Các địa phương “dốc lực” chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Giáp Thìn 2024
(PetroTimes) - Những ngày Lễ, Tết đang đến rất gần. Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, bán lẻ đang bước vào mùa “làm ăn” lớn nhất trong năm. Nhìn chung, thị trường hàng hóa Tết Giáp Thìn 2024 dồi dào, đa dạng chủng loại. Đặc biệt, theo thông tin từ các doanh nghiệp, giá cả hàng hóa thiết yếu ít biến động cùng với đó có rất nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được các doanh nghiệp “tung” ra dịp này.
Hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm lớn
Thông tin từ Sở Công Thương TP Hà Nội, Thành phố đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Tết Giáp Thìn 2024. Sở đã tổ chức khoảng 40 hoạt động giao thương và kết nối, hỗ trợ giới thiệu hơn 3.000 sản phẩm OCOP từ các tỉnh, thành phố khác vào thị trường Hà Nội, và kết nối tiêu thụ hơn 500.000 tấn hàng hóa. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức Hội chợ, tuần hàng, Lễ hội... cũng được thực hiện để đưa sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng một cách đầy đủ và kịp thời.
Cụ thể, tại nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn các chương trình bán hàng Tết cũng đang được thực hiện hết sức sôi động. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, Công ty đã chủ động dự trữ nhiều mặt hàng cho dịp Tết, bao gồm các sản phẩm mang thương hiệu Hapro như gạo, hạt điều rang, rượu vang, các loại thực phẩm chế biến và hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm. Hapro dự kiến tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo một siêu thị Co.op Mart ở Hà Nội, năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng của Saigon Co.op đáp ứng đủ mọi phân khúc tiêu dùng. Đặc biệt, còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Cùng với đó Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến. Lượng hàng dự trữ chiếm khoảng 10-20% sản lượng. Ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, doanh nghiệp còn giảm giá từ 10-20% các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần và giảm giá 30% một số nhóm hàng cho khách hàng mua sắm Tết muộn. |
Để công tác chuẩn bị hàng hóa cũng như hoạt động mua sắm của người dân được thuận lợi, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương bố trí địa điểm cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng và tổ chức các hội chợ, chợ hoa. Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng sau Tết
UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương bố trí địa điểm cho doanh nghiệp mở rộng mạng lưới bán hàng và tổ chức các hội chợ, chợ hoa. Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng sau Tết.
Cùng với Thủ đô, TP HCM cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng để cung ứng hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết. Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa trị giá hơn 22.000 tỷ đồng cho 2 tháng trước, trong và sau Tết, trong đó hàng bình ổn thị trường có giá trị 8.500 tỷ đồng. Lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường, với dự kiến cung ứng hàng tháng lớn, bao gồm 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, và nhiều mặt hàng khác như đường, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rau củ quả, thịt và thuỷ hải sản.
Ảnh: LĐTT |
Đặc biệt, để đối phó với tình hình thị trường và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu phức tạp, Sở Công Thương Thành phố đã mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường gạo, với cam kết cung cấp đủ gạo, giá cả hợp lý, và không chất bảo quản. Tại các chợ đầu mối và chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng dự kiến tăng khoảng 80% so với ngày thường vào thời điểm cận Tết, với tổng lượng hàng lên đến 13.000-15.000 tấn/ngày
Ngoài ra, các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã ký kết hợp đồng thu mua hàng hóa với nhà cung cấp và sẵn sàng tăng lượng hàng từ 2-3 lần so với ngày thường vào những ngày cận Tết. Các đơn vị này cũng cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá bán trong một tháng trước và sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu cho các mặt hàng thiết yếu trong hai ngày cận Tết
Đà Nẵng cũng là một trong những thành phố lớn lên kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp Tết từ sớm. Các siêu thị và nhà phân phối đã bắt đầu làm việc với các nhà cung cấp từ tháng 9 để chuẩn bị hàng hóa, với lượng hàng dự trữ tăng khoảng 35% so với năm trước. Sở Công Thương đã chuẩn bị hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu và kết nối các doanh nghiệp phân phối. Đặc biệt, từ ngày 23 đến 28/1/2024 sẽ có Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2024 với 250 gian hàng. Cục Quản lý thị trường cũng đã xây dựng kế hoạch chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Để đảm bảo thị trường mua sắm dịp cuối năm được an toàn, Đà Nẵng đã có nhiều động như tăng cường kiểm tra và giám sát thị trường. Các doanh nghiệp và cửa hàng đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa với giá bình ổn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Công Thương và các cơ quan liên quan đang triển khai nhiều sự kiện như Hội chợ Xuân và các chương trình khuyến mãi, đồng thời tăng cường giám sát thị trường để đảm bảo không có tình trạng gian lận thương mại hoặc buôn lậu
Là tỉnh có nhiều cửa khẩu giao thương trực tiếp với Trung Quốc, thị trường hàng hóa dịp cuối năm ở Lạng Sơn hiện được ghi nhận đã sôi động. Được biết, Lạng Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa và bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp và siêu thị đã chuẩn bị hàng hóa thiết yếu và tăng lượng hàng hóa dự trữ khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước. Sở Công Thương đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, và đôn đốc các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng buôn lậu và hàng giả để đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định giá cả.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và ổn định giá cả hàng hóa, Lạng Sơn đã tăng cường công tác kiểm tra và giám sát tại các cơ sở kinh doanh, nhằm ngăn chặn buôn lậu và hàng giả. Các đội quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Điều này góp phần đảm bảo một thị trường hàng hóa lành mạnh và an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết.
Cũng như nhiều tỉnh thành khác, Cần Thơ đã và đang chủ động chuẩn bị hàng hóa để ổn định thị trường và bình ổn giá cho dịp Tết. Thành phố đã xây dựng kế hoạch bình ổn giá với nguồn dự trữ hàng hóa lớn, và các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, LOTTE Mart, Winmart, đã gần như hoàn tất công tác chuẩn bị hàng hóa. Nguồn hàng chủ lực bao gồm thực phẩm, tiêu dùng tăng từ 20-40% so với Tết năm 2023. Các chương trình khuyến mãi và giảm giá cho dịp Tết cũng được triển khai, nhằm đảm bảo giá hàng hóa ổn định và phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Được biết các doanh nghiệp như Saigon Co.op và Central Retail, cùng các đơn vị khác tại Cần Thơ đã tăng dự trữ hàng hóa từ 20-50% so với ngày thường. Các chương trình khuyến mãi sẽ diễn ra từ cuối tháng 12, tập trung vào hàng thiết yếu và quà Tết.
Ở các địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Long An, và Trà Vinh, các kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cũng đã được thực hiện, với các hoạt động khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Như vậy, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên cả nước đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp mua sắm lớn cuối năm. Với những biện pháp kịp thời và phù hợp, các địa phương đang nỗ lực đảm bảo đầy đủ và ổn định nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.
Người tiêu dùng cần cảnh giác với hàng giả, hàng nhái. Ảnh minh họa. Nguồn: LĐTĐ |
Bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao đồng thời là thời điểm xuất hiện nhiều hàng giả, nhái trên thị trường. Nhiều loại sản phẩm từ mỹ phẩm, nước hoa đến thực phẩm đều có nguy cơ bị làm giả. Hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang gia tăng, đa dạng và khó kiểm soát, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng đang trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt là vào cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng đột ngột tăng cao. Điều này đặt ra những thách thức lớn về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam dự kiến tăng 20% trong năm 2022, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ toàn quốc. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử tăng 25%, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, điều lo ngại là sự gia tăng này đồng điệu với việc hàng giả và hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội.
Thương mại điện tử không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mở ra cánh cửa cho hàng loạt sản phẩm giả mạo. Người tiêu dùng, khó phân biệt đâu là hàng thật và đâu là hàng giả, đứng trước rủi ro mua phải sản phẩm kém chất lượng hoặc thậm chí độc hại cho sức khỏe. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, việc mất lòng tin và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu là không tránh khỏi.
Để đối mặt với tình trạng này, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể thực hiện một số biện pháp nhất định.
Thứ nhất, trước khi mua sắm, người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin về nguồn gốc hàng hóa, tem chống hàng giả, mã QR, và nhãn mác để đảm bảo tính xác thực của sản phẩm.
Thứ hai, các sàn thương mại điện tử cần có chính sách rõ ràng về thông tin người bán và phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc của hàng hóa.
Thứ ba, các đơn vị quản lý như cơ quan quản lý thị trường, doanh nghiệp, và thuế cần phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng hàng giả.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục có thể giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật và hàng giả.
Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc ngăn chặn hàng giả và hàng nhái đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Bằng cách tăng cường nhận thức và thực hiện biện pháp ngăn chặn, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ cho người tiêu dùng và bảo vệ uy tín thương hiệu, góp phần xây dựng một môi trường thương mại công bằng và an toàn.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, các hệ thống phân phối đều đang triển khai xây dựng chiến lược phân phối thực phẩm cũng như hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp rất tự tin về nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết. Chắc chắn giá cả sẽ không có nhiều biến động. Về việc dự trữ hàng hóa, các doanh nghiệp cũng đang tiếp tục nắm bắt thông tin từ tín hiệu thị trường, tâm lý của người tiêu dùng để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ. |
Vân Anh