Các doanh nghiệp đề xuất gì tại hội nghị tín dụng bất động sản và phát triển NƠXH?
(PetroTimes) - Ngày 13/11/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.
NHNN sẽ họp cùng các bộ, ngành về thị trường bất động sản |
NHNN công bố 5 giải pháp chính gỡ khó cho thị trường bất động sản |
Được biết, hội nghị nhằm triển khai tích cực Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng bất động sản.
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, khó khăn về pháp lý - chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp Bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu.
Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao. Trên cơ sở các vướng mắc và khó khăn trên, Tập đoàn Novaland cũng thay mặt nhiều doanh nghiệp cùng ngành, xin phép được mạnh dạn đề xuất các phương án tháo gỡ sau đây nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Về mặt thủ tục pháp lý: Kính đề nghị Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong việc sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP nhằm có phương án cuối cùng trong quản lý sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất tại các dự án của Novaland và các dự án đang ách tắc trên cả nước.
Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (bên trái) |
Tổng giám đốc Novaland cũng kính đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao.
Đồng thời, kính đề nghị Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật Đầu tư để Quy trình Đầu tư - Giao đất - Quy hoạch - Cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.
Ngoài ra, lãnh đạo Novaland đề nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố và có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (năm 2022, 2023 và 2024).
Về mặt tín dụng, kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn dòng thanh toán cho Doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN, giúp tổ chức tín dụng có thể sử dụng tối đa 34% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn như hiện giờ, thay vì 30%. Từ đó, sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, mà vẫn không gây rủi ro về an toàn cho hệ thống tín dụng. Kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn nợ tối đa 24 tháng theo Thông tư 02 (thay vì tối đa 12 tháng như hiện tại), áp dụng chung cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân nhằm đáp ứng được yêu cầu cơ cấu nợ toàn diện, gỡ khó cho nền kinh tế.
"Kính mong Văn phòng Chính phủ và NHNN xem xét các kiến nghị trên để đưa ra những phương án cụ thể, giúp các Doanh nghiệp tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc nguồn vốn, hoàn thiện pháp lý, tiếp tục triển khai các cụm dự án, giao nhà cho khách hàng và trả nợ cho các tổ chức tín dụng, trả các khoản trái phiếu cũng như tạo hàng ngàn công ăn việc làm khi các công trình đưa vào vận hành khai thác", Tổng giám đốc Novaland cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản chưa tiếp cận được lãi suất thấp, nhất là với các khoản vay cũ. Ngân hàng thương mại hạn chế room tín dụng và có xu hướng ưu tiên lựa chọn khách hàng chấp nhận lãi suất cao.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cho hay, tập đoàn này không vướng mắc về tín dụng ngân hàng tại thời điểm hiện tại. Tuy vậy, ông Hiệp cho rằng mức lãi suất cho vay bất động sản vẫn còn cao hơn so với lãi suất trên thị trường.
“Chúng tôi đi vay, năm đầu được ưu đãi 8%. Hết tháng 6/2023 thì theo lãi suất trôi nổi là 10,5%, lúc đầu là 11%. Cho đến tháng 10 vừa rồi vẫn tính chúng tôi là 9,5%. Hiện lãi suất huy động đang là 4,75%, cộng thêm biên độ 3% thì chỉ đến 8% là cùng. Chúng tôi cho rằng NHNN đã có chỉ đạo rất sát sao, hạ lãi suất điều hành, lãi suất tín dụng, nhưng doanh nghiệp chúng tôi vẫn phải tiếp cận với lãi suất rất cao”, đại diện GP.Invest nói.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh/Ảnh Thắng Nguyễn |
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết thời gian gần đây Tập đoàn Hưng Thịnh đã tái cơ cấu mạnh mẽ và quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh. Vừa qua, LPBank sau khi tìm hiểu kỹ những dự án của chúng tôi đã quyết định cấp hạn mức cho vay 5000 tỷ đồng. Gói tín dụng của LPBank giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn Hưng Thịnh và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở.
Ông Cường cũng đưa ra 2 đề xuất đến NHNN: "Chúng tôi đề xuất NHNN có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, đồng thời kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay".
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đưa ra những bình luận, sau khi thực hiện nhiều giải pháp, thị trường này đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nếu thị trường được hanh thông sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; Sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...
Huy Tùng (t/h)