Bộ Công Thương thúc tiến độ các dự án điện khí LNG
(PetroTimes) - Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị các địa phương sớm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy tiến độ dự án điện khí LNG.
Thông tin từ Bộ Công Thương nhấn mạnh, theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là điện khí LNG (22.824 MW). Đây là nguồn năng lượng sạch, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Bộ Công Thương tổ chức hội nghị thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn điện. |
Theo đó, đến năm 2030 nước ta sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển, song hiện mới có một dự án là nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa 2025. Như vậy, để đạt mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, nước ta vẫn cần phát triển khoảng 22.500 MW điện khí trong 7 năm tới.
Thực trạng hiện nay, việc phát triển loại nguồn điện này gặp nhiều thách thức khi đầu tư, triển khai các dự án. Đơn cử, đối với các vấn đề vướng mắc về thủ tục cho thuê đất, vận hành thí điểm, đấu nối tại dự án dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4, chủ đầu tư PV Power cam kết sẽ tích cực triển khai và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ, bảo đảm đưa dự án đi vào vận hành thương mại đúng cam kết vào năm 2024 và 2025.
Hay dự án Nhà máy Điện LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 vướng do UBND TP Hồ Chí Minh chưa cho lập các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất dự án và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Tương tự, dự án LNG Hải Lăng (Quảng Trị) gặp khó khăn vì liên quan đến điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, quy hoạch 1/500 của dự án. Còn dự án LNG Quảng Ninh vướng mắc liên quan tới các thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 1/500 dự án.
Trước những khó khăn từ phía địa phương, ngày 18/12, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện và kịp thời giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án LNG.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và xử lý nghiêm dự án chậm theo quy định về đầu tư. Với dự án chưa có chủ đầu tư, các tỉnh cần sớm hoàn thiện điều kiện, thủ tục cần thiết để chọn chủ đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Nhà máy Điện khí Cà Mau 1 cho đến nay vẫn đang là nhà máy vận hành hiệu quả và an toàn. |
Trước đó, ngày 15/12, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo lắng nghe các ý kiến của các tập đoàn, doanh nghiệp trình bày về các vướng mắc về hành lang pháp lý khi chưa được pháp luật quy định khi làm dự án điện gió ngoài khơi, điện khí ở nước ta và kiến nghị Bộ Công Thương sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết, để thực hiện hai loại nguồn điện này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng công suất đặt nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW). Trong đó, các nguồn điện khí là 30.424 MW; điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW. Đây là 2 nguồn điện quan trọng, chiếm tới 46% tổng công suất tăng thêm và phải triển khai từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, có 3 vướng mắc chính liên quan đến điện khí gồm cơ chế bao tiêu sản lượng điện tối thiểu; cam kết giá khí; mua khí hóa lỏng dài hạn.
Tại cuộc họp, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng đều thống nhất cho rằng các dự án điện khí, điện gió có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên việc triển khai đang gặp khó khăn. Do vậy cần sớm rà soát, có văn bản báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo hướng “cơ chế đặc thù” cho các loại nguồn điện này.
P.V