Chuyển đổi số là cơ hội để phát triển đột phá
(PetroTimes) - Trong bối cảnh công nghệ phát triển với tốc độ nhanh, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã ứng dụng những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh (generative AI), để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Những công cụ mới này không chỉ giúp VPI tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình nghiên cứu và phát triển, mà còn mở ra hướng tiếp cận mới trong việc phân tích và khai thác dữ liệu phức tạp trong ngành Dầu khí. Sự kết hợp giữa công nghệ, AI và chuyên môn sâu trong lĩnh vực dầu khí đã giúp VPI nâng cao hiệu suất công việc, sáng tạo những sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao, hướng tới mục tiêu khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Dữ liệu của VPI sẽ mở ra góc nhìn mới về hành trình chuyển đổi số này, cùng với những cơ hội và thách thức mà AI mang lại trong ngành Dầu khí.
Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Dữ liệu của VPI |
PV: Chuyển đổi số không chỉ là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp nguồn nhân lực, dữ liệu và quy trình để tạo giá trị mới, mà còn là việc ứng dụng những tiến bộ trong AI, đặc biệt là AI sáng tạo. Xin ông cho biết VPI đang tích hợp những xu hướng mới này, như AI sáng tạo, vào quá trình hoạt động và nghiên cứu như thế nào?
Ông Lê Ngọc Anh: Chuyển đổi số ngày nay không chỉ giới hạn ở việc tổ chức lại cách làm việc truyền thống, mà còn mở rộng ra việc tích hợp AI sáng tạo và các công nghệ tiên tiến khác. Đối với VPI, điều này có nghĩa là không chỉ tập trung vào dữ liệu và khả năng phân tích dữ liệu, mà còn là khám phá những cách mới để xử lý và hiểu dữ liệu phức tạp trong ngành Dầu khí.
Những công cụ AI sáng tạo, như mô hình học máy tự học và mô phỏng, đang mở ra cơ hội mới để chúng tôi tiếp cận vấn đề từ các góc độ hoàn toàn mới. Việc này giúp nhanh chóng phân tích mẫu dữ liệu lớn, dự báo kết quả, và thậm chí tự đề xuất giải pháp cho các thách thức về kỹ thuật. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, sự kết hợp giữa chuyên môn sâu và khả năng sáng tạo của AI đang giúp VPI không chỉ nâng cao hiệu suất công việc mà còn phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, phục vụ cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Mô hình quản lý khai thác các mỏ dầu khí |
Đồng thời, VPI đang tích cực nghiên cứu và áp dụng các xu hướng công nghệ mới trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn, khai thác hiệu quả hơn dữ liệu và tri thức của ngành Dầu khí. Công nghệ AI sáng tạo đang mở ra những cánh cửa mới, giúp không chỉ hiểu sâu hơn về ngành Dầu khí mà còn tạo ra những giải pháp đột phá cho tương lai.
Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam - Vietnam Petroleum Insights (VPInsights) - phân hệ Hydrogen |
PV: Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng tăng tốc, đặc biệt với sự phát triển của AI, đâu là những thuận lợi và thách thức của ngành Dầu khí, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Anh: Khi nói đến chuyển đổi số, ba yếu tố chính là con người, công nghệ, và quy trình. Ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và VPI nói riêng có những lợi thế đáng kể trong ba yếu tố này. Với lịch sử phát triển hơn 45 năm, đội ngũ của VPI đã được đào tạo bài bản về khoa học và kỹ năng nghiên cứu, cùng với việc tiếp cận sớm với các công nghệ và thiết bị tiên tiến. Do đó, việc tích hợp công nghệ số, kể cả AI, không phải là trở ngại lớn cho các nhóm nghiên cứu.
Tuy nhiên, các thách thức không phải là không có! Chuyển đổi số, đặc biệt trong kỷ nguyên của AI và học máy, đòi hỏi sự linh hoạt và cách tiếp cận mới mà không phải tất cả nhà nghiên cứu đều sẵn sàng. Chẳng hạn, việc sử dụng AI để phân tích dữ liệu trong lòng đất có thể cung cấp cái nhìn mới và hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống. Điều này đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để các nhà khoa học thích nghi và áp dụng những công cụ mới này, cũng như sự thay đổi trong quy trình và phương pháp làm việc.
Một thách thức khác là việc áp dụng AI và học máy có thể làm thay đổi cách xử lý và chia sẻ dữ liệu. Trong quá khứ, phương pháp truyền thống và phần mềm chuyên ngành có thể đã là lợi thế độc quyền, nhưng ngày nay, việc sử dụng công nghệ mới có thể đem lại sự minh bạch, khả năng kiểm chứng và dễ dàng chia sẻ dữ liệu. Đây là thách thức chung cho nhiều tổ chức trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, với những lợi ích lớn mà quá trình này mang lại, đây là cơ hội để đầu tư mạnh mẽ hơn vào nguồn nhân lực, công nghệ và quy trình, nhằm tạo ra sự phát triển đột phá cho tổ chức.
