Làm quan phải biết từ chối?
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Câu chuyên từ chối phần thưởng cao quý nhất mà Đảng ta, nhân dân ta, Quốc hội ta và quê hương của Lênin định dành cho Bác Hồ đã gợi lại cho chúng ta nhớ về một nét tiêu biểu cho đạo đức Hồ Chí Minh: Làm cán bộ của dân phải luôn biết từ chối dù phần thưởng ấy mình xứng đáng được nhận.
Tôi rất tâm đắc với bài báo “Ai thi đua, quan hay dân?” trên Báo Năng lượng Mới số 166 ra ngày 23/10. Người dân ta dễ thường ai cũng biết lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước” và trên thực tế từ phong trào thi đua đã xuất hiện hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ thi đua xuất sắc, nêu gương sáng cho toàn dân. Trong số những người từng được tuyên dương ấy bao giờ cũng có nông dân, công nhân, giáo viên, bộ đội, công an và quan chức nếu có cũng chỉ là số nhỏ bởi họ khiêm tốn xin nhường lại vinh quang đó cho người khác.
Còn nhớ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II năm 1963 khai mạc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.
Biết tin ấy, Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.
Theo hồi ức của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác thì Người nhắc đến đồng bào miền Nam đang sống khổ cực dưới chế độ dã man của đế quốc Mỹ và tay sai, đang anh dũng kiên quyết đấu tranh thắng lợi. Bác nói tiếp: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.
Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Xôviết - nhưng Bác cũng đã từ chối, xin hẹn đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.
Nhưng đến ngày 2/9/1969, Bác đã đi xa. Và cho đến lúc ra đi, trên ngực Bác vẫn không một tấm Huân chương.
Câu chuyên từ chối phần thưởng cao quý nhất mà Đảng ta, nhân dân ta, Quốc hội ta và quê hương của Lênin định dành cho Bác Hồ đã gợi lại cho chúng ta nhớ về một nét tiêu biểu cho đạo đức Hồ Chí Minh: Làm cán bộ của dân phải luôn biết từ chối dù phần thưởng ấy mình xứng đáng được nhận.
Thi đua và tôn vinh những chiến sĩ thi đua tiêu biểu ở nước ta do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Cách đây 60 năm, Bác Hồ đã viết rằng: Những chiến sĩ thi đua ắt phải là những con người giàu tinh thần trách nhiệm. Chiến sĩ thi đua thì không kể công, không mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Họ luôn luôn tự hỏi: “Ta đã tăng năng suất được bao nhiêu, đã làm lợi cho kháng chiến, cho dân tộc như thế nào?”. Chiến sĩ thi đua lại có tinh thần vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Vì vậy việc bình xét, tuyên dương các chiến sĩ thi đua toàn quốc tiêu biểu cần phải thực hiện cẩn trọng nghiên túc, minh bạch và công bằng. Về quy trình lập danh sách đề cử này, ông Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẳng định 60 cá nhân được lựa chọn đã phải vượt qua rất nhiều khâu, cấp xét duyệt. Người được đề nghị trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc phải có 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương hoặc có thành tích đột xuất được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; có sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong công tác, lao động sản xuất được ghi nhận theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Từ danh sách đề cử, cấp cơ sở sẽ bỏ phiếu kín để chọn ra những cá nhân đạt tiêu chuẩn nhất. Người được chọn phải đạt số phiếu từ 90% trở lên. Sau đó, bản danh sách này sẽ được gửi tới Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc cấp tương đương ký duyệt trước khi gửi tới Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị xét duyệt. Từ hồ sơ đề nghị của các bộ, ngành, địa phương gửi về, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ lựa chọn những người đáp ứng đủ các tiêu chí để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vậy là theo quy trình này, tất cả các cá nhân được đề cử đều biết rất rõ việc bản thân mình được đề cử và hoàn toàn có thể tự đánh giá mình có thực sự xứng đáng hay không. Họ chính là người tự viết bản báo công cơ mà. Chắc chắn không có ai bất ngờ, ngạc nhiên vì bị “hy sinh” nhận vinh dự có tên trong danh sách. Xin nhớ rằng, khá nhiều vị mới ngồi ở ghế này hơn một năm, làm sao có hai lần liền đạt danh hiệu cao quý trong cương vị của mình?
Tỷ lệ nông dân được đề cử Chiến sĩ thi đua chỉ có 0% là nỗi buồn của hàng triệu nông dân. Nông dân ta một nắng hai sương, mỗi năm sản xuất được hàng chục triệu tấn gạo nuôi sống gần 90 triệu dân, xuất khẩu gạo khắp thế giới và đưa Việt Nam thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu gạo của thế giới.
Tại sao không tri ân người làm ra hạt gạo cho đất nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.Và còn hàng triệu công nhân trong các nhà máy, hầm mỏ, trên những công trường thủy điện, dầu khí... Họ trực tiếp làm ra của cải vật chất, rất nhiều người có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật và sáng chế làm lợi cho xã hội. Chẳng lẽ không có một người nào trong số họ xứng đáng với danh hiệu này? Sẽ là thiếu sót nghiêm trọng nếu bỏ quên hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an ngày đêm thầm lặng bảo vệ biên cương, biển đảo, bảo vệ trật tự an ninh xã hội. Chẳng lẽ không một ai xứng đáng là Chiến sĩ thi đua Toàn quốc? Được biết, lịch sử Sư đoàn 304 từng ghi rằng sau các chiến dịch lớn, hầu như không có tên các chỉ huy cao cấp được tuyên dương, khen thưởng. Vinh quang đều dành cho chiến sĩ.
Một quan chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tuy có thừa nhận thực trạng vắng bóng nhiều đối tượng trực tiếp lao động, sản xuất ở cơ sở nhưng lại đổ thừa cho những quy định hiện hành trong Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2003. Tuy nhiên, theo các cán bộ thi đua, bản danh sách kỳ cục này không phải là do các quy định, Luật Thi đua - Khen thưởng mà chủ yếu xuất phát từ quy trình xét duyệt, việc giám sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chưa sít sao, kịp thời.
Qua mỗi cấp xét duyệt lại bị rơi rụng đi những cá nhân lao động sản xuất mà lẽ ra họ có đủ tiêu chuẩn để được đề nghị Thủ tướng trao tặng danh hiệu thi đua. Họ không thể lọt vào danh sách vì các quan không biết từ chối. Họ không chịu học Bác Hồ khi Người từ chối Huân chương. Chỉ riêng điểm này, các quan đã mất điểm rồi! Làm quan phải biết từ chối bổng lộc, danh vị và vật chất!
Lê Thị Bảo Vân (Hà Nội)