Cần có quy hoạch các tổng kho LNG trên cả nước
(PetroTimes) - Đó là nhận định của ông Huỳnh Quang Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tại Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức diễn ra sáng ngày 22/11 tại Hà Nội.
Tham luận tại Diễn đàn, ông Huỳnh Quang Hải chia sẻ, xây dựng và quy hoạch các tổng kho chứa khí LNG hiện nay là khó khăn nhất. "Quan điểm của chúng tôi là làm một tổng kho để cấp cho nhiều nhà máy điện trong cùng khu vực, nhưng các địa phương vẫn chưa có quy hoạch về kho và đường ống dẫn khí nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn".
Ông Huỳnh Quang Hải - Phó Tổng Giám đốc PV GAS trình bày tham luận tại Diễn đàn |
Chia sẻ về vai trò của PV GAS trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII, ông Hải cho biết, đối với lĩnh vực khí LNG, PV GAS là đơn vị tiên phong xây dựng hệ thống hạ tầng LNG để nhập khẩu khí tại Việt Nam, được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG số 01/GCNĐĐK-BCT ngày 5/5/2023, sẵn sàng nhập khẩu LNG từ năm 2023. Dự án Kho chứa LNG tại Thị Vải do PV GAS làm chủ đầu tư đã hoàn thành thi công xây dựng, chạy thử và đưa vào vận từ ngày 1/8/2023. Việc hoàn thành dự án và vận hành thương mại kho LNG đầu tiên tại Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của PV GAS và ngành khí Việt Nam, góp phần đưa cụm cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung lên bản đồ năng lượng thế giới.
PV GAS đang có kế hoạch đầu tư các kho LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm cung cấp cho các trung tâm nhiệt điện vệ tinh” tại 3 khu vực (Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Bộ/Bắc Trung Bộ), để tận dụng tính tối ưu theo mô hình về chi phí cho tất cả các khâu bao gồm mua nguồn LNG, đầu tư hạ tầng, phân phối và truyền tải, góp phần giảm giá thành sản xuất điện từ nguồn LNG nhập khẩu.
Cụ thể: PV GAS đang triển khai giai đoạn 2 nâng công suất Kho Cảng LNG Thị Vải tại khu vực Đông Nam Bộ lên 3-5 triệu tấn/năm vào năm 2026. Ở khu vực Nam Trung Bộ, PV GAS cùng với Tập đoàn AES Hoa Kỳ đang triển khai dự án Kho Cảng LNG Sơn Mỹ để đưa vào vận hành, khai thác từ năm 2026 với công suất giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm. Đối với khu vực phía Bắc (Bắc Bộ/Bắc Trung Bộ), PV GAS đang có kế hoạch đầu tư Kho cảng LNG phía Bắc với công suất giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 6 triệu tấn/năm. Như vậy có thể thấy, PV GAS đã và đang tiên phong trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu và cung cấp LNG cho thị trường.
Dự án Kho LNG Thị Vải do PV GAS làm chủ đầu tư |
Cũng theo ông Hải, đến năm 2030, để đáp ứng nhu cầu khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất đạt 22.400 MW cần tổng công suất kho chứa có thể cung cấp được khoảng 15-18 triệu tấn LNG/năm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ duy nhất dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn LNG/năm được đưa vào vận hành và đang triển khai giai đoạn 2 nâng công suất. Trong khi đó, việc xây dựng các kho LNG này có yêu cầu cao về kỹ thuật, kinh nghiệm, tuân thủ theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn, thực hiện trong thời gian rất ngắn (khoảng 7 năm) với khối lượng công việc và nhu vốn đầu tư rất lớn.
Từ thực tế triển khai các dự án LNG trong thời gian qua, PV GAS nhận thấy còn một số tồn tại, thách thức trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII như:
Thứ nhất, tính đồng bộ quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương: các dự án LNG cần diện tích đất, mặt nước lớn, các dự án đường ống dẫn khí đi qua nhiều địa bàn dân cư và yêu cầu có diện tích đất lớn để bố trí hành lang tuyến ống theo quy định. Trong khi đó, hiện nay các quy hoạch ngành, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh/thành phố chưa cập nhật phù hợp Quy hoạch điện VIII nên dẫn tới khó khăn liên quan đến việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, thỏa thuận địa điểm/hướng tuyến… tốn nhiều thời gian và rủi ro kéo dài tiến độ dự án.
