An toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc - khó hay dễ?
Bài 4: Còn nhiều bất cập trong việc xây dựng, vận hành đường cao tốc
(PetroTimes) - Đường cao tốc góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc xây dựng, vận hành đường cao tốc hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Bài 1: Tai nạn nối tiếp tai nạn |
Bài 2: Khi "quái xế" thách thức "tử thần" |
Bài 3: Tài xế vi phạm trên cao tốc sẽ bị xử lý thế nào? |
Hiện nay, chiều dài đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900km. Với gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc. Việc các đường cao tốc được đầu tư xây dựng đã góp phần kết nối vùng miền, phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho người tham gia giao thông giảm bớt được thời gian, công sức, tiền bạc.
Tuy nhiên, với nhiều tuyến cao tốc chưa được đầu tư đồng bộ đã bộ lộ nhiều bất cập như: có tuyến không đủ làn xe lưu thông, có tuyến không có làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ, thiếu camera an ninh… Điều này gây ra sự thiếu an toàn cho người tham gia giao thông. Cùng với ý thức của người lái xe, những bất cập này cũng chính là những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường cao tốc.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ có hai làn xe nên không phát huy hết giá trị cốt lõi của đường cao tốc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Thanh Hiếu. |
Hiện nay, trên cả nước còn nhiều tuyến cao tốc mới chỉ được xây dựng hai làn xe như: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Với việc chỉ có 2 làn xe nên hiệu quả vận hành các tuyến cao tốc không được như kỳ vọng. Tốc độ không được khai thác tối đa đồng nghĩa với việc người tham gia giao thông mất nhiều thời gian di chuyển hơn.
Bên cạnh đó, việc chỉ có hai làn xe cũng khiến cho việc tổ chức giao thông trở nên khó khăn hơn. Nếu kẻ vạch liền cấm vượt thì mỗi khi có xe tải lớn di chuyển với tốc độ 40-50 km/h, các phương tiện lưu thông phía sau phải chấp nhận di chuyển chậm, điều này vừa làm mất đi giá trị cốt lõi của đường cao tốc, vừa gây ức chế cho người điều khiển xe phía sau. Nếu kẻ vạch đứt để cho vượt thì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cùng với đó, có nhiều tuyến cao tốc có 4 làn xe nhưng lại chưa được đầu tư xây dựng làn dừng khẩn cấp như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Với những tuyến đường này, khi phương tiện lưu thông gặp phải sự cố sẽ phải dừng ngay tại làn xe lưu thông gây ùn tắc, công tác cứu hộ gặp khó khăn.
Tương tự, tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được đưa vào khai thác từ tháng 9/2023. Sau gần nửa năm đưa vào vận hành, nhiều lái xe đã phản ánh sự bất cập khi toàn tuyến không có làn khẩn cấp, chỉ bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 - 5km/1 điểm. Các điểm dừng khẩn cấp được thiết kế trên tuyến cũng nhỏ hẹp, chỉ đủ xe con đậu vừa, các loại xe cỡ lớn đậu vào sẽ bị lấn ra vạch của làn đường cao tốc đang đi.
Ngoài ra, hiện nay nhiều tuyến đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu để lái xe kiểm tra phương tiện, nghỉ ngơi, tiếp xăng dầu. Nhiều tuyến mới đưa vào vận hành như tuyến Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo thiếu camera an ninh. Lợi dụng kẽ hở trong quản lý, nhiều người dân cắt rào để làm lối vào, lối tắt dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Với 2 làn xe, khi xảy ra tai nạn, sự cố giao thông việc khắc phục, cứu nạn, cứu hộ trở nên khó khăn. Ảnh: Thanh Hiếu. |
Trao đổi với báo chí về những khó khăn khi quản lý vận hành tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Lê Hùng Cường - Phó trưởng Trung tâm điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết: Kể từ khi được đưa vào vận hành 29/4/2023, các cấp có thẩm quyền vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí để chi trả cho công tác vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc trong thời gian khai thác tạm. Việc này ảnh hưởng rất lớn cho đơn vị trong việc quản lý vận hành điện chiếu sáng tại các nút giao, công tác cứu hộ, xử lý sự cố khi có tai nạn giao thông, công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn hành lang dọc tuyến…
Thực tế hiện nay cho thấy, với việc phân kì đầu tư, nhiều các tuyến đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp; chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng khi nhiều tuyến thiếu làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách, trạm dừng nghỉ, camera an ninh… đã không đáp ứng được tiêu chí về đường cao tốc. Với các dịp nghỉ lễ, tết dài ngày, lượng người lưu thông tăng đột biến trên các tuyến đường cao tốc này rất dễ xảy ra ùn tắc giao thông. Nếu chẳng may khi xuất hiện các sự cố, tai nạn giao thông trên các tuyến đường này việc cứu nạn, cứu hộ cũng rất khó khăn, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Theo dự kiến đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường cao tốc. Với hệ thống đường cao tốc này sẽ góp phần kết nối các vùng miền, thúc đẩy giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế... Tuy nhiên, để hệ thống đường cao tốc phát huy tối đa hiệu quả phải tập trung xây dựng, đồng bộ hạ tầng cũng như nâng cao chất lượng quản lý, vận hành đường cao tốc.
Quang Phú