Nhớ Tết quê xưa
(PetroTimes) - Tất cả những mùi vị, thanh âm của mùi cháo gạo mới, mùi hương bài, tiếng người nói lao xao, tiếng giã giò, tiếng pháo... hòa quyện vào nhau, tạo nên một phong vị Tết quê đặc trưng của những người con được “sinh ra từ làng”.
Giờ mỗi năm về quê đón Tết với bố mẹ, buổi sáng đầu tiên của kỳ nghỉ, lúc thức dậy, tôi vẫn nhớ da diết tiếng người nói lao xao dưới ánh lửa bập bùng, mùi cháo gạo mới quyện với mùi nhang trầm nhà ai bay trong khói sớm, nhớ tiếng lợn kêu eng éc trong bảng lảng sương sớm cuối năm xa xưa, rồi tiếng băm chặt, tiếng giã giò thậm thịch, tiếng radio đang phát một bài ca Xuân rộn ràng... Tất cả những mùi vị thanh âm đó ngào trộn, hòa quyện vào nhau, tạo nên một phong vị đặc trưng thấm đẫm thân thương no ấm yên bình, tha thiết khó quên với những người con được “sinh ra từ làng”.
Nói đến Tết xưa, không thể thiếu hai thứ, đó là hương bài và pháo Tết. Nhà tôi gần dãy núi Răng Hạc (Hà Trung, Thanh Hóa) đã đi vào thơ ca. Cứ giáp Tết, mấy đám trẻ con lông lống lại vác cuốc lên triền núi tìm những “cây hương bài” (giờ tôi chả còn nhớ là cây gì) đào lấy thân và gốc, đem về sắt nhỏ, phơi khô rồi nghiền và kiếm đâu mớ giấy pơ-luya mỏng dính, không có thì lấy giấy vở học sinh đem bóc đôi ra, rải mớ bột hương bài này sao cho vừa vặn một que hương, đặt vào giữa là chiếc que bằng ruột tre non chuốt mỏng (cho dễ cháy) quấn lại, nơi cuối que “hương liệu” được dán bằng… mấy hạt cơm nếp cho dính, thế là thành một cây hương. Khi đốt lên, mùi thảo mộc, mùi đồng quê, mùi rừng núi nồng nàn thanh thoát vấn vít tâm trí tôi cho đến tận bây giờ.
Tiếng pháo đì đùng là thanh âm không thể thiếu trong những ngày Tết xưa. |
Pháo thì có nhiều loại: pháo tép (bé như con tép mương), pháo đùng (bằng cái cán dao gọt hoa quả bây giờ) và pháo cối. Pháo tép khó tự làm nên thường được mua ở Cửa hàng Hợp tác xã, trẻ con bọn tôi gỡ ra từng quả rồi đốt tí tách từ 24, 25 tháng Chạp. Pháo đùng có loại ngòi đầu (một đầu được bịt kín, một đầu đặt ngòi pháo vào rồi mới được bịt lại), có loại ngòi giữa (bịt cả 2 đầu, giữa khoét một lỗ để nhét ngòi pháo vào rồi mới bịt). Loại ngòi đầu thường là pháo kiểu Bình Đà ngoài Bắc, cả một tràng pháo dài đều chằn chặn, quả nào cũng có lối có hàng. Pháo ngòi giữa thường là pháo kiểu Đà Nẵng đem ra, nổ to, giấy được xé vụn nhìn rất thích mắt nhưng cả tràng pháo trông rối rắm, lung tung rất khó xếp vào một bọc, rất khó tết trọn bánh vì ngòi giữa hay bị tuột ra.
Pháo cối thường là quả pháo kết thúc tràng pháo, kích thước to như cổ tay, có nhà chơi sang thì cuộn nó to như bắp chân, thậm chí như cái phích. Đang xì xì tạch tạch rồi đùng đoàng một hồi dài, đến khi nào nghe một tiếng “ùng” rõ to, trầm hùng vang lên là lúc trẻ con xô vào nhặt pháo xịt.
