Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Nhân học
(Petrotimes) - Liên hoan phim Quốc tế nhân học lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam sẽ được diễn ra từ ngày 10 đến ngày 14/11 tại TP HCM.
Lần đầu tổ chức tại Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Nhân học nhận được số lượng phim gửi đến tham dự khá lớn (70 bộ phim) và từ nhiều nước khác nhau trên thế giới (Mỹ, Đức, Anh, Úc, Nhật, Trung Quốc, Italia, Irland, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Serbia, Rumania, Estonia, Nepal, Indonesia, Việt Nam...). Trong đó có 22 nhà làm phim quốc tế đã đăng ký tự chi trả phương tiện di chuyển để đến TP HCM tham dự Liên hoan.
Cảnh trong phim "Chúng tôi muốn bạn biết"
Có 15 nhà làm phim Việt Nam gửi 18 phim tham dự. BTC đã lựa chọn được 55 trong số 70 phim được gửi đến để trình chiếu tại Liên hoan phim, tất cả các phim này tạo nên sự phong phú về đề tài và phong cách làm phim nhân học.
Phim nhân học (hay phim dân tộc học) thời kỳ đầu đơn giản thường chỉ là sự mô tả sống động những bối cảnh văn hóa, những hành vi, những phong tục kỳ lạ của những tộc người hay những nhóm người mà văn hóa của họ được coi là “dã man” hay xa lạ với văn hóa phương Tây.
Một loạt phim của thời kỳ này như Nanook của phương Bắc (Đạo diễn Flaherty), sery phim về người Cung ở Tây Phi của J. Marshall, hay bộ phim Chim chết của R. Gardner… đã trở thành những bộ phim tài liệu kinh điển “hay nhất mọi thời đại”.
"Những con ngựa hoang"
Đại diện BTC, ông Bùi Quang Thắng cho biết: “Phim Nhân học cũng là một thể loại nghệ thuật, nếu thiếu đi yếu tố nghệ thuật thì phim Nhân học chỉ còn lại là những mớ tài liệu khô cứng, không tác động được đến tình cảm của công chúng và như vậy thì sẽ mất đi một chức năng căn bản của mình là: chia sẻ cảm xúc”.
“Những cảnh quay chân thực, sống động với giọng điệu của chủ thể (thay vì lời bình), những kỹ thuật cũng đồng thời là nghệ thuật quay/dựng phim, những kết cấu tính kịch cao trong phim… đã làm nên điều đó”.
Nhiều nhà làm phim Nhân học đã hướng nghiên cứu của mình vào chính những xã hội hiện đại mà họ đang sống, trong sự vận động và bằng chính cái nhìn của chủ thể văn hóa ấy.
Các đề tài trong xã hội hiện đại như di cư, nhập cư, đồng tính, các nhóm nghèo, biến đổi văn hóa... đang trở nên phổ biến ở hệ thống phim nhân học ngày nay.
"Ông lão bán chuối"
"Trận cầu bùn"
Dù có sự biến đổi, phát triển thế nào thì phim nhân học vẫn còn lại những đặc điểm căn bản của nó, đó là thể loại phim tài liệu (tức là không hư cấu - No fiction Film) về những nền văn hóa khác nhau trên hành tinh này hoặc về những tiểu văn hóa của các nhóm xã hội trong xã hội hiện đại trên cơ sở một quan điểm nhân học nào đó.
Liên hoan phim sẽ trình chiếu 55 phim tại 3 điểm ở TP HCM, mỗi điểm 2 suất chiếu (sáng và chiều); các điểm chiếu: trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Đại học Văn hóa; Trung tâm Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh.
Nguyễn Hiển