Vì sao ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng?
(PetroTimes) - Chuyên gia cảnh báo người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận lưu ý về tình hình sương mù và ô nhiễm không khí sẽ gia tăng trong những ngày tới ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hà Nội ô nhiễm không khí, người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe? |
Không khí Hà Nội ở mức có hại cho sức khỏe |
Chiều ngày 8/3, thông tin trên hệ thống theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực IQAir cho thấy Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí với chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình 190 - mức không lành mạnh. Một số điểm ở Hà Nội còn ghi nhận chỉ số AQI ở mức rất không tốt cho sức khỏe (AQI>trên 200) là phố Quảng Khánh (243) và phố Tô Ngọc Vân (225). Cả hai điểm này đều thuộc quận Tây Hồ.
Hà Nội chìm trong bụi mịn, ô nhiễm không khí ở mức cao. |
Nồng độ PM2.5 (nồng độ bụi mịn trong không khí) tại Hà Nội hiện là 131.7 µm/m3, cao gấp 26.2 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. TP HCM xếp hạng 81 trong danh sách với chỉ số AQI là 45, tức chất lượng không khí đạt mức tốt.
Theo chuyên gia, miền Bắc và Hà Nội đang trong mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 - tháng 3 hằng năm. Các nguồn khí thải do xe cộ, nhà máy, các cơ sở sản xuất tại thủ đô vẫn không giảm và chưa có biện pháp hạn chế, kiểm soát nên ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội giảm khi có mưa, bão, gió mạnh. Ngoài ra, nếu gió mùa đông bắc tràn về cũng sẽ thổi bụi đi. Mặc dù vậy, hôm qua (8/3) ở thủ đô có gió đông bắc cấp 2 - cấp 3 nhưng vẫn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước đó, trong 3 ngày, từ 4 - 6/3, Hà Nội có chỉ số ô nhiễm không khí AQI trên 200 đơn vị, mức rất xấu. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thủ đô đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí của thành phố.
Cùng đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng không khí của Hà Nội.
Trong những ngày tới, người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận lưu ý về tình hình sương mù và ô nhiễm không khí sẽ gia tăng. Nguyên nhân là do điều kiện khí tượng không thuận lợi cho việc khuếch tán không khí theo cả trục đứng và cả phương ngang. Do ít có sự chênh lệch nhiệt độ và áp suất giữa tầng mặt đất và tầng trên cao nên không có sự chuyển động không khí theo trục đứng dẫn đến bụi mịn bị tích tụ ở tầng mặt đất, không khuếch tán được. Càng về sáng, khi nền nhiệt bề mặt đất lạnh nhất trong ngày là lúc ô nhiễm nhất.
Đến ngày 11/3 sẽ có không khí lạnh tăng cường ở tầng cao tạo chênh lệch nhiệt độ, khi đó bụi mịn mới khuếch tán được.
Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201 - 300), người dân nên tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài, khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà, tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Nếu phải tham gia giao thông, nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
L.Tường (t/h)