Đầu tư chứng khoán - Canh bạc nghiệt ngã hay mỏ vàng ròng?
Bài 4: Những chiêu “lùa gà" của “cá mập" chứng khoán
(PetroTimes) - Tháng 6/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hàng loạt lãnh đạo, nhân viên thuộc các công ty "họ" APEC. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều nhân vật thuộc Công ty Trí Việt, Công ty Louis Holdings, Công ty cổ phần tập đoàn FLC...
Bài 1: Bùng nổ thị trường chứng khoán và câu chuyện "người người rủ nhau chơi chứng" |
Bài 2: Công ty chứng khoán "coi nhẹ" bảo mật, nhà đầu tư mất oan tiền tỷ?! |
Bài 3: Những con nghiện “chứng" |
Điều này cho thấy Chính phủ rất quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh cho thị trường chứng khoán (TTCK) - một trong những kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Cũng từ đây, những chiêu trò “lùa gà” của những "cá mập" cũng bị bóc trần...
Lãnh đạo các công ty thuộc "họ" APEC bị khởi tố về hành vi thao túng chứng khoán. |
Chiêu "lùa gà" của "thầy" APEC
Nếu có thời gian đầu tư nhất định trên TTCK, chắc hẳn các nhà đầu tư đều nghe đến các "họ" cổ phiếu lẫy lừng, do các "thầy" cùng đội lái tung hô nhiệt thành. Từ thầy "dáng cao, mắt hiền" (Quyết FLC) cho đến thầy Tuấn "mượt", Tuấn A7, rồi thầy Nhân Louis... từng được phong là những "cá mập", có thể điều khiển được thị trường. Song thực chất, hầu như các thầy là chuyên gia "quay tay", tự bán tự mua mã cổ phiếu công ty của mình, tạo cung cầu giả để lùa gà.
Gần đây nhất nhóm cổ phiếu họ APEC của "thầy Lăng" (Nguyễn Đỗ Lăng- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương) đã khiến cho hàng ngàn nhà đầu tư phải ôm hận.
Từ đầu đến tháng 6/2023, TTCK Việt Nam đã có sự hồi phục ấn tượng, và cũng là thời điểm các cổ phiếu họ APEC (gồm các mã APS, API và IDJ) nổi sóng trở lại. Từ thị giá chỉ bằng ly trà đá (3-4 ngàn đồng) cổ phiếu IDJ đã tăng lên khoảng 8 ngàn đồng. Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 6 mã này đã tăng một mạch lên 16 ngàn đồng/cổ phiếu. Tương tự, các mã APS, API đều tăng 80-100% chỉ sau một thời gian ngắn.
Cùng với sự hồi phục đó thì có rất nhiều broker, các hội nhóm trên mạng xã hội hô mua "họ APEC" là "auto giàu". Và cũng có rất nhiều nhà đầu tư đu bám theo.
Nhìn lại lịch sử tăng giá của các cổ phiếu trên vào các năm 2020-2021, nhiều người tin rằng "đội lái" sẽ đánh lên gấp đôi, gấp ba thì mới "xả hàng". Chẳng ngờ, ngày 8/6/2023, cả ba cổ phiếu họ APEC bắt đầu giảm mạnh với thanh khoản lớn. Hồi lại một hai nhịp, ngày 19/6/2023, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu APS, API và IDJ bắt đầu cảm thấy run sợ khi bị "nhốt sàn" (cổ phiếu giảm hết biên độ nhưng không có thanh khoản). Mạch giảm sàn kéo dài hàng chục phiên, khiến cho tài khoản của nhà đầu tư âm đến 70-80%. Cho đến thời điểm này, nhóm cổ phiếu APEC vẫn đang lóp ngóp ở vùng đáy, thị giá chỉ hơn ly trà đá một chút.
Nhưng đây không phải lần đầu nhóm cổ phiếu họ APEC khiến cho các nhà đầu tư xây xẩm mặt mày. Giai đoạn cuối năm 2021, nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" từ giá 30-40 ngàn đồng/cổ phiếu, không ngờ nó giảm một mạch, chạm đáy chỉ còn 4 ngàn đồng/cổ phiếu. Nhiều người đã mất tất cả vốn lẫn lãi.
Sở dĩ nhiều người tin tưởng đầu tư vào các cổ phiếu họ APEC một phần cũng vì được tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào cuối tháng 11/2021. Cuối buổi họp, Chủ tịch Công ty Chứng khoán APEC đã hướng dẫn cổ đông cùng đọc "Lời tuyên thệ của người APEC" hết sức ấn tượng:
"Ngày hôm nay, tôi bắt đầu một cuộc đời mới. Mọi thứ đến với tôi chính là một món quà. Tôi biết ơn và xin đón nhận tất cả, bằng một tình yêu thương vô tận. Tôi nguyện cùng anh em nỗ lực từng phút giây, không ngừng cải tiến, đưa công ty trở thành doanh nghiệp sáng tạo nhất toàn cầu, đem tới giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tôi sẽ luôn sống trung thực và quyết tâm theo đuổi sự kỷ luật đến tận cùng, trong mọi suy nghĩ và hành động. Tại đây và ngay bây giờ, tôi cam kết với chính tôi và những điều tôi nói, với danh dự, tiền bạc và hạnh phúc của chính mình".
"Đại hội gồng lãi" của Công ty chứng khoán APEC. |
Tiếp đó, lãnh đạo Chứng khoán APEC "hô khẩu quyết của người APEC", gồm: Sáng tạo - Cống hiến - Phụng sự - Quyết tâm - Gồng lãi. Đồng thời hô to: "APEC - Quyết tâm gồng lãi, gồng lãi, gồng lãi!”.
Trót tin vào quyết tâm của chủ tịch APEC, nhà đầu tư Trần Hưng (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã "ôm" cổ phiếu này từ thị giá 60 ngàn đồng, cho đến đáy chỉ còn 3.800 đồng. Đầu tháng 6/2023, thị giá cổ phiếu này hồi về 16 ngàn đồng, thì cũng ngay sau đó lại giảm một mạch về giá 5-6 ngàn đồng.
Và cuối cùng, trò “quay tay” của bộ sậu chứng khoán APEC cũng đã bị phát giác. Sau một thời gian điều tra cuối tháng 6/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), Công ty CP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam.
Tiếp đó, Cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 5 bị can gồm Nguyễn Đỗ Lăng (sinh năm 1974, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương); Huỳnh Thị Mai Dung (sinh năm 1975, vợ ông Lăng) cùng trú tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Phạm Duy Hưng (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị), trú tại phường Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội; Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1981, Kế toán trưởng), trú tại số phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội; Phạm Thị Đức Việt (sinh năm 1982, Phó phòng dịch vụ khách hàng) trú tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cùng về tội "Thao túng thị trường chứng khoán".
Tài liệu điều tra từ cơ quan Công an đã thể hiện rõ chiêu “lùa gà” của nhóm đối tượng trên. Trong khoảng 8 tháng (từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021), Nguyễn Đỗ Lăng, Phạm Duy Hưng và Huỳnh Thị Mai Dung chỉ đạo các đối tượng sử dụng 40 tài khoản chứng khoán mở tại Công ty APS để liên tục mua, bán tạo ra cung cầu giả và giá đóng cửa mới, đẩy giá cổ phiếu 3 mã API, APS, IDJ tăng bất thường. Cổ phiếu API tăng từ 27.300 đồng/cổ phiếu lên 102.000 đồng/cổ phiếu (tăng 372%); cổ phiếu APS tăng từ 10.400 đồng/cổ phiếu lên 59.900 đồng/cổ phiếu (tăng 581%); cổ phiếu IDJ tăng từ 14.500 đồng/cổ phiếu lên 75.000 đồng/cổ phiếu (tăng 503%).
Nguyễn Đỗ Lăng, Huỳnh Thị Mai Dung, Phạm Duy Hưng chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh, kế toán trưởng, sau đó Thanh giao các nhân viên kế toán Công ty APS gồm Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Trần Thị Lan Anh thực hiện nộp tiền, rút tiền liên quan đến 30/40 tài khoản; giao Nguyễn Hoài Giang thực hiện nộp tiền, rút tiền liên quan đến 10/40 tài khoản. Nguồn tiền dùng để thao túng là của Lăng, Dung, Hưng.
Bên cạnh hành vi sử dụng tài khoản chứng khoán để giao dịch thao túng giá, Nguyễn Đỗ Lăng, Phạm Duy Hưng, Huỳnh Thị Mai Dung chỉ đạo Phạm Thị Đức Việt và Nguyễn Đoàn Tùng (SN 1994, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là chuyên viên phân tích tại Công ty CP đầu tư IDJ thường xuyên đưa các thông tin tích cực về 3 cổ phiếu APS, API, IDJ lên các hội, nhóm Zalo. Như nhóm "Tư vấn đầu tư Apec 3" với hơn 300 thành viên, "nhóm APS 2" với hơn 200 thành viên, nhóm "Tư vấn đầu tư Apec" với gần 900 thành viên... để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư tham gia mua các cổ phiếu này. Sau khi đã thổi giá thành công, cảm thấy no nê, nhóm đối tượng bắt đầu "xả hàng" với khối lượng lớn để thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng. Những nhà đầu tư trót đu đỉnh đều trở tay không kịp, bị "kẹp hàng" và trở thành cổ đông dài hạn. Nhà đầu tư nào muốn thoát ra thì buộc phải cắt lỗ 50-60%.
Cổ phiếu TGG đã được nhóm đối tượng "ủn" từ giá 20 ngàn lên đến gần 80 ngàn đồng. |
Mượn tiền công ty tài chính, "ủn" giá lên gấp 40 lần
Nếu như các lãnh đạo cấp cao của nhóm công ty thuộc họ APEC tự bỏ tiền túi của mình để thuộc cấp quay tay, thổi giá cổ phiếu thì Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty Louis Holdings lại nhờ tay một công ty chứng khoán nhằm thực hiện phi vụ. Nhân cũng chỉ đạo nhân viên lập nhóm facebook “Louis Family” để hô hào, đưa ra viễn cảnh các cổ phiếu của mình sẽ “bùng nổ” nhằm lôi kéo nhà đầu tư. Thực tế, cổ phiếu BII đã được thổi từ giá 1-2 ngàn đồng/cổ phiếu lên đỉnh hơn 30 ngàn đồng/cổ phiếu. Một mã cổ phiếu khác là TGG cũng từ thị giá "trà đá" được kéo lên đến gần 80 ngàn đồng/cổ phiếu, nghĩa là tăng đến 40 lần.
Theo tài liệu từ cơ quan điều tra cuối năm 2020, Đỗ Thành Nhân biết tình trạng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (sau đó đổi thành Công ty cổ phần Louis Land, mã chứng khoán BII), hoạt động kinh doanh lỗ, nợ xấu, cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết nên Nhân đã thỏa thuận với ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty trên để mua lại 10 triệu cổ phiếu mã BII của ông Dũng. Để có tiền thực hiện, Đỗ Thành Nhân gặp Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt bàn bạc, thống nhất việc dùng nguồn tiền của Công ty Quản lý tài sản Trí Việt cho Nhân vay dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán để mua.
Theo hợp đồng, ngoài việc trả lãi theo hợp đồng thì Đỗ Thành Nhân sẽ trả lãi ngoài hợp đồng cho Đỗ Đức Nam 4%; đồng thời Nhân nhờ Nam tư vấn để Nhân mua, chi phối, thâu tóm tiếp cổ phiếu mã TGG của Công ty cổ phần Xây dựng Trường Giang (sau đó đổi thành Công ty cổ phần Louis Capital) do biết công ty này cũng đang kinh doanh lỗ, có nợ xấu.
Phiên toà xét xử nhóm lãnh đạo Công ty Louis Holdings và Công ty Trí Việt. |
Từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021, Nhân câu kết với Đỗ Đức Nam sử dụng nhóm tài khoản chứng khoán đứng tên nhân viên, người thân và dùng tiền của Công ty Quản lý tài sản Trí Việt cho vay dưới hình thức hợp tác đầu tư để mua khối lượng lớn mã BII, TGG. Nhân đã mở 17 tài khoản chứng khoán tại nhiều công ty khác nhau. Còn Nam trao đổi với Phạm Thanh Tùng (Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Trí Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt) để Công ty Quản lý tài sản Trí Việt “bơm vốn” cho nhóm Nhân nhằm thu hút nhà đầu tư. Tùng chấp nhận đề xuất này của Nam. Tùng chỉ đạo Nam định hướng cho nhóm Nhân vay trong thời gian dài, số tiền hơn 700 tỷ đồng.
Từ nguồn tiền này, Nhân và Nam đã bàn bạc, thống nhất kịch bản để thao túng mã BII, TGG. Trên cơ sở đó, Nam chỉ đạo các nhân viên sử dụng 17 tài khoản mua khối lượng lớn các cổ phiếu này ở vùng giá thấp 1.000-2.000 đồng/cổ phiếu, liên tục đặt lệnh, khớp lệnh, tạo cung cầu giả tạo, tạo giá đóng cửa mới dẫn đến đẩy giá cổ phiếu tăng cao. Khi cổ phiếu đạt đỉnh, nhóm đối tượng xả hàng ào ạt, thu lời 154 tỷ đồng. Hành vi thao túng chứng khoán của Nhân sau đó đã phải trả giá bằng mức án 5 năm 6 tháng tù, Nam nhận 4 năm tù và Phạm Thanh Tùng nhận 3 năm tù treo.
Tiếp tục tăng cường, giám sát, xử lý nghiêm các vụ thao túng chứng khoán
Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cơ quan chức năng đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, tổng số tiền phạt là 2,05 tỷ đồng. Hai trường hợp thao túng chứng khoán bị xử lý. Một số vụ việc bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu hình sự.
“Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, quyết liệt, một số vụ việc đã được phát hiện, xử lý nghiêm. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chủ động chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý một số vụ thao túng thị trường chứng khoán, từ đó đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, minh bạch hơn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, bà Phương nhấn mạnh.
(Còn tiếp)
Minh Tiến