Điệp khúc “tiền trường”
(PetroTimes) - Chuyện này thuộc nhóm các câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế nhưng, biết rồi mà chưa biết hết, vì mỗi năm nó lặp lại với những tình tiết mới có phần phức tạp, ngang nhiên, tùy tiện.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Đó là câu chuyện “phụ thu lạm bổ” đối với học sinh các cấp tiểu học và trung học vào đầu năm học mới. Từ điển Tiếng Việt ghi rõ: “Phụ thu lạm bổ nghĩa là bắt đóng góp quá nhiều, quá với mức quy định để lấy số thừa đó bỏ túi”. Về chuyện “bỏ túi” thì đã xảy ra một số vụ, người tham ô đã bị kỷ luật, thậm chí bị bỏ tù. Nhưng cái sai xuất phát từ lòng tham giống như loài sâu mọc cánh, chuyện phụ thu cứ kéo dài, dài mãi, khó tiệt nọc.
Vẫn biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến các địa phương đều đã đề ra các quy định cụ thể, nói nhẹ hơn là “lưu ý” về các khoản thu trong nhà trường. Lưu ý vậy thôi, chuyện gõ đầu... phụ huynh học sinh cứ tái diễn.
Tôi có ông bạn già - vụ trưởng, bà là y sĩ, đều đã nghỉ hưu. Lương hưu hai ông bà cộng lại chưa đầy 14 triệu đồng. Ông bảo tháng nào nhận lương xong cũng phải cho cô con gái 4 triệu để... nuôi con, vì lương công nhân may mặc của cháu quá thấp. Tháng 9 này cháu xin ông bà 10 triệu để nộp “Tiền trường”. Ông lắc đầu ngao ngán, đúng là hoa mày chóng mặt ông ạ. Năm nào cũng thế, sao cái khoản tiền trường cứ như tảng đá đè lên đầu lên cổ cha mẹ học sinh mãi thế. Các ông “thu” của tôi, tôi biết “thu” của ai? Lương hưu vừa tăng được mấy trăm nghìn đồng/tháng thì giá chợ đã lên như nước lũ.
Đọc trên báo chí, trên mạng xã hội, sốt ruột lắm thay. Rằng ở trường nọ, ngoài các khoản thu cố định, nhà trường còn thông qua Hội phụ huynh học sinh tạm thu cả đống tiền. Ông nguyên vụ trưởng vừa kể ở trên, đi họp thay con về, chân tươi chân héo, than phiền: trí nhớ mình cũng chưa đến mức delete (bỏ đi, xóa trắng), vậy mà không thể nào nhớ hết các khoản tiền phải đóng. Nào là, đồng phục phát sinh từ đồng phục, nghĩa là, đồng phục mùa hè, mùa đông, áo ghi-lê, áo len, com-ple, tất chân... Nào là “vở đồng phục”, với mức giá 8.000-9.000 đồng/cuốn, lại yêu cầu mua từ 20 đến 30 cuốn vở. Nào là tiền vệ sinh, tiền nước uống, thiết bị khử trùng, sổ liên lạc điện tử, tiền mua bảng chống lóa, máy chiếu, rèm cửa...
Chưa hết, theo phản ánh của các phụ huynh, ở một trường tiểu học thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội lại có câu chuyện lạ lùng, rằng, nếu muốn lắp điều hòa cho con học thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp (!).
Tại TP Hồ Chí Minh, đầu năm học 2023-2024 này, nhiều phụ huynh cho hay, ngoài các khoản thu “có lý” còn quá nhiều khoản “vô lý” như những phát sinh từ đồng phục, bảo hiểm y tế, ăn bán trú, sinh hoạt câu lạc bộ cờ vua, cờ tướng, mỹ thuật, âm nhạc...
Vậy khoản thu “có lý” là những khoản nào? Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đó là các khoản nhà trường được phép thu, bao gồm: học phí, bảo hiểm y tế, tiền may quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu; tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; nước uống học sinh... Các khoản thu này được thực hiện tùy quyết định của từng tỉnh, thành.
“Tóm lại, chúng tôi phải nộp bao nhiêu?”. Có vị phụ huynh sốt ruột kêu lên trong cuộc họp đầu năm. Câu trả lời ở nhiều trường học (cấp tiểu học) ở các thành phố lớn là khoảng 3 đến 4 triệu đồng. Người nhớ thì nói là “đóng tiền đầu năm học”, người quên thì nói cho nhanh là tiền “chăm cô”, hoặc “tiền trường” (!)
Khoản chi đầu năm như thế có thể không nhiều với các em “nhà có điều kiện”, nhưng lại là gánh nặng đối với phần lớn các gia đình có thu nhập thấp, nhất là những cặp vợ chồng có hai, ba con cùng nhập học, số tiền ấy sẽ nhân lên hai, ba lần. Biết vay nóng vay nguội ở đâu bây giờ?
Mấy năm nay, chủ quản việc học hành đã có nhiều quy định, hướng dẫn tỉ mỉ. Ông thanh tra Sở nào cũng nói vanh vách theo Nghị định này, Thông tư kia, rồi đến Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Có điều nước cứ lênh láng trên mặt lá khoai. Và, “cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”. Tuyên bố rõ mạnh mẽ là không được quyên góp các khoản thu không tự nguyện, nhưng ai đó thử không nộp tiền xem, sẽ lôi thôi to. Chuyện này cũng giống như chuyện cấm dạy thêm và học thêm vậy. Cấm làm phép vậy thôi. Cấm để mà đối phó với... Đoàn thanh tra (!).
Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nhiều việc phải làm. Và việc nào cũng cấp bách, cũng hệ trọng. Chuyện “phụ thu lạm bổ” đã trở thành điệp khúc buồn nhiều năm nay. Mong những sáng kiến từ cơ sở. Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý kiên quyết, mạnh tay hơn nữa với vấn nạn này để phụ huynh học sinh bớt gánh nặng đầu năm học. Có lời khuyên: “Chớ thối chí khi mệt mỏi, hãy dừng lại khi xong công trình” là vì thế.
Hải Đường