Thường đến Tết hay có đám cưới, pháo mới được đốt cả băng, còn đâu chỉ thì thụp quả một. Khổ nhất là các bà các chị, đang lúi húi thái thịt nhặt rau thái giò gói bánh, thằng con hay đứa em hứng chí đem quả pháo ra ngoài sân đốt đánh đùng một cái, giật mình có khi làm đổ cả nồi cá đang kho. Tức thì tức vậy thôi, chứ khi cả nước ngừng đốt pháo, các bà các mẹ lại là những người nhớ pháo Tết quê xưa khắc khoải, da diết nhất hay sao ấy. Như mẹ tôi cứ Tết đến lại bần thần: có tiếng pháo nó mới ra Tết, mới thấy Giao thừa đang kề cận…
Nhà có mỗi thằng cu nên bố tôi chiều, nhiều năm bắt chị cả dành một buổi chở em lên “đường cái” (thị trấn huyện lỵ quê tôi) mua đủ pháo cho em. Số bánh pháo được mua sao cho đủ: một băng đốt lúc đón ông Vải (lên hương cúng Tất niên chiều 30 - chính thức Tết về), một băng đốt lúc Giao thừa, thường là băng xịn nhất, dài nhất, đắt tiền nhất, tiếng kêu phải đanh, pháo phải được xé hết; nếu pháo xịt hay phụt đít không xé giấy thì kiểu gì cũng bị mẹ ca cẩm, sợ năm mới sẽ “dông”. Một băng đốt vào sáng mùng Một khi bố vừa lên hương mâm cỗ Tân niên và một băng đốt lúc hóa vàng (tiễn các cụ về lại “nhà” các cụ, hết Tết). Tổng cộng thường là bốn bánh pháo, nhưng cứ phải mua thêm một, hai bánh, phòng khi pháo Giao thừa nhà mình đã đốt xong mà hàng xóm vẫn hoành tráng thì đem ra thi đấu tiếp. Tôi nhớ có năm có nhà chơi rất nổi, Giao thừa đã xong xuôi, mọi người đang hỉ hả nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước và mừng tuổi nhau thì mới nghe tiếng pháo ở một nơi nào đó bắt đầu nổ, từng quả kêu đanh, vang, chậm rãi rất hoành.
Bố tôi vốn là Hiệu trưởng trường cấp 1 & 2 của xã, nhưng theo quy định thời đó: con theo mẹ, nên đến lúc phát quà Tết theo tiêu chuẩn, những giáo viên nữ dưới quyền nhận bọc lớn bọc bé thì bố gần như chẳng được phát gì. Chắc tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo nên mãi chiều 30 Tết mới thấy ông đem về hộp chè khô Kim Anh (tôi vẫn còn nhớ dòng chữ “vị đậm, nước xanh” sơn trên chiếc hộp làm bằng sắt tây) và vài gói kẹo vừng. Hồi đó các nhà dịch vụ đã bắt đầu tập tọng đề tiếng Anh nên lũ trẻ con có bố mẹ làm giáo viên cứ hỏi nhau là nhà mày có kẹo Se-sa-me ăn chưa. Đào cắm chơi Tết thường là cành đào phai bố chặt đem về từ vườn trường, có năm còng queo khô khốc như cành củi, có năm lại tơi bời những lá, hiếm có năm nào đủ nụ đủ hoa đẹp đẽ khoe mầu nhưng lũ trẻ con chúng tôi vẫn phồng mồm thổi bóng bay treo lên làm nó cũng tưng bừng rạng rỡ lắm.
Sát Tết, nếu trên phòng giáo dục huyện xin được tiêu chuẩn, chở xuống mấy bao đường phát cho giáo viên chia nhau ăn Tết thì ôi thôi là vui vẻ. Cô thủ kho kiêm kế toán sẽ chỉ họ chở đường vào nhà tôi và chia phần ở đó. Chủ nhà cũng là nhà hiệu trưởng nên sẽ được thêm ít lạng. Chị em chúng tôi lớn dần lên theo mầu đường mà bố được chia: khi còn nhỏ là mầu đường đen tuyền xen cả những mẩu bã mía (loại đường này chỉ dùng để nấu chè), sau đó là mầu vàng và cuối cùng là mầu trắng ngà.
Giờ thì cuộc sống đầy đủ hơn nhiều. Ra chợ một lúc về cái gì cũng có, ngày nào cũng có thể là Tết, nên hương vị Tết xưa đã mai một đi nhiều. Với tôi, đó là những loại bánh trái cổ truyền ngày Tết đã dần dần vắng bóng: bánh quạt (làm bằng bột nếp ngào thêm chút bột nghệ, tán xòe ra như hình cái quạt giấy rồi thả vào chảo mỡ lợn đang sôi), bánh gai (giống loại bánh đặc sản của Hải Dương, làm bằng bột nếp trộn với lá gai), bánh mật, chè lam, bánh dày, có chăng chỉ còn bánh chưng là không thể thiếu. Tôi nhớ, cứ mỗi năm gần đến Tết, chị em tôi lại đòi mẹ làm bánh này bánh kia, mẹ lại cau mày, khẽ gắt: Năm nay bận lắm không làm được. Nhưng rồi qua Tết Táo quân lại thấy mẹ chuẩn bị làm, và lại là những tối hào hứng quây quần lau lá làm bánh gói bánh vui vẻ mê say. Những đứa trẻ ngày xưa quần áo cũ kỹ lấm lem nhưng mặt mày hồng rực, mắt sáng lấp lánh khi ngồi bên bếp lửa tí tách reo vui luộc bánh những ngày cận Tết, thấy sao mà hạnh phúc.
Lại một cái Tết nữa đang về, lại háo hức chờ đến ngày được dong xe ra mà về với bố mẹ, về với quê hương và như được trở lại những cái Tết xa xưa, như chúng tôi thường nói với nhau: có quê mới có Tết trọn vẹn, đủ đầy.
Hà Nội, những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024
Hồng Lam