Thứ hai, chưa có cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, phê duyệt cước phí qua kho và đường ống đưa LNG đến nhà máy điện, nguyên tắc phân bổ LNG nhập khẩu cùng với các nguồn khí nội địa cho các nhà máy điện.
Chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về LNG để việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật LNG bảo đảm an toàn phù hợp với các thông lệ quốc tế. Vì vậy, cần phải rà soát, cập nhật, bổ sung và xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về LNG, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện phát triển các dự án điện khí (LNG) và thị trường LNG trong tương lai.
Thứ ba, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 có 13 nhà máy điện khí LNG được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư có xu hướng triển khai dự án theo cấu hình: “1 Trung tâm Điện lực (Nhà máy điện) + 1 Kho cảng nhập LNG”. Điều này, đồng nghĩa với việc có bao nhiêu Trung tâm Điện lực (nhà máy điện) thì sẽ xuất hiện bấy nhiêu Kho cảng nhập LNG phủ kín dọc theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam. Việc này dẫn đến không thể tận dụng hết nguồn lực hạ tầng sẵn có, lãng phí tài nguyên cảng biển, khó kết nối tạo thành một hệ thống hạ tầng LNG tổng thể chung, qua đó khó có thể bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, duy trì sự ổn định và đồng bộ với quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp khí trên toàn quốc.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm đề xuất đầu tư hạ tầng LNG để cấp khí cho nhà máy điện. Trong khi đó, việc xây dựng hạ tầng này yêu cầu cao về kỹ thuật, nguồn lực tài chính lớn và kinh nghiệm của nhà đầu tư nhằm bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và vận hành liên tục hệ thống.
Ông Hải cho rằng, ngoài những nhóm vấn đề chính nêu trên, việc thực hiện Quy hoạch điện VIII vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro, thách thức khác, như:
Để đảm bảo an ninh năng lượng và lợi ích quốc gia, nhất thiết phải cân đối hài hòa giữa sản lượng nhập khẩu và sản lượng khai thác khí trong nước. Nghĩa là chỉ nhập khẩu LNG ở mức độ phù hợp với nhu cầu mà sản lượng khí trong nước còn thiếu hụt, vì việc phát triển các nguồn khí nội địa mang lại nguồn thu cho ngân sách quốc gia lớn hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu LNG.
Theo lộ trình Quy hoạch điện VIII, đến năm 2050, để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon như cam kết của Chính phủ tại COP26, các nhà máy nhiệt điện khí trong nước sẽ chuyển sử dụng LNG hoặc bằng hydro; đồng thời các nhà máy điện LNG sẽ chuyển sang đốt kèm hydro hoặc chạy hoàn toàn bằng hydro.
Như vậy, có thể thấy, trong trường hợp dự án khí trong nước/kho cảng LNG mới hoàn thành vào năm 2030, sẽ chỉ có khoảng 20 năm vận hành khi nhà máy điện chuyển sang đốt kèm/chạy hoàn toàn bằng hydro. Mặc dù, lộ trình chuyển đổi sang hydro còn phụ thuộc nhiều yếu tố như công nghệ, giá thành hydro, tuy nhiên với vòng đời dự án ngắn (các dự án khí thường có vòng đời dự án tổi thiểu 30 năm), việc nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và ra quyết định phê duyệt, triển khai dự án sẽ rất khó khăn.
Từ những bất cập nêu trên, ông Huỳnh Quang Hải kiến nghị các bộ ngành và địa phương cần rà soát đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa các quy hoạch và kế hoạch thực hiện: Quy hoạch điện VIII; quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia; quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước; các quy hoạch địa phương, đặc biệt là quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.
Về cơ chế chính sách, theo ông Huỳnh Quang Hải, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện như: cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa và bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện; phê duyệt cước phí qua kho, cước phí đường ống.
PV GAS là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khí. Được thành lập ngày 20/9/1990, với bề dày kinh nghiệm hơn 32 năm hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, kinh doanh khí và các sản phẩm khí, PV GAS luôn tự hào là đơn vị dẫn đầu, lá cờ đầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Doanh nghiệp chủ lực của ngành công nghiệp khí nước nhà. Hàng năm, PV GAS cung cấp khí đầu vào để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm toàn quốc và đáp ứng gần 70% sản lượng LPG cả nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực quốc gia. PV GAS có nhiều thế mạnh để ngày càng phát huy vai trò phát triển, dẫn dắt lĩnh vực công nghiệp khí của Việt Nam. |
Huy Tùng