Hà Nội:
Khai ấn Lý triều Đại Vương “Trấn Tây Thượng Đẳng” tại đền Voi Phục
(PetroTimes) - Sáng 23/2, tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Voi Phục đã diễn ra Lễ hội truyền thống “Tế Khai sắc - Rước khai xuân” năm Giáp Thìn 2024, khai ấn Lý triều Đại Vương “Trấn Tây Thượng Đẳng”.
Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn bản sắc văn hoá, bày tỏ sự tri ân công ơn của Đức Thánh Linh Lang Đại Vương, giáo dục tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Lễ hội gồm các hoạt động dâng hương; rước chân nhang Đức Thánh, Đức Thân Mẫu; rước Ấn và Ấn lệnh; khai Ấn và ký Ấn lệnh rước khai Xuân…
Ông Hoàng Minh Dũng Tiến - Bí thư Quận ủy Ba Đình thực hiện nghi thức khai ấn Lý triều Đại Vương “Trấn Tây Thượng Đẳng”. |
Nghi thức khai Ấn nhằm tưởng nhớ công đức của tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều Lý trong việc khai đô Thăng Long, trong việc phá Tống - bình Chiêm, mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam, cầu cho Quốc thái - Dân an - Thái bình thịnh trị, ban phúc cho nhân dân, dạy cho bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức “Tích phúc vô cương”.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết: Trong suốt chiều dài lịch sử, đền Voi Phục với gần nghìn năm phụng thờ Đức Thánh - Hoàng tử Linh Lang - Người anh hùng có công cùng quân dân thời vua Lý đánh tan giặc Tống xâm lược thế kỷ thứ 11. Hoàng tử văn võ song toàn xứng danh là anh hùng của những anh hùng. Thân thế, sự nghiệp và công trạng của Hoàng Tử vang vọng mãi trong lịch sử. Sinh thời giúp Lý, khi hóa hiển linh phù Trần - hộ Lê, nghìn thu “Hộ Quốc - An Dân”; được người đời suy tôn là bậc Thánh nhân: “Công ghi tại triều, danh lưu tại sử”. Là con vua chiến công hiển hách, là thần “Uy trấn Nam Thiên”. Ân đức của Đại Vương “Phối Đồng Thiên Địa - Vạn Cổ Lưu Truyền”. Người anh hùng Hoàng tử Linh Lang đại diện tinh hoa, khí phách của dân tộc Đại Việt.
Lễ rước chân nhang Đức Thánh và Thánh Mẫu hồi cung. |
Năm nay, bên cạnh nghi thức rước chân nhang đức Thánh và Thánh Mẫu, trong lễ hội truyền thống “Tế khai sắc - Rước khai xuân” Giáp Thìn 2024 sẽ tiếp tục thực hiện nghi thức khai ấn. Nghi thức khai ấn nhằm tiếp tục bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm. Tưởng nhớ công đức của tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều Lý trong việc khai đô Thăng Long, trong việc Phá Tống - Bình Chiêm, mở rộng lãnh thổ Đại Việt về phương Nam; đồng thời cầu cho Quốc thái - Dân an - Thái bình thịnh trị.
Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc thể hiện nét đẹp của người Việt Nam. |
Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức Lễ hội nhằm phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng niệm các anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân của dân tộc Việt Nam và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong nhân dân về ý nghĩa lịch sử của di tích Quốc gia đặc biệt đền Voi Phục. Từ đó nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Đền Voi Phục - Thủ Lệ được Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm Chương thánh Gia Khánh 1065; Đền thờ “Thượng Đẳng Phúc Thần” Đức Thánh Linh Lang Đại Vương (Hoàng tử, con vua Lý Thánh Tông), anh hùng lịch sử, công danh hiển hách, dũng tướng chống giặc ngoại xâm và Vương Phi Hạo Nương. Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). |
Quang Phú