Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam
(PetroTimes) - Ngày 22/11, Trường Đại học Đại Nam phối hợp cùng trường Đại học Á Châu (Đài Loan) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu là các nhà quản lí đến từ các cơ quan lãnh đạo và quản lí nhà nước như: Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan; cán bộ, giảng viên và nhà khoa học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước; chuyên gia tài chính, ngân hàng và công nghệ đến từ các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và công ty Fintech.
TS Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đại Nam chia sẻ: Trong thời đại cách mạng 4.0 và nền kinh tế số hoá hiện nay là làm thế nào để có thể phát triển công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam để không bị lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
TS Lê Đắc Sơn nhấn mạnh, hội thảo“Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam” được trường Đại học Đại Nam phối hợp tổ chức nhằm thảo luận, chia sẻ về các vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính và hướng tới ba mục tiêu cơ bản, đó là: Đánh giá thực trạng về sự phát triển Fintech trên thế giới và những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Tạo cơ hội cho các công ty Fintech, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp đang áp dụng và sử dụng các sản phẩm Fintech nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, từ đó, đề xuất các khuyến nghị nhằm góp phần tạo dựng một hệ sinh thái thuận lợi hơn đối với phát triển Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới; Nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo về lĩnh vực Fintech tại các trường đại học trước những cơ hội và thách thức của thời đại số hóa hiện nay. Về những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của các công ty Fintech, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp từ đó đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn; và triển khai nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo về Fintech tại các trường đại học.
TS Lê Đắc Sơn cho biết, hội thảo đã tiếp nhận được hơn 100 bài viết của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia Fintech trong và ngoài nước, các nhà quản lý và các chuyên gia Fintech. Các bài viết và đề xuất nghiên cứu đều tập trung khai thác những vấn đề chính của chủ đề hội thảo như hoàn thiện hành lang pháp lí, thúc đẩy khả năng hợp tác giữa ngân hàng thương mại, doanh nghiệp với công ty Fintech và bao gồm cả những yêu cầu về quản lí rủi ro cũng như đào tạo đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Fintech tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia Fintech: Mr. Hessel Abbink Spaink (Hà Lan), Mr. Maxx Tsai (Đài Loan), Mrs. Vaz, Elishia, Benchmark Suite (Mỹ), Dr. Hans Chen (Đài Loan); các diễn giả trong nước: ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; TS.Nguyễn Tú Anh - Giám đốc trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, TS. Vũ Nhữ Thắng - Phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV; bà Nguyễn Thị Minh Ngân - Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hà Nội… đã chia sẻ tại các phiên thảo luận về thể chế, chính sách; về tiềm năng, động lực phát triển Fintech.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV chia sẻ tại hội thảo. |
Với tham luận “Fintech tại Viẹt Nam - Thực trạng, xu hướng phát triển và kiến nghị chính sách”, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cho biết: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Ngân hàng nhà nước cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay các sản phẩm - dịch vụ mô hình Fintech ở Việt Nam dần trở nên phổ biến. Ngân hàng số (digital banking) các tổ chức nhận tiền gửi cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng điện tử/số thay vì chi nhánh vật lý. Ngân hàng số có đầy đủ các dịch vụ phục vụ khách hàng thông qua các kênh kỹ thuật số. Ngân hàng cũng trở thành một sàn giao dịch như Hệ sinh thái gồm các sản phẩm dịch vụ thông qua các giao diện lập trình ứng dụng (API)… từ đó đem hệ sinh thái số áp dụng vào phương thức hoạt động của đơn vị.
TS. Cấn Văn Lực cũng đã chỉ ra lợi ích và rủi ro, thách thức của Fintech, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành đó là: Việt Nam nên chuyển đổi cách tiếp cận chờ đợi và quan sát sang cách tiếp cận chủ động hơn. Kinh nghiệm quốc tế (đặc biệt tại Phillippines và Kennya) cho thấy Việt Nam có thể dùng cách tiếp cận “ Thử nghiệm và học hỏi” để quản lý Fintech; Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, khung pháp lý: Sớm hoàn thiện cơ chế Sandbox hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và nhân rộng sang lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, lĩnh vực khá, tổng kết hoạt động Mobile Money để có quyết sách tiếp theo; Nên có một cơ quan chủ trì đầu mối quản lý (Uỷ ban liên ngành) để đơn giản hoá thủ tục, xây dựng quy định một cách đồng bộ, nhất quán.
Cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech tại Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp với sự kết hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân; cần quan tâm phát triển hạ tầng, các công nghệ số: 5G, điện toá đám mây, AI, Blockchain, quản lý an ninh mạng, an toàn dự lệu, thúc đẩy giáo dục tài chính...
Kết thúc hội thảo, những kiến nghị, phản ánh sẽ được tập hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng như các bộ, ngành và các đơn vị liên quan với kì vọng sẽ góp phần vào sự hoàn thiện hệ sinh thái phát triển tại Việt Nam, bắt kịp với xu thế và sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
N.H