Phong cảnh miền núi Tây Bắc qua triển lãm tranh "Sắc màu"
Gia đình họa sĩ Dương Ngọc Thăng vừa giới thiệu với người yêu nghệ thuật triển lãm "Sắc màu" gồm 147 tác phẩm đặc sắc.
Chiều 3/1, triển lãm Sắc màu của gia đình họa sĩ Dương Ngọc Thăng, Nguyễn Thị Quỳnh và con trai Dương Ngọc Tuệ được khai mạc tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Triển lãm "Sắc màu" gắn liền với hình ảnh miền núi Tây Bắc (Ảnh: Ban Tổ chức). |
Nguyễn Thị Quỳnh và Dương Ngọc Thăng là hai nghệ sĩ cùng học hội họa K48 (2004-2009), Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đó, Nguyễn Thị Quỳnh học Trung cấp hội họa tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), còn Dương Ngọc Thăng học tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang. Họ gắn bó với nhau và cùng say mê sáng tác hội họa nhiều năm qua.
Triển lãm Sắc màu gồm 137 tác phẩm hội họa, với nhiều thể loại như chân dung, tĩnh vật, phong cảnh miền núi. Trong số này có hơn 10 bức sơn dầu của họa sĩ nhí - con trai đầu mới 12 tuổi của hai họa sĩ.
Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Quỳnh lớn lên ở Hà Giang, còn Dương Ngọc Thăng ở Bắc Giang, có lẽ vì vậy, tranh phong cảnh miền núi chiếm số lượng lớn trong sáng tác của họ.
Họa sĩ Đỗ Dũng nhận định, tranh của Dương Ngọc Thăng vẽ đa dạng, cả tĩnh vật, phong cảnh, phụ nữ… nhưng ẩn sâu trong đó là ý muốn níu giữ vẻ đẹp với thời gian.
Còn tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Quỳnh có sự chỉn chu và luôn hướng đến sự hoàn thiện trong cảm xúc. Con trai họ - Dương Ngọc Tuệ sớm bộc lộ năng khiếu khi sống trong môi trường thuần túy nghệ thuật. Các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của mẹ, từ bố cục, tạo hình, màu sắc, chất cảm rất bài bản.
Tranh của họa sĩ Dương Ngọc Thăng ở triển lãm (Ảnh: Ban Tổ chức). |
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông cho rằng, triển lãm Sắc màu hay tên gọi đúng hơn là Tình ca Tây Bắc không phải là những tìm tòi sáng tạo hội họa mới mẻ, nhưng đem lại cho người xem cảm xúc chân thành, ấm áp về tình yêu và nghệ thuật.
Theo Dân trí