Mô hình dự báo cung - cầu, giá LNG |
PV: Ông có thể chia sẻ về hiệu quả mà VPI đã đạt được trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số không?
Ông Lê Ngọc Anh: Kết quả ban đầu là sự thay đổi tích cực trong kết quả và sản phẩm nghiên cứu khoa học. Dữ liệu và phân tích trở nên thuyết phục hơn, đặc biệt có thể tương tác trực quan hơn với người dùng thông qua các ứng dụng số.
Việc ứng dụng học máy và trí tuệ nhân tạo đã đưa VPI tiến xa hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái Oilgas AI, với các sản phẩm số nổi bật như: Quản lý khai thác các mỏ dầu khí; dự báo đá móng nứt nẻ; minh giải địa vật lý giếng khoan tự động; phân tích sinh địa tầng; mô hình dự báo phát thải carbon, thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS/CCS); mô hình dự báo cung - cầu, giá dầu thô, sản phẩm xăng dầu, LPG, LNG, hydrogen... Điều này giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và hỗ trợ các phương pháp truyền thống trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của Việt Nam.
Về mặt lâu dài, việc chuyển đổi số sẽ giúp VPI thu thập, tổng hợp và chuẩn hóa dữ liệu trong ngành Dầu khí Việt Nam, từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đến hoạt động chế biến, phân phối sản phẩm. Dù đòi hỏi đầu tư lớn về nguồn lực con người, nhưng tôi cho rằng kết quả cuối cùng đạt được sẽ là tài sản vô giá. Tri thức của ngành Dầu khí, chuyên môn của các nhà khoa học và có sự hỗ trợ tốt nhất bởi trí tuệ nhân tạo. Việc khai thác và phân tích hiệu quả kho dữ liệu này sẽ mở ra cơ hội để phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mới, hướng tới mục tiêu cao nhất là hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên hiệu quả hơn.
Mô hình dự báo đá móng nứt nẻ của VPI sử dụng học máy và trí tuệ nhân tạo |
PV: Xin ông cho biết kế hoạch triển khai lộ trình chuyển đổi số cụ thể của VPI trong năm 2024?
Ông Lê Ngọc Anh: Trong năm 2024, VPI đặt mục tiêu hỗ trợ hình thành và phát triển hiệu quả hệ sinh thái sáng tạo dầu khí Việt Nam, phát triển tài sản trí tuệ giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững và tăng năng lực cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh và đột phá trong ứng dụng và sáng tạo công nghệ. Đối với sản phẩm số, VPI tập trung phát triển các công nghệ mới trong tìm kiếm thăm dò dầu khí, các mô hình mô phỏng khai thác, logistic và quản lý chuỗi cung ứng, bản sao số cho các nhà máy...
Đồng thời, VPI tiếp tục xây dựng và phát triển “Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam - Vietnam Petroleum Insights” (VPInsights) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc (insights) về dầu khí. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), AI tạo sinh (Generative AI) để tổng hợp tri thức và kinh nghiệm của ngành Dầu khí Việt Nam, cùng với lượng lớn dữ liệu và tri thức dầu khí thế giới. VPInsights sẽ giúp các chuyên gia của VPI/Petrovietnam cũng như các đối tác trong và ngoài nước cùng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm số và cộng tác, đóng góp trên hệ sinh thái chung về tri thức dầu khí - hỗ trợ việc dự báo tình hình và hoạch định giải pháp kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh ngành năng lượng thế giới biến động không ngừng.
Bên cạnh đó, VPI sẽ tập trung thực hiện Chiến lược dữ liệu và phân tích dữ liệu, cũng như phối hợp triển khai lộ trình chuyển đổi số nói chung của Petrovietnam. Trong đó, xây dựng nền tảng, công cụ, quy trình giúp VPI đều có thể tổ chức dữ liệu theo lĩnh vực một cách khoa học, minh bạch, chia sẻ được, tiến tới trở thành các sản phẩm dữ liệu - với người dùng đa dạng trong và ngoài nước, với giá trị và khả năng tiện dụng như bất kỳ sản phẩm khoa học nào khác.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Mục tiêu của VPI đến giữa năm 2025: - 100% nhân sự có khả năng sử dụng các công cụ AI trong công việc; - 30% nhân sự có khả năng sáng tạo công cụ AI; - Năng suất lao động tăng tối thiểu 20%; - Chi phí hoạt động giảm tối thiểu 10%; - Số lượng tài sản trí tuệ tăng 30%, trong đó số lượng tài sản trí tuệ được thương mại hoá tăng 10%. |
Minh Ngọc (thực hiện)