Tháo “nút thắt”, tạo động lực cho doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững
(PetroTimes) - Để tạo động lực cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phát triển mạnh, bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng, kịp thời sửa đổi cơ chế, chính sách, đảm bảo tính khách quan, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của DN. DNNN cũng cần phải có được tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), giúp DNNN tăng cường nhận diện rủi ro tài chính, hướng tới sự minh bạch.
Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp nhà nước quản lý rủi ro, minh bạch tài chính |
Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò tiên phong phát triển kinh tế |
Mới đây, tại Tọa đàm: “Kiểm toán nhà nước đồng hành cùng DNNN quản lý rủi ro, minh bạch tài chính” do Báo Kiểm toán tổ chức, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của DNNN còn một số hạn chế, mà nguyên nhân chính nằm ở cơ chế, chính sách…
Theo TS. Phan Đức Hiếu, để tháo gỡ “nút thắt”, tạo động lực cho DNNN hoạt động hiệu quả hơn, thì cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng. Bởi với cơ chế, chính sách như hiện nay thì dù DNNN muốn làm tốt cũng có thể bị lúng túng, thậm chí bị rủi ro trong vấn đề tuân thủ pháp luật. Nếu DN làm đúng theo quy định pháp luật thì không phù hợp với thực tế hoặc nếu làm đúng với thực tế lại không phù hợp với quy định pháp luật.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng, kịp thời sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp, vừa đảm bảo tính khách quan, tổng thể, vừa đảm bảo cá nhân hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của DN.
TS. Phan Đức Hiếu |
“Chúng ta đặt quá nhiều mục tiêu vào một DN mà không có sự phân tách. Chúng ta giao nhiệm vụ chính trị nhưng lại bắt DN hạch toán tài chính như thực hiện các hoạt động về đầu tư tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh thì rõ ràng không phù hợp” - TS. Phan Đức Hiếu cho biết thêm.
Theo TS. Hiếu, với vai trò của mình, trong thời gian tới, KTNN cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong việc kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách; không chỉ kiến nghị theo đợt, kiến nghị khi có yêu cầu, mà KTNN có thể chủ động, định kỳ kiến nghị về sự bất cập, không phù hợp của chính sách. Bên cạnh đó, để tránh rủi ro hoặc làm xáo trộn hoạt động của DNNN, KTNN cần kiểm toán sớm và đưa ra những khuyến nghị kịp thời để DN có cơ hội, có thời gian để tuân thủ tốt hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh thể chế pháp luật còn những điểm chưa đảm bảo thông lệ, chưa thực sự rõ ràng, có thể dẫn đến DN có nhiều cách hiểu khác nhau và nhiều cách tuân thủ khác nhau; KTNN cần thể chế hóa vấn đề này trong quy chế làm việc, trong các nguyên tắc kiểm toán để thực sự hỗ trợ DN và cùng DN phát hiện những vấn đề bất cập của thể chế, những vấn đề tạo ra lỗ hổng. Từ đó, KTNN không chỉ đóng góp vào việc giảm thất thoát mà còn tạo ra những giá trị gia tăng rất nhiều cho DN, giúp DN yên tâm kinh doanh. Đồng thời, cung cấp cho các cơ quan xây dựng chính sách nguồn thông tin quan trọng, từ đó hoạch định những chính sách chất lượng, phù hợp.
Cùng quan điểm với TS. Phan Đức Hiếu, chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay, chúng ta đang giao cho DNNN quá nhiều vai trò: vai trò là “quả đấm thép”; là lực lượng tiên phong, dẫn dắt; vai trò ổn định kinh tế vĩ mô… Việc giao quá nhiều vai trò đồng nghĩa với việc đặt ra cho DNNN quá nhiều mục tiêu.
TS. Nguyễn Đình Cung |
Để tháo gỡ những khó khăn, rào cản cho DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, có 3 việc phải làm với các DNNN, một là xác định mục tiêu rõ ràng; hai là phải áp dụng hệ thống quản trị theo thông lệ quốc tế - vấn đề này chúng ta còn rất kém; ba là xác định quy trình quản lý nội bộ. Trong quy trình quản lý nội bộ thì phải xác định 3 yếu tố: một là tuân thủ pháp luật; hai là phát hiện rủi ro; ba là quản lý rủi ro trong một thế giới đầy biến động, đòi hỏi DN phải luôn luôn nghiên cứu, đánh giá, dự đoán, dự báo được những yếu tố bên ngoài có thể tác động hay gây bất lợi cho DN, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó đưa ra những giải pháp để giảm thiểu hoặc vượt qua được khủng hoảng, rủi ro này, làm cho DN có sức chống chịu tốt. Như vậy, chúng ta mới nhìn được một cách có hệ thống làm thế nào để cho DNNN tốt hơn.
Chia sẻ quan điểm về hoạt động của KTNN đối với các DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ mong muốn khi kiểm toán, ngoài tuân thủ quy định của pháp luật, cũng cần quan điểm theo hướng thân thiện với kinh doanh, hướng tới đạt mục tiêu với hiệu quả tốt nhất. Trong trường hợp, giả sử hướng đến quan điểm như vậy, nhưng có một vài quy định nào đó cản trở cách tiếp cận này thì hướng xử lý nên là sửa đổi quy định hơn là phạt DN.
KTNN là công cụ quản lý nhà nước, việc áp dụng nguyên tắc tuân thủ trong kiểm toán đối với các cơ quan nhà nước là đúng, còn với các DNNN thì nên thực hiện giống như các công ty cổ phần thuê kiểm toán độc lập bên ngoài vào kiểm toán, nên hướng đến kiểm toán DNNN đúng như kiểm toán một tổ chức kinh doanh, còn nếu chúng ta áp dụng cùng một quy tắc kiểm toán các cơ quan nhà nước đối với kiểm toán DNNN thì có thể đúng với bên này nhưng chưa chắc đã đúng với bên kia.
Đưa ra những khuyến nghị cho DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng rất khó, bởi họ không có tính tự chủ. Nếu họ có được tính tự chủ, được quyết định làm gì, làm như thế nào với mục tiêu cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất thì các chuyên gia có thể khuyến nghị họ rất nhiều vấn đề.
“Vì vậy, điều đầu tiên mà tôi mong muốn là các DNNN cần phải có được tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Sau khi có được tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh thì phải đòi hỏi chủ sở hữu xác định cho DN một mục tiêu thật cụ thể, thật rõ ràng cả trước mắt và cả dài hạn để DN hướng vào đó và thực hiện một cách tốt nhất. Bởi nếu mục tiêu chưa rõ ràng thì DN không biết đâu mà làm. Thứ ba là yêu cầu phải có một cơ chế khi tự chủ rồi thì DN làm thế nào để đạt được mục tiêu đã xác định, đó là quyền của DN và khi DN đạt được mục tiêu thì DN được coi là hoàn thành nhiệm vụ” - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
“Khi kiểm toán, ngoài tuân thủ quy định của pháp luật, cũng cần quan điểm theo hướng thân thiện với kinh doanh, hướng tới đạt mục tiêu với hiệu quả tốt nhất. Trong trường hợp, giả sử hướng đến quan điểm như vậy, nhưng có một vài quy định nào đó cản trở cách tiếp cận này thì hướng xử lý nên là sửa đổi quy định hơn là phạt DN”. TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương |
Huy Tùng