EVN nỗ lực triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2024
(PetroTimes) - Theo tính toán từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), dự kiến mức tăng trưởng phụ tải đỉnh năm 2024 so với năm 2023 là từ 8% đến 12%. Tăng trưởng phụ tải miền Bắc dự báo lên đến 15%, cao nhất cả nước, trong khi các nguồn điện không được bổ sung nhiều đang tạo ra thách thức lớn.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) dự tính, năm 2024, phụ tải nhu cầu tiêu thụ điện có thể đạt khoảng 17.200-18.000MW, tương ứng với tăng trưởng 8,7-13,7% so với năm 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc không có nguồn điện lớn nào được bổ sung, ngoài 152,8MW thủy điện nhỏ được hoàn thiện trong quý I và II tới. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh, giai đoạn 2024-2025, công tác cấp điện cho miền Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn điện được bổ sung nội miền không đáng kể. Trong khi đó, phụ tải miền Bắc được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
EVN đang nỗ lực triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong cao điểm mùa khô 2024 |
Trên phạm vi toàn quốc, tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, nhu cầu sử dụng điện bình quân tăng 9% mỗi năm, tương ứng tăng 4.000-4.500MW. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ đạt khoảng 1.950MW, nhưng chỉ tập trung ở khu vực miền Nam và miền Trung. Như vậy, khó tránh khỏi thiếu điện trong mùa khô sắp tới tại miền Bắc.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện năm 2024, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 kịch bản cụ thể. Với kịch bản 1, nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tần suất nước về 65%), hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm của các ngày nắng nóng.
Với kịch bản 2, khi lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023, việc bảo đảm cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (từ 420-1.770MW) trong một số giờ cao điểm tháng 6, tháng 7.
EVN tăng tốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm
Thời gian gần đây, EVN đã chỉ đạo các nhà thầu thi công xây lắp cử lãnh đạo có trách nhiệm thường xuyên làm việc trên các tuyến dự án đường dây để tổ chức điều hành công trường, huy động tất cả nguồn lực làm việc 3 ca 4 kíp, thi công cả các ngày nghỉ, ngày lễ. Mới đây, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Nam (EVN) Đặng Hoàng An khi kiểm tra, đốc thúc công tác thi công dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối, đoạn qua tỉnh Nam Định vào sáng 28/2. Tại đây người đứng đầu EVN đã chỉ đạo cần tăng tốc tiến độ dự án hơn nữa.
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An khi kiểm tra, đốc thúc công tác thi công dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối. |
Dự án đường dây 500kV NMNĐ Nam Định I - Phố Nối dài khoảng 126,9km, tuyến đi qua địa bàn 4 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên, với 334 vị trí móng cột. Trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Nam Định dài khoảng 46km, có 119 vị trí móng cột, thuộc địa bàn các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Nam Trực. Đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn hành bàn giao mặt bằng các vị trí móng và 28/44 khoảng néo. Các nhà thầu đang thi công 15 vị trí móng.
Tại buổi kiểm tra công tác vận hành lưới truyền tải mùa khô 2024 tại Bắc Giang vừa qua, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định việc đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô năm 2024 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, ông Trần Tuệ Quang yêu cầu PTC1 tiếp tục tập trung điều hành và thực hiện các giải pháp đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục trong mùa nắng nóng theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhất là Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trong đó yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lưới truyền tải.
Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/2/2024 về việc bảo đảm cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhất có thể đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, phấn đấu hoàn thành và đóng điện trong tháng 6 năm 2024”.
Tương tự, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 519 km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) đang được triển khai quyết liệt. Đường dây này được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6/2024, để tăng cung ứng điện cho miền Bắc.
Theo báo cáo của EVN, sau chuyến kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ trong hai ngày 27-18/1 vừa qua, công tác thi công được triển khai đồng loạt trên toàn tuyến; nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã được các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp giải quyết.
Đến nay, tổng cộng đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1.114/1.180 (94%) vị trí móng cột. Toàn bộ dự án có 226 gói thầu, đến nay cơ bản đã được ký hợp đồng (chỉ còn 4 gói thầu đang tiến hành nốt thủ tục). Đặc biệt, kể từ sau cuộc kiểm tra các dự án và làm việc của Thủ tướng với một số bộ, ngành và 9 địa phương hôm 28/01/2024 đến hết ngày 16/02/2024, 4 dự án thành phần đã hoàn thành đúc móng thêm 38 vị trí, triển khai thi công thêm 421 vị trí móng; bàn giao thêm 733 vị trí móng cột.
Nhằm chuẩn bị báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch bảo đảm điện cho hệ thống điện quốc gia trước ngày 15/3, hiện nay EVN đang tích cực rà soát, cập nhật tiến độ triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra, đồng thời chỉ đạo các Tổng công ty điện lực cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo phụ tải; làm việc với khách hàng thực hiện chương trình điều hòa phụ tải hợp lý; tính toán huy động nguồn diesel của khách hàng khi cần thiết; đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, đáp ứng tính cấp thiết trong việc bảo đảm cung ứng điện trong mùa khô năm 2024.
Ngày 14/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới. Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và giao trách nhiệm cho từng đối tượng chủ thể liên quan, như Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) các tập đoàn năng lượng như TKV, Petrovietnam, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, các doanh nghiệp, người tiêu dùng điện. |
Minh Châu