“Cuộc thập tự chinh” xuyên thế kỷ của đồng USD
Kỳ 7: Cuộc chiến của Mỹ tranh giành khí đốt ở Syria
Nếu dầu mỏ được ví là “vàng đen” thì khí đốt được coi là “vàng xanh” và cả 2 loại năng lượng này đều được mua bán trên thị trường thế giới bằng USD. Do đó, để duy trì vị thế toàn cầu của USD, Mỹ không chỉ theo đuổi sử dụng chiến tranh để giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ mà còn cả tài nguyên khí đốt.
Kỳ 5: Giành quyền kiểm soát Iran - thành viên then chốt của OPEC |
Kỳ 6: Chiến tranh giành quyền kiểm soát khí đốt ở Trung Á |
Binh sĩ Mỹ tuần tra ở Syria, ngày 3-2-2023_Ảnh: US ARMY |
Cuộc khủng hoảng ở Syria bùng phát từ năm 2011 trong bối cảnh làn sóng chính trị mang tên “Mùa xuân Arab” đến nay vẫn chưa kết thúc, trong đó Mỹ vẫn đang duy trì một lực lượng quân sự đáng kể trên lãnh thổ quốc gia này mượn cớ “bảo vệ tài nguyên dầu mỏ của Syria không rơi vào tay khủng bố”. Trên thực tế, Syria là một trong những trọng điểm trong cuộc chiến của Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát khí đốt ở Trung Đông theo Đề án Đại Trung Đông.
Syria là một phần hợp thành đề án đường ống dẫn khí đốt đi qua nhiều nước Arab có chiều dài 1.200km, đường kính đường ống gần 1m, có khả năng chuyển tải tối đa gần 10 tỷ mét khối. Vào thời điểm bùng phát làn sóng chính trị “Mùa xuân Arab”, khí đốt của Ai Cập đang được cung cấp sang Syria theo đường ống này. Theo kế hoạch, mạng lưới đường ống dẫn khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ được kết nối với một đường ống khác đang được xây dựng kéo dài 230km. Như vậy, Syria đóng vai trò trung chuyển trên tuyến đường ống dẫn khí đốt đi qua các nước Arab tới châu Âu trong tương lai. Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã loại bỏ các công ty của Mỹ và các nước phương Tây ra khỏi danh sách các nhà thầu xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt đi qua lãnh thổ nước này và ưu tiên cho Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga bởi Nga là đối tác chiến lược được coi là tin cậy nhất của Syria. Đây là điều mà Mỹ không thể chấp nhận được, tương tự như trường hợp Taliban ở Afghanistan.
Nhận xét về tầm quan trọng của Syria đối với kế hoạch thực hiện Đề án Đại Trung Đông của Mỹ, Paul Craig Roberts - cựu Thứ trưởng Bộ tài chính Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống Ronald Reagan - đưa ra nhận định: “bằng cách đẩy làn sóng chính trị “Mùa xuân Arab” tới Syria, Mỹ muốn loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và dựng lên ở Damascus chính quyền mới cho phép Washington kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí đốt đi qua quốc gia này”. Trong khi chế độ cầm quyền Taliban ở Afghanistan bị ném bom rải thảm sau sự kiện 11-9 chỉ vì không chấp nhận đề nghị của Mỹ thực hiện đề án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á đi qua lãnh thổ Afghanistan, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng bị Mỹ coi là “kẻ độc tài” cần phải loại bỏ chỉ vì ông không cho phép họ xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Trung Đông đi qua lãnh thổ Syria tới thị trường châu Âu.
Quá trình can thiệp của Mỹ ở Syria đã diễn ra theo nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn 1, Mỹ đóng vai trò “lãnh đạo từ phía sau” để chỉ đạo các lực lượng đối lập tiến hành cuộc chiến tranh bạo loạn nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad nhận được sự ủng hộ của Nga đã đập tan cuộc chiến tranh bạo loạn này. Sau khi nhận thấy không thể sử dụng thủ đoạn chiến tranh bạo loạn để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, Mỹ chuyển sang giai đoạn 2 thực hiện sách lược chiến tranh ủy nhiệm thông qua cái gọi là “Đội quân tự do Syria” và các nhóm vũ trang đối lập ô hợp đến từ nhiều nước, trong đó có tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIL). Vì thế, ISIL chính là “con đẻ” của Mỹ. Nhận thấy bế tắc trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm, Mỹ chuyển sang sử dụng kịch bản Iraq. Theo đó, các lực lượng đối lập ở Syria dựng lên sự kiện “Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường” và mượn cớ đó Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ phát động chiến dịch quân sự để “trừng phạt Syria”. Tuy nhiên, sáng kiến do Nga đề xuất về tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học của Syria, được Chính phủ Syria chấp nhận dẫn tới Nghị quyết 2118 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm loại trừ nguy cơ can thiệp quân sự từ bên ngoài vào quốc gia này.
Sau khi kịch bản Iraq bị phá sản, Mỹ chuyển sang giai đoạn 3 can thiệp quân sự trực tiếp núp dưới chiêu bài tiến hành chiến dịch “chống khủng bố” trên lãnh thổ Syria. Ngày 10-9-2014, không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thành lập “liên minh chống khủng bố” với gần 60 nước tham gia. Ngoài ra, Arab Saudi - đồng minh then chốt của Mỹ - cũng tuyên bố thành lập “liên minh các nước Arab chống khủng bố” với 34 nước tham gia. Trên thực tế, một mặt Mỹ mượn cớ “chống khủng bố” để chuyên chở vũ khí và trang bị cho các lực lượng đối lập ở Syria, mặt khác tấn công phá hoại các mục tiêu hạ tầng cơ sở quân sự và dân sự của Syria. Chính vì thế, trong gần 1 năm, từ tháng 9-2014 đến tháng 9-2015, liên quân do Mỹ chỉ huy tiến hành chiến dịch “chống khủng bố” ở Syria thì IS mở hàng loạt cuộc tấn công vào các mục tiêu của Syria và giành quyền kiểm soát 80% lãnh thổ của quốc gia này, đồng thời áp sát Thủ đô Damascus. Để cứu nguy cho Syria, Tổng thống Nga V. Putin đề xuất sáng kiến thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố ở Syria dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc. Sau khi đề xuất này không được Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ, ngày 30-9-2015, Tổng thống V. Putin quyết định thành lập liên minh quốc tế gồm Nga, Syria, Iraq và Iran và phát động chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Sau 2 năm tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Syria, lực lượng hàng không - vũ trụ Nga đã thực hiện hơn 30.000 chuyến bay, hoàn thành hơn 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt 96.000 mục tiêu khủng bố, trong đó có 832 sở chỉ huy; 17.194 ổ đề kháng của các lực lượng khủng bố; 5.3707 nhóm khủng bố; 970 trại huấn luyện khủng bố; phá hủy 6.769 kho vũ khí và đạn dược, 184 cơ sở khai thác dầu và 132 đoàn xe chở dầu của IS... Trên cơ sở đó, ngày 6-12-2017, Tổng thống V. Putin tuyên bố, về cơ bản ISIL ở Syria đã bị đánh bại. Đồng thời, Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở Syria trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng đối lập ở Syria cần đàm phán để xây dựng Hiến pháp mới. Trên cơ sở đó tiến hành bầu cử quốc hội và tổng thống, từng bước ổn định tình hình. Theo Tổng thống Syria Bashar al-Assad, để hiện thực hóa tiến trình hòa bình, Mỹ sẽ phải rút quân khỏi Syria bởi họ không có bất cứ cơ sở pháp lý nào để hiện diện ở quốc gia này. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria với lý do sẽ tiếp tục hỗ trợ “các lực lượng đối lập”, thực chất là để kiểm soát tài nguyên dầu mỏ và khí đốt của quốc gia này.
Nhận định về diễn biến cực kỳ phức tạp ở Syria, Tổng thống Bashar al-Assad diễn giải rằng, cuộc chiến ở quốc gia này hoàn toàn không phải là nội chiến mà là “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ”. Báo Pháp Le Figaro cũng nhận định, ở Syria đang diễn ra cuộc chiến tranh thế giới kiểu mới. Trong đó có sự tham gia của lực lượng đến từ gần 90 nước, nhiều hơn cả số quốc gia tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế, vai trò của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria có ý nghĩa quan trọng tương tự như vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đánh giá về vai trò của Mỹ trong cuộc chiến ở Syria, nguyên Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ John Brennan nhận định: “chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã sai lầm khi cho rằng “Mùa xuân Arab” có thể loại bỏ được chính thể các quốc gia Trung Đông và thiết lập nền dân chủ”. Do đó, để kết thúc cuộc chiến này và lập lại hòa bình cho Syria, các cường quốc trên thế giới cần phải phối hợp nỗ lực chung, tương tự như trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Để kết thúc cuộc chiến này và lập lại hòa bình ở Syria, cần có tiếng nói của các cường quốc là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì thế, Tổng thống Nga V. Putin đề nghị tổ chức cuộc gặp nguyên thủ 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc để bàn cách hóa giải các mối đe dọa và thách thức đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, trong đó có cuộc chiến ở Syria. Giới phân tích gọi đề xuất này của Tổng thống V. Putin là sáng kiến tổ chức Hội nghị Yalta-2. Trong khi Hội nghị Yalta-1 được tổ chức trong tháng 2-1945 giữa 3 cường quốc là Mỹ, Liên Xô và Anh để bàn thảo cách thức kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và xác định cục diện chính trị toàn cầu sau cuộc chiến này, thì nếu Hội nghị Yalta-2 được tổ chức sẽ là cơ hội để các cường quốc tìm cách hóa giải nhiều hồ sơ an ninh toàn cầu, trong đó có hồ sơ “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ” ở Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý với đề xuất này của Tổng thống Nga V. Putin. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đề nghị tổ chức Hội nghị Yalta-2 tại Mỹ trong tháng 9-2020 nhân dịp Liên hợp quốc tổ chức diễn đàn hằng năm và kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, Hội nghị này bị hoãn vô thời hạn.
Cuộc chiến Ukraina kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24-2-2022 đã có tác động làm rung chuyển trật tự thế giới, trong đó Arab Saudi - đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad - đã “quay xe” và quyết định bình thường hóa quan hệ với Syria. Ngoài ra, Arab Saudi cũng bình thường hóa quan hệ với Iran - quốc gia bị Mỹ liệt vào “trục ma quỷ” và là “kẻ thù không đội trời chung” bởi chính quyền Riad nhận ra toan tính của Washington theo đuổi tham vọng kiểm soát tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trên khắp thế giới, trong đó có Arab Saudi.
Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản
Ấn Độ bắt đầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho dầu nhập khẩu của Nga |
Thời kỳ hoàng kim của USD đã qua? |
Kỳ 1: Đồng USD ra đời từ quyết định có ý nghĩa lịch sử |