Thực hành trách nhiệm
(PetroTimes) - Bàn đến phẩm chất, năng lực cán bộ, nhiều người thường nói, phẩm chất quan trọng nhất là thái độ, trách nhiệm đối với công việc. Nhưng cần phải thực hành, chứ đừng nói lý thuyết suông.
Ảnh minh họa |
Lâu nay khi gặp một cán bộ trẻ, tôi thường thoáng có một chút “gợn”: Anh này liệu có ô dù nào không? Liệu có phải là một dạng “làm quan tắt” không? Sắp tới rồi sẽ lên to hơn, hay lại đùng một cái lại bị xử lý kỷ luật.
Tôi nói điều băn khoăn với nhiều cán bộ trẻ, nhân việc chúng ta đang bàn tới công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Một giám đốc trẻ mới 35 tuổi, khi nghe câu hỏi này không phật ý mà còn có vẻ “khoái”. Anh bảo, có người cảnh báo như thế là tốt lắm. Theo như ý anh thì thế giới bây giờ người ta coi trọng y tế dự phòng, đặt y tế dự phòng lên trên việc khám, chữa bệnh.
Nhân nhắc tới sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, đồng chí giám đốc trẻ bàn rằng, ở Mỹ dịp cuối năm ông giám đốc dành khoản thưởng lớn cho những công nhân không ốm đau, có số ngày công cao. Còn ở ta thì lại rất quan tâm việc thăm người ốm. Điều này thì cũng tốt, nhân văn đấy, nhưng cũng nên chú ý hơn đến người… khỏe.
Lại nói chuyện quan tâm “cán bộ khỏe”. Trẻ thì chắc chắn phải khỏe hơn già. Miệng nói chân bước. Thức suốt đêm lo khắc phục sự cố nhà máy chẳng hề hấn gì. Đi khám sức khỏe định kỳ, các chỉ số đều ngon lành. Nhưng mà lại dễ mắc các “bệnh” khác. Tạm gọi là bệnh do ô nhiễm môi trường - môi trường văn hóa lãnh đạo. Rằng, bản thân anh cán bộ trẻ lúc đầu nhận chức thì cũng thấy mọi việc đơn giản thôi. Trong một tập thể cứ hai người trở lên thì phải có một thủ lĩnh. Mình không làm thì người khác làm. Người phụ trách không hẳn là người cái gì cũng tài hơn mọi người. Nhiều khi những người chung quanh còn là thầy mình.
Thế nhưng có người làm lãnh đạo được một thời gian thì bắt đầu thay đổi, từ dáng đi đến cách bắt tay. Nói năng bắt đầu dài giọng, nhấn nhá. Chuyện ký tá trước đây có khi bỏ cả ngủ trưa để đọc và quyết định, về sau thì cứ từ từ. Có nguyên nhân từ “môi trường” đấy. Là vì chung quanh vị giám đốc, nhiều vệ tinh cứ xoay tít. Không ngớt lời khen. Khen cái áo anh đẹp quá. Anh mệnh thủy, áo màu trắng, hợp lắm. Khen anh ăn nói đúng tầm ngoại giao. Tiếng nói của anh là mang tiền về cho nhà máy mình chứ đâu. Khen anh kết luận hội nghị rút ra bốn hay năm điểm đều chắc như cua gạch. Công nhận mọi người nói rối như cạnh hẹ, thế mà anh nghe được cả, chả sót ai. Anh “tóm lại” mấy câu, làm cả năm không hết.
Rồi khi anh chuẩn bị ký duyệt, chưa ký đã có đối tác tìm đến nhà, rủ ra sân golf “chăm sóc”. Rồi tặng quà sinh nhật chị nhà. Họ tặng khéo lắm. Của cho không bằng cách cho, cho nên từ chối đâu có dễ. Thành ra lâu dần việc ký duyệt không còn vô tư như thuở ban đầu. Cũng ký đấy nhưng là ký chậm, ký muộn. Thời giờ là vàng bạc, ai chả muốn được ký nhanh. Hóa ra “bệnh” sinh ra từ lúc nào, bắt đầu từ chữ ký.
Còn chuyện góp ý trong cuộc họp, trong cuộc sống hằng ngày mới thật là thử thách đối với cái tai người lãnh đạo. Nhiều ông thủ trưởng khuyến khích góp ý phê bình. Nhưng khi khen thì ông tỏ vẻ đăm chiêu, khi chê thì ông chúi vào quyển sổ ghi ghi chép chép ra vẻ cầu thị lắm. Cuối buổi họp ông cảm ơn những ý kiến phê bình một cách cầu thị. Nhưng rồi sau đó có một khoảng cách vô hình nào đó giữa ông và người góp ý thẳng thắn. Cái khoảng cách khiến cho người góp ý liên tục gặp những lận đận về sau.
Xem thế đủ thấy phòng bệnh khó khăn nhường nào. Người cán bộ là phải nhẫn, mà nhẫn cao nhất là tự thắng mình. Tự thắng mình về lý thuyết và quan trọng hơn là trong thực hành, trong công việc, trong ứng xử với cấp trên, đồng cấp, cấp dưới.
Vị giám đốc trẻ đang trò chuyện với tôi đây thì khác. Anh không thích cách nói “khéo đến mức như diễn hài”. Anh muốn nghe lời nói thật. Đã làm thì làm cho hẳn hoi, tử tế, không đẩy việc cho người khác. Anh nói: Đánh giá một cán bộ có năng lực, thí dụ một Trưởng phòng trong nhà máy, chúng tôi thường chú ý mấy điểm. Xem anh này thực hiện nhiệm vụ giao có sáng tạo không, có mưu kế gì cụ thể. Lại xem đề xuất của công nhân anh ấy giải quyết thế nào, có nhanh không, cụ thể không.
Hãy bớt đi những lý thuyết dài dòng. Phải luôn luôn nêu câu hỏi vì sao thế, làm thế nào, khó khăn gì, bao giờ xong? Thế chứ. Cán bộ giỏi là người biết định vị bản thân, biết mình, biết người. Các Mác từng nói, đại ý: Đạo đức cao nhất đối với người cán bộ là làm được cái gì có ích cho tập thể. Cho nên, nếu nói gọn lại, một cán bộ đức tài thì có mấy chữ thôi lương tâm và trách nhiệm. Trách nhiệm không làm hết thì lương tâm áy náy. Khi lương tâm còn gợn lên một chút gì đó không đàng hoàng thì đào đâu ra trách nhiệm.
Ngày cuối năm, hỏi chuyện cán bộ, công nhân trong nhà máy, ai cũng tấm tắc khen người giám đốc miệng nói tay làm. Anh chính là tác giả và đồng tác giả của nhiều sáng kiến giúp tối ưu hóa, cải tiến các thiết bị, tự động hóa. Mọi người đều nói, chúng tôi không để ý mấy câu chuyện ông nào già ông nào trẻ. Nhưng mà phải táo bạo, phải “thực hành trách nhiệm” chứ đừng nói lý thuyết về trách nhiệm.
Mấy anh hay nói lý thuyết thì thường né tránh, đùn đẩy, đổ lỗi cho người khác. Có điều, táo bạo nhưng chớ làm liều, chớ nên “đơm đó ngọn tre”. Chắc chắn nhưng chớ thủ cựu, thời cơ sẽ chẳng bao giờ đến. Nhưng nói thật là chúng tôi vẫn thích đưa cán bộ trẻ vào công việc. Cán bộ trẻ nhưng phải có tài năng, đức độ, không dựa thần dựa thế ai. Phát triển và đào thải. Cuộc sống tự nó sẽ sàng lọc.
Hà Nội dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã | |
Ông Bùi Hoàng Phương giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông | |
Kỷ luật 2 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh |
Hải Đường