Cần gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp
“Hiện kinh tế còn nhiều khó khăn, bởi vậy rất cần các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, trong đó, việc tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp cần tính đến…”.
Đây là quan điểm của TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tiếp tục gia tăng hiện nay. TS Cấn Văn Lực cho rằng, nợ xấu đã ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục tăng trong năm sau. Nền kinh tế có thể sẽ bớt khó khăn, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất định và đầy thách thức. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, việc xem xét kéo dài thời hạn trả nợ là cần thiết.
Việc triển khai áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu. Ảnh minh họa |
Theo đó, số liệu mới nhất về nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, đến cuối tháng 8/2023 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 5,12%. Trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 144,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 425,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Tại báo cáo ngành ngân hàng vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, việc triển khai áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02) đã góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 140 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống). Trong đó, Ngân hàng VPBank có nợ cơ cấu 14.900 tỷ đồng (tương ứng 2,86% dư nợ), Ngân hàng BIDV có gần 20.000 tỷ đồng (tương ứng 1,5% dư nợ), giúp kiểm soát nợ xấu trong quý này.
Theo KBSV, nợ xấu của các ngân hàng chưa nghiêm trọng cho đến hết năm 2023 song cần lưu ý hơn khi bước sang năm 2024. Theo đó, nợ xấu có thể phình to khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6/2024, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ. Đồng thời, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 7/12, một trong những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra với NHNN là khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư số 02/2023/TT-NHNN nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng đặc biệt lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025". Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia cho rằng, nếu không gia hạn Thông tư 02, các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn. Ảnh minh họa |
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nhờ Thông tư 02, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024. “Không thể phủ nhận, Thông tư 02 là “làn gió” đã giải tỏa phần nào “cơn khát” của ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản”, TS Nghĩa nói.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu không gia hạn Thông tư 02, các ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, bởi phải hạch toán trở lại theo đúng nhóm nợ và rất có thể trong số đó có nhiều khoản nợ phải chuyển nhóm sâu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí lợi nhuận giảm mạnh. Kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp tiến trình trích lập dự phòng rủi ro diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính.
“Đây là điều hợp lý, bởi truyền thống xử lý nợ xấu của Việt Nam là không làm ngay một lúc như nhiều quốc gia khác, mà làm từ từ. Nếu xử lý ngay một lúc thì phải có nguồn tài chính bổ sung, nhưng do không có nguồn tài chính bổ sung nên các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự thu xếp với nhau dần dần về khoản nợ. Đó cũng chính là lý do ở Việt Nam có khái niệm lãi dự thu”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, vị chuyên gia cũng cho rằng, không nên kéo dài quá lâu Thông tư 02, mà nên gia hạn tối đa 1 năm, đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn. Do đó, nếu không kéo dài thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thì triển vọng hồi phục của nhiều doanh nghiệp rất nhỏ. Vì vậy, vị chuyên gia cũng khẳng định, việc xem xét gia hạn Thông tư 02 sau tháng 6/2024 là cần thiết.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Huân cũng lưu ý, điểm bất lợi của việc giữ nguyên nhóm nợ là bức tranh nợ xấu thực tế của các ngân hàng không được hiển thị rõ ràng trên báo cáo tài chính. “Mặt khác, so với các năm trước, hiện nhiều ngân hàng không còn nguồn lực dồi dào để trích lập dự phòng cho các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Do đó, nhiều ngân hàng sẽ phải cân nhắc, cân đối với sức khỏe tài chính của mình khi tiếp tục thực hiện chủ trương này”, TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Thông tư 02 góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp |
Kỳ vọng hiệu ứng rõ nét từ hai Thông tư của NHNN |
“Xoa dịu” nỗi lo nợ xấu |