Làm sao để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ mà không thao túng tiền tệ?
Đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ là điều cần thiết để thúc đẩy ngoại thương của Việt Nam. Nhưng chúng ta cần có chính sách điều chỉnh tỷ giá phù hợp, tránh lọt vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ.
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa sáu nền kinh tế vào danh sách giám sát, bao gồm Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam vượt ngưỡng hai tiêu chí là thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Mỹ (đạt 105 tỉ USD, vượt ngưỡng 15 tỉ USD) và thặng dư cán cân vãng lai (đạt 19 tỉ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP). Để hiểu rõ hơn về câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng |
- Ông có nhìn nhận như thế nào về vấn đề nêu trên, thưa ông?
Trước hết, chúng ta cần hiểu Mỹ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí gồm: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không vượt quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP, và tiêu chí dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của Ngân hàng Trung ương tính trong 12 tháng.
Theo báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" mà Bộ Tài chính Mỹ ban hành, thì Việt Nam đã có hai tiêu chí vượt ngưỡng và lọt vào “danh sách giám sát”. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa được xác định là thao túng tiền tệ.
Chính phủ Mỹ quan niệm rằng, những quốc gia lợi dụng tình hình ngoại thương giữa Mỹ với các nước sở tại thể hiện qua cán cân thương mại, số dư trên tài khoản vãng lai và việc mua ròng ngoại tệ để tăng tỷ giá lên, giúp có lợi cho hoạt động xuất khẩu đều là những nước cần phải có cảnh báo và sau đó là trừng phạt. Các yếu tố đều được Mỹ thực hiện một cách rất kỹ thuật, chỉ cần đạt đủ 3 tiêu chí thì sẽ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, bất kể quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các nước đó như thế nào.
Năm ngoái, Đài Loan hay Thụy Sĩ đều là những đồng minh thân thiết của Mỹ nhưng cũng bị đưa vào danh sách này. Riêng Việt Nam đã có nhiều lần “ra -vào” trong danh sách giám sát của Mỹ và đó cũng là vấn đề khá đáng quan tâm. Thông thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm cách hạ nhiệt tỷ giá để làm dịu căng thẳng ngoại thương giữa hai nước.
Gần đây, Việt Nam - Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, mặc dù quan hệ tốt đẹp, nhưng Mỹ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách giám sát cho thấy nước Mỹ rất thẳng thắn. Chúng ta không nên quá lo lắng về điều này, nhưng cũng không thể bỏ qua các tín hiệu như vậy. Bởi vì nếu các tiêu chí trên tiếp tục tăng cao trong vòng 6 tháng đến 1 năm và lọt vào danh sách thao túng tiền tệ, khi đó Mỹ có thể sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt.
- Xin ông cho biết, nếu xảy ra tình huống như vậy, sẽ tác động và ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Thứ nhất, Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu với các hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của chúng ta, tới cả nền kinh tế chung, do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này không những ảnh hưởng đến ngoại thương, mà còn ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng GDP đang trong bối cảnh gặp nhiều thách thức. Thực tế nó chỉ mang tính chất thương mại, còn về mặt chính trị, ngoại giao sẽ không bị tác động quá nhiều.
Việt Nam cần giữ tỷ giá ở mức ổn định, không mua ròng ngoại tệ quá mạnh trong thời gian liên tục |
Thứ hai, nhà điều hành, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải cân đối, tính toán để vừa nghiêm túc trong việc giải quyết các quan ngại từ phía Mỹ, vừa duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính, tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Có thể thấy trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã luôn chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế; Không sử dụng chính sách tỷ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng; Đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Chính điều này cũng đã được phía Mỹ ghi nhận và đánh giá cao.
- Vậy Việt Nam cần làm gì để đảm bảo các hoạt động ngoại thương, xuất khẩu với Mỹ nhưng không lọt vào danh sách thao túng tiền tệ của quốc gia này?
Chúng ta đều biết, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh vấn đề xuất khẩu, trong đó xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ từ trước đến nay vốn đã cao, luôn vượt mức 2% GDP.
Thực tế đây là điều cần thiết để đẩy mạnh ngoại thương của Việt Nam, khi khu vực xuất khẩu đang bắt đầu hồi phục sau thời gian dài ảm đạm, mà Mỹ lại là thị trường lớn nên việc đẩy mạnh hàng hóa sang Mỹ là tất yếu. Kéo theo đó, nếu xuất khẩu của Việt Nam mạnh lên, thì đương nhiên số dư trên cán cân vãng lai tăng là vấn đề khó tránh.
Điều chúng ta có thể làm được trong khả năng đó là điều chỉnh tỷ giá để không mua ròng ngoại tệ quá mạnh trong thời gian liên tục. Nghĩa là Việt Nam cần phải giữ tỷ giá ở mức ổn định và tôi tin chắc Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện được, để tránh đáp ứng tiêu chí thứ ba, gây ấn tượng không tốt cho Mỹ là tìm cách tăng tỷ giá nhằm có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Với các doanh nghiệp thì không thể làm gì khác được, vì doanh nghiệp không có các công cụ chính sách tiền tệ, họ càng bán được nhiều hàng thì càng tốt và Chính phủ cũng khuyến khích điều này. Tuy nhiên với các doanh nghiệp nhập khẩu, nếu chúng ta có nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Mỹ trong khả năng cho phép và trong lợi ích của đất nước, thì nên tăng nhập khẩu lên, để chứng tỏ Việt Nam không lợi dụng quá lớn lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu của mình với Mỹ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp