Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ
Những ngày này, người dân xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa tranh thủ ra đồi hái quýt hoi, lấy vỏ làm thức uống, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ.
Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, người dân xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa tất bật thu hoạch quả quýt hoi (hay còn gọi là quýt hôi). Người dân địa phương cho biết, đây là loại cây có từ lâu đời, mọc tự nhiên ngoài vườn đồi và trên các dãy núi cao.
Chị Lò Thị Hoài (bản Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) cho biết, quả quýt hoi có vị chua nên người dân trong vùng chủ yếu hái quả để chế biến làm trà uống nước.
Những năm trở lại đây, quýt hoi được nhiều người yêu thích. Vì vậy, mỗi vụ quýt hoi, người dân địa phương thường lên đồi hái quả về làm trà, ngâm mật ong và rượu để bán cho khách du lịch. Công việc này đem lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ.
Theo chị Hoài, quy trình sản xuất trà quýt hoi mất nhiều công đoạn. Sau khi hái về, quýt cần được rửa sạch, để ráo.
Sau đó, người chế biến dùng dao nhọn để tách lấy phần vỏ của quả quýt hoi.
Cuối cùng là thái nhỏ phần vỏ quýt hoi, phơi qua nắng rồi cho lên chảo để rang vàng. "Đây là công đoạn rất quan trọng. Vỏ quýt sau khi rang khô sẽ có mùi thơm đặc trưng", chị Hoài cho biết thêm.
Ngoài sản phẩm trà quýt hoi, người dân địa phương còn chế biến vỏ quýt hoi thành thảo dược và thức uống mang hương vị vùng núi cao như: vỏ quýt ngâm mật ong rừng, rượu quýt hoi.
"Quýt hoi có công dụng trị ho rất tốt, khi ngâm với mật ong sẽ tạo thành bài thuốc giá trị cho trẻ em và người già. Rượu quýt hoi cũng có vị thơm đặc trưng. Nhiều năm qua, khách du lịch khi về khu du lịch Pù Luông rất thích thú với sản phẩm này", chị Hoài nói.
Một bình mật ong ngâm vỏ quýt hoi có giá bán 1-1,5 triệu đồng. Đây là sản phẩm đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Sau khi tách lấy vỏ, những múi quýt hoi được sử dụng để rửa bát, đĩa.
Ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, cho biết, trước kia quýt hoi mọc nhiều ven rừng, đồi. Mỗi nhà dân trên địa bàn đều có cây quýt hoi. Tuy nhiên, có một thời gian cây quýt hoi bị phá bỏ, không còn nhiều.
Những năm qua, địa phương đang phục tráng, phát triển lại nghề trồng quýt hoi. "Ngoài những vườn quýt hoi của người dân, chúng tôi mới lập đề án, trồng hơn 7ha quýt hoi. Đây là sản phẩm đem lại thu nhập cao và hiệu quả cho người dân địa phương. Hiện giá quýt hoi được bán 15.000-20.000 đồng/kg tươi", ông Công cho biết thêm.
Theo ông Công, đặc sản quýt hoi cũng gắn với việc phát triển du lịch ở địa phương. Vì vậy, thời gian qua, người dân đã sáng tạo, chế biến các sản phẩm trà, mật ong quýt hoi, đem lại thu nhập ổn định.
Theo Dân trí