưu đãi tăng 50% mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này dẫn tới tăng quy mô dân số, không phù hợp quy hoạch phân khu. Theo đó, không được cấp chủ trương đầu tư.
Liên quan đến nguồn vốn cho nhà ở xã hội, Chủ tịch HOREA cho rằng, đây là vấn đề then chốt. Do đó, Bộ Xây dựng cần kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước trung hạn 2021-2225 và 2026-2030 có nguồn vốn tái cấp vốn, bù lãi suất, để người mua vay với lãi suất 4,8% thời hạn vay 25 năm. Chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8 - 5% trong thời hạn 5 năm.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Châu cho rằng, bản chất gói vay này cho vay thương mại, lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất vay thông thường. Gói này rất có lợi người mua cải tạo chung cư nhưng với người mua nhà ở xã hội mà 6 tháng điều chỉnh một lần nên bà con không yên tâm. Trong khi chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm và điều chỉnh 6 tháng 1 lần. Từ đó, ông Châu đề nghị đối tượng người mua thương mại từ 3 tỷ đồng trở xuống được tiếp cận. Đồng thời, cho chủ nhà trọ được tiếp cận gói 125.000 tỷ đồng này để xây nhà, sửa nhà.
Ngoài ra, hiện nay, nhà ở xã hội đi vay không được thế chấp dự án mà phải thế chấp dự án khác nên đây là bất cập cần xử lý. Theo đó, ông Châu đề nghị cho phép thế chấp chính dự án nhà ở xã hội này.
Bên cạnh đó, ông Châu kiến nghị tăng thêm ưu đãi với chủ đầu tư dự án. “Hiện, quy định lợi nhuận 10% trong khi có nhiều chi phí không tên. Mức lợi nhuận này chủ đầu tư hòa vốn là tốt rồi. Chủ đầu tư làm vì cái tâm. Làm sao nâng lên lợi nhuận 15%”, ông Châu nói.
Ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị bổ sung giảm 50% thuế VAT, giảm 70% TNDN với căn hộ để bán, thuê mua; với căn hộ cho thuê mới, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng. Hiện, thế hệ gen Z đang lựa chọn thuê thay vì mua nhà ở.
Huy Tùng (t